Hà Nội

Chế độ ăn cho người bệnh viêm cầu thận

05-09-2024 15:29 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Một chế độ ăn khoa học và phù hợp tác động tích cực đến quá trình thải độc của thận, tốt cho các hoạt động trong cơ thể người bệnh viêm cầu thận.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh viêm cầu thận

Chia sẻ về tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng đối với người bệnh viêm cầu thận, TS.BS. Đoàn Huy Cường - Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, chế độ ăn phù hợp giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân, qua đó nâng cao hiệu quả của các biện pháp điều trị và giúp bệnh nhân có tiên lượng bệnh tốt hơn. Trong quá trình điều trị, chế độ dinh dưỡng cho người viêm cầu thận được đánh giá là rất quan trọng.

Khi cầu thận bị viêm, cầu thận không thể thực hiện được các chức năng (như thải bỏ các chất dư thừa, độc hại khỏi cơ thể; điều chỉnh thăng bằng nước - điện giải) một cách tối ưu. Do đó mục tiêu của chế độ ăn nhằm giảm tải cho thận, hỗ trợ điều chỉnh các rối loạn chức năng của thận; dự phòng, điều trị suy dinh dưỡng và các biến chứng của bệnh.

Theo các chuyên gia, một chế độ ăn khoa học và phù hợp sẽ tác động tích cực đến quá trình thải độc của thận, hỗ trợ thận sản xuất những loại hormone tốt cho các hoạt động trong cơ thể.

Chế độ ăn cho người bệnh viêm cầu thận- Ảnh 1.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm cầu thận.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh viêm cầu thận

Các loại vitamin

Người bệnh cần cung cấp đủ vitamin, khoáng chất như vitamin A, C, E.

Thực phẩm giàu omega-3

Người bị viêm cầu thận cần bổ sung các thực phẩm chứa chất béo không no. Omega-3 là một loại acid béo không no có tác dụng chống viêm, giảm huyết áp, giảm độ nhớt của máu và bảo vệ các cầu thận. Đặc biệt omega-3 có tác dụng tiêu diệt các gốc tự gây hại trong cầu thận. Các thực phẩm giàu omega-3 bao gồm: cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu; hạt lanh, hạt chia, hạt óc chó; dầu ô liu, dầu hạt lanh.

Rau xanh, củ quả

Rau xanh là thực phẩm thiết yếu trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân viêm cầu thận và bí tiểu. Một số loại rau xanh tốt cho bệnh nhân viêm cầu thận như là: rau má, rau ngót, rau muống; cải kale, bắp cải; cần tây, rau diếp cá, rau dền; bông cải xanh; măng tây; củ cải trắng. Khoai lang là nguồn cung cấp tinh bột dồi dào, ít protein, đảm bảo năng lượng cho cơ thể mà không gây áp lực lên thận.

Thực phẩm có tác dụng chống viêm

Việc bổ sung các thực phẩm có khả năng ức chế quá trình viêm có thể hỗ trợ điều trị và cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân.

Gừng: chứa gingerol và shogaol có tác dụng giảm viêm, giảm đau, hỗ trợ tiêu hóa. Bệnh nhân viêm cầu thận có thể thêm gừng vào món ăn hoặc uống trà gừng.

Nghệ: Curcumin trong nghệ có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm mạnh mẽ, giúp bảo vệ các cầu thận. Người bệnh có thể ăn nghệ sống, uống sữa nghệ hoặc sử dụng các thực phẩm chức năng có chiết xuất nghệ.

Nhân sâm: Có chứa ginsenoside có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường miễn dịch, giảm viêm và bảo vệ các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả thận. Có thể sử dụng nhân sâm tươi, uống nước nhân sâm hoặc dùng các sản phẩm bổ sung có chiết xuất nhân sâm.

Lưu ý: Việc dùng thực phẩm bổ sung phải theo tư vấn, chỉ định của bác sĩ điều trị.

Chế độ ăn cho người bệnh viêm cầu thận- Ảnh 2.

Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn tới quá trình điều trị bệnh viêm cầu suy thận.

3. Một số loại thực phẩm người bệnh viêm cầu thận nên ăn

Tùy vào giai đoạn bệnh, các bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân lên thực đơn phù hợp. Tuy nhiên, cần nắm rõ nguyên tắc về chế độ dinh dưỡng dành cho người viêm cầu thận như sau:

Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể: Người bệnh nên cân đối để có những bữa ăn đầy đủ năng lượng. Không nên ăn quá nhiều để tránh gây áp lực cho thận. Trong quá trình ăn uống thì cần ăn chậm, nhai kỹ. Trước khi chế biến, người bệnh nên xem thông tin dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm và cân đo lượng thực phẩm phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Người bệnh viêm cầu thận cần xây dựng một chế độ ăn để không làm nặng thêm tình trạng sức khỏe như sau: Ăn nhạt tuyệt đối khi đang phù, tăng huyết áp, ăn cá thay vì thịt đỏ. Ăn các thức ăn có lượng protein thấp như cháo đường, hoa quả nhiều chất xơ để giúp giảm gánh nặng công việc cho thận, giúp thận phục hồi và làm chậm sự tích tụ các chất thải trong máu.

Sử dụng các chất bột đường có nguồn gốc từ mật ong, khoai sọ, khoai lang, bột sắn dây thay vì gạo, mì ống,... Sử dụng thực phẩm lợi tiểu như bí đao, đậu đỏ, mướp... Sử dụng chất béo không no như cá hồi, đậu nành, dầu cá, dầu ô liu, bơ, đậu phộng,...

Bệnh nhân viêm cầu thận nên uống ít nước để giảm bớt gánh nặng cho thận và kiểm soát huyết áp. Bên cạnh đó nếu đang trong giai đoạn vô niệu thì bệnh nhân không được uống các loại nước rau quả, chỉ khi tiểu được nhiều mới ăn như bình thường.

4. Một số loại thực phẩm người bệnh viêm cầu thận không nên ăn

Bệnh nhân kiêng các thực phẩm có lượng protein cao như nội tạng động vật. Hạn chế các thực phẩm giàu kali như: Khoai tây, chuối, cam, cà chua, rau đậu,... Hạn chế ăn các thức ăn chứa nhiều phốt pho như sữa chua, kem,... Hạn chế dùng rau cải và trái cây chứa nhiều kali, như chuối, khoai tây, nước trái cây, nước rau, nước thịt. Tuyệt đối không uống rượu bia, thuốc lá, cà phê hay trà.

Lượng protein khuyến cáo cho người gặp vấn đề về thận là 1 g trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày (1g/kg/ngày). Người bệnh nhẹ trong bữa ăn hạn chế protein, hàng ngày protein hạn chế vào khoảng 0,8g/kg cân nặng. Người bệnh vừa và nặng thời gian đầu nên hạn chế nghiêm ngặt, hàng ngày 0,5g/kg cân nặng, tương đương phân nửa lượng cung của người bình thường.

Bệnh nhân viêm cầu thận nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều natri như: muối, nước mắm, xì dầu; thức ăn đóng hộp, đông lạnh, chế biến sẵn; bánh quy, bánh mì, bánh ngọt; mì ăn liền, bắp rang, khoai tây chiên; thịt muối, cá khô, mắm tép.

Người bệnh nằm giường, cung cấp calo không nên quá nhiều, carbohydrate và lipid là nguồn cung calo chính. Chú ý, mặc dù chiếm khoảng 90% so với tổng lượng nhưng hàm lượng lipid không nên quá nhiều.

Chế độ ăn cho người bệnh viêm cầu thận- Ảnh 4.

Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn tới quá trình điều trị bệnh viêm cầu suy thận.

5. Tham khảo một số thực đơn với bệnh nhân viêm cầu thận

Dưới đây là thực đơn tham khảo cho người trưởng thành do Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới gợi ý:

- Thực đơn tham khảo cho bệnh nhân viêm cầu thận cấp có urê máu cao, cân nặng 50-55kg:

  • Năng lượng: 30 - 35 kcal/kg cân nặng/ngày.
  • Protein: 0,6 - 0,8 g/kg cân nặng/ngày.
  • Lipid: 20 -< 30% tổng năng lượng.
  • Glucid: tỷ lệ phù hợp với tổng năng lượng.

Giờ ăn

Món ăn

7 giờ

- Miến cá rô đồng: miến dong 50g, cá rô đồng 25g, dầu ăn 5ml, thìa là 5g, rau cần 50g

- Sữa dành cho người suy thận 200ml

11 giờ

- Cơm: 150g (gạo tẻ 75g)

- Thịt gà rang: 20g

- Thịt băm: thịt lợn nạc 20g

- Cải chíp xào tỏi: rau cải 150g, tỏi 5g, dầu ăn 10ml

- Xoài chín: 80g

15 giờ

- Chè đậu đen: đậu đen 10g, bột sắn 10g, đường kính 20g

18 giờ

- Miến xào: miến dong 75g, thịt bò 30g, hành tây 80g, cà rốt 70g, nấm hương 3g, dầu ăn 12g

- Thanh long: 150g (cả vỏ)

Giá trị dinh dưỡng

- Năng lượng: 1702Kcal

- Fe: 13(mg)

- Protein: 42(g)

- Zn: 6(mg)

- Glucid: 281(g)

- Xơ: 14(g)

- Lipid: 45(g)

- Natri: 183(mg)

- Canxi: 561(mg)

- Kali: 1220(mg)

- Phốt pho: 720 (mg)

Lưu ý, việc xác định nhu cầu dinh dưỡng cần dựa theo độ tuổi, cân nặng, là người lớn hay trẻ em; tình trạng bệnh lý; tình trạng dinh dưỡng (thể lực và sinh hóa)... Do đó, người bệnh nên hỏi ý kiến và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn phù hợp.

Xem thêm:

Viêm cầu thận có nguy hiểm?Viêm cầu thận có nguy hiểm?

SKĐS - Viêm cầu thận là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận bao gồm viêm ở các tiểu cầu thận và các mạch máu trong thận. Đây là bệnh nguy hiểm vì diễn biến âm thầm, khó phát hiện và có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời.


Thanh Hằng
Ý kiến của bạn