Chế độ ăn cho người bệnh ung thư vú

25-10-2024 12:48 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Chế độ ăn uống lành mạnh có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình điều trị ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng. Chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp cơ thể nhanh hồi phục, hạn chế tác dụng phụ của liệu pháp điều trị ung thư và giảm các triệu chứng của bệnh.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh ung thư vú

Bệnh ung thư cũng như các phương pháp điều trị ung thư (xạ trị, hóa trị, phẫu thuật...) đều ảnh hưởng tới việc cung cấp và chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể người bệnh. Theo đó, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kéo dài cuộc sống và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú.

Người bệnh ung thư vú sau khi điều trị hóa trị liệu cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, tích cực để bù đắp tình trạng sụt cân, đảm bảo sức khỏe và tiếp nhận các can thiệp điều trị tốt hơn.

Việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho bệnh ung thư vú là một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Dưới đây là những lý do tại sao chế độ ăn uống lành mạnh lại quan trọng đối với người bệnh ung thư vú:

1.1. Ngăn ngừa ung thư tiến triển

Ung thư là sự tăng sinh tế bào mất kiểm soát do đột biến gen. Việc cải thiện chế độ dinh dưỡng, chẳng hạn như tiêu thụ nhiều rau củ quả chứa các hợp chất chống oxy hóa mạnh, có thể ức chế sự sinh sôi quá mức của tế bào ung thư, hạn chế tình trạng di căn của khối u sang các cơ quan khỏe mạnh khác và bảo vệ các tế bào khỏe mạnh.

Chế độ ăn cho người bệnh ung thư vú- Ảnh 1.

Chế độ dinh dưỡng có mối quan hệ với bệnh ung thư vú. Ảnh: Internet

1.2 Nâng cao sức khỏe toàn diện

Khi cơ thể đang chiến đấu chống lại bệnh tật, nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng tăng lên. Cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất, chẳng hạn như vitamin A, C, E, D, K, sắt, kẽm, đồng, magie sẽ giúp cơ thể duy trì chức năng miễn dịch, hỗ trợ quá trình hồi phục và giảm nguy cơ biến chứng.

1.3 Giảm thiểu tác dụng phụ

Điều trị ung thư vú thường gây ra tác dụng phụ như mất khả năng ngửi, mất vị giác, khó nuốt, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón và nôn trớ, khiến việc duy trì cân nặng và cung cấp đủ dinh dưỡng trở nên khó khăn. Một chế độ ăn uống tốt, chẳng hạn như tăng cường tiêu thụ thực phẩm nhiều kẽm, vitamin C và K,… có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng này và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1.4 Giảm nguy cơ nhiễm khuẩn

Một hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể đánh bại mọi mầm bệnh nhưng rất nhiều yếu tố như stress, quá tải công việc và các chất ô nhiễm nơi thành phố... cùng với chế độ ăn nghèo nàn, nhiều chất đường, hệ miễn dịch suy yếu... đều có thể khiến bệnh tật xâm nhập. Cơ thể của người bệnh ung thư vú ở thể trạng yếu, vì vậy việc bổ sung dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể tìm lại dưỡng chất cần thiết, từ đó tăng khả năng miễn dịch và giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.

1.5 Duy trì cân nặng và nguồn dinh dưỡng dự trữ

Suy dinh dưỡng có thể làm chậm quá trình lành vết thương, làm xấu đi chức năng cơ thể và tăng nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật, ảnh hưởng không tốt đến kết quả điều trị. Tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng cũng có thể làm giảm khả năng dung nạp và đáp ứng với các phương pháp điều trị ung thư. Điều này dẫn đến thời gian nằm viện kéo dài, tăng nguy cơ gián đoạn điều trị và có thể làm giảm khả năng sống còn của bệnh nhân. Dinh dưỡng là một trong những yếu tố then chốt trong quá trình điều trị bệnh ung thư vú, có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và tiên lượng của bệnh.

Chế độ ăn cho người bệnh ung thư vú- Ảnh 2.

Dinh dưỡng là một trong những yếu tố then chốt trong quá trình điều trị bệnh ung thư vú, có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và tiên lượng của bệnh. Ảnh minh họa

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh ung thư vú

2.1 Nguyên tắc chung khi xây dựng thực đơn

Vì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi và đảm bảo sức khỏe cho người bệnh sau quá trình điều trị ung thư vú, nên cần tuân theo các nguyên tắc dinh dưỡng được khuyến cáo như sau:

  • Năng lượng: 25-30 kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày
  • Protein: 12-20% tổng năng lượng, protein động vật chiếm 30-50% tổng số
  • Lipid: 18-25% tổng năng lượng, lựa chọn thực phẩm giàu chất béo Omega-3
  • Glucid: 60-70% tổng năng lượng
  • Bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D3
  • Cung cấp đầy đủ vitamin và chất xơ.
Chế độ ăn cho người bệnh ung thư vú- Ảnh 3.

Vitamin D cần thiết cho phòng và hỗ trợ điều trị ở người ung thư vú. Ảnh: Internet

2.2 Các dưỡng chất thiết yếu cho người bệnh ung thư vú

Mỗi người bệnh có thể trạng khác nhau, quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể hay tiêu hao năng lượng cũng khác nhau. Tuy nhiên, họ đều cần phải đảm bảo sự cân bằng và đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng:

2.2.1 Protein

Protein cần thiết cho sự phát triển, sửa chữa và duy trì hệ thống miễn dịch của cơ thể. Sau khi điều trị ung thư, dù là phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị đều cần thêm protein để giúp cơ thể chữa lành và chống lại nhiễm trùng. Đạm từ thịt động vật là nguồn đạm chủ yếu giúp vết thương mau lành và duy trì khối lượng cơ, rất cần thiết cho quá trình phục hồi; đồng thời cũng làm nhiệm vụ như “xe tải” vận chuyển thuốc điều trị khắp cơ thể. Thiếu đạm từ thịt động vật có thể dẫn đến các rối loạn trong cơ thể như thiếu vitamin, thiếu máu, rối loạn chuyển hóa đường huyết,… Do vậy, cần lưu ý bổ sung đủ lượng đạm từ thịt động vật.

Thực phẩm giàu protein có trong: thịt nạc (gà, bò), cá, trứng, các loại đậu, sản phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua).

2.2.2 Chất béo lành mạnh

Mặc dù chất béo lành mạnh chỉ là một phần nhỏ trong kim tự tháp thực phẩm nhưng nó đóng vai trò quan trọng trong dinh dưỡng. Chất béo là nguồn năng lượng rất dồi dào. Cơ thể sẽ phân hủy chất béo để dự trữ năng lượng, giữ nhiệt cho cơ thể và vận chuyển một số vitamin.

Thực phẩm giàu chất béo lành mạnh có trong cá hồi, cá thu, cá ngừ, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó.

2.2.3 Carbohydrate

Cacbon hyđrat gồm có tinh bột và đường, là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, cung cấp nhiên liệu cho các hoạt động thể lực và chức năng của các cơ quan. Nó không chỉ giúp ích cho hoạt động thể chất mà còn giúp các cơ quan hoạt động bình thường. Nguồn cacbonhydrate tốt nhất là từ hoa quả, rau và ngũ cốc. Các thực phẩm này cũng là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể.

Đối với các loại rau củ, cây họ đậu được đánh giá là chứa nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là carbohydrate. Người bệnh ung thư vú có thể lựa chọn nhiều loại đậu khác nhau, ví dụ như đậu Hà Lan hoặc đậu gà…

Ngũ cốc nguyên hạt cũng là nguồn cung cấp carb tốt không nên bỏ qua. Người bệnh ung thư vú nên lưu ý lựa chọn đúng ngũ cốc nguyên hạt thay vì các loại ngũ cốc đã được tinh chế. Bởi vì ngũ cốc đã tinh chế thường không chứa nhiều chất xơ bằng ngũ cốc nguyên hạt.

2.2.4 Vitamin và khoáng chất

Mặc dù cần một lượng nhỏ, vitamin và khoáng chất vẫn cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể. Hầu hết các vitamin và khoáng chất đều có trong thực phẩm tự nhiên. Đặc biệt, các nghiên cứu cho thấy rằng, lượng vitamin D thấp có thể là một lý do gây ung thư vú ở phụ nữ. Nguồn cung cấp vitamin D tốt nhất là từ ánh nắng mặt trời buổi sáng sớm.

Ngoài ra, người bệnh ung thư vú nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin D. Thực phẩm giàu vitamin D gồm: cá hồi, cá trích, cá mòi, hàu, tôm, lòng đỏ trứng, nấm...

2.2.5 Nước

Nước rất quan trọng đối với hoạt động của tế bào. Cơ thể có thể mất nhiều chất lỏng trong quá trình điều trị ung thư do nôn mửa hoặc tiêu chảy và bị mất nước (không đủ chất lỏng trong cơ thể). Nếu nước mất cân bằng trong cơ thể, các khoáng chất và vitamin khác cũng mất cân bằng một cách nguy hiểm. Vì vậy người bệnh ung thư vú cần cung cấp nước đầy đủ cho cơ thể mỗi ngày.

3. Gợi ý món ăn cho người bệnh ung thư vú

3.1. Cháo gà và rau củ

Cháo là món ăn mềm, dễ nuốt và dễ tiêu hóa. Thịt gà giàu protein, vitamin B và kẽm giúp tăng cường hệ miễn dịch. Rau củ cung cấp thêm chất xơ, vitamin và khoáng chất, hỗ trợ cơ thể người bệnh ung thư vú phục hồi nhanh hơn.

Cách làm: Nấu cháo với thịt gà và thêm cà rốt, bí đỏ, rau cải bó xôi để tăng cường dinh dưỡng. Cháo ấm giúp làm dịu cổ họng và giảm cảm giác khô rát.

3.2. Canh rau củ

Canh rau củ giàu vitamin C và chất chống oxy hóa giúp tăng cường miễn dịch. Ngoài ra canh rau củ giúp cung cấp nước và chất dinh dưỡng cần thiết, hỗ trợ làm giảm viêm ở người bệnh ung thư vú.

Cách làm: Sử dụng các loại rau củ như cà rốt, bí đỏ, khoai tây, bông cải xanh. Nấu mềm và thêm gia vị nhẹ để tránh kích ứng vì người bệnh ung thư vú qua điều trị hóa trị thường gặp tình huống kích ứng với gia vị, mùi vị.

3.3. Súp gà với nấm

Súp gà mềm, ấm, dễ nuốt và bổ dưỡng. Nấm chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ giúp giảm viêm, hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch.

Cách làm: Nấu súp gà với nấm hương, nấm đông cô và thêm rau xanh để tăng cường dưỡng chất. Súp ấm cũng giúp làm dịu niêm mạc thanh quản.

3.4 Nước trà xanh

Trà xanh có chứa nhiều các hợp chất chống oxy hóa flavonoid. Đặc biệt là ECCG, có tác dụng phòng ngừa và gây tổn thương tế bào ung thư vú. Một số nghiên cứu cho thấy uống trà xanh trong thời gian điều trị hóa chất còn giúp giảm tác dụng phụ trong quá trình điều trị hóa chất, giảm nguy cơ tái phát, cải thiện tỷ lệ sống sót.

Cách làm: Cách làm nước trà xanh rất đơn giản. Đun một cốc nước sôi, thêm nắm trà và tiếp tục đun sôi trong 10 phút là bạn có một ly trà bổ dưỡng.

3.5 Salad hạt lanh

Hạt lanh có chứa nhiều omega-3, chất xơ và các lignans. Hàm lượng lignans rất dồi dào trong hạt lanh có hoạt tính chống lại tế bào ung thư. Ngoài ra omega-3 cũng mang lại nhiều lợi ích trong quá trình điều trị ung thư vú.

Cách làm: Sơ chế và cắt nhỏ rau xà lách, dưa chuột, cà chua bi. Trộn hỗn hợp sốt salad gồm: 4 thìa dầu oliu, nước cốt nửa quả chanh, ½ thìa muối, ½ thìa hạt tiêu. Rang chín 50g hạt lanh. Cuối cùng, bạn trộn salad với nước sốt và rắc hạt lanh lên trên.

3.6 Bồ câu hầm đậu đen

Trong vỏ đậu đen sẫm màu có chứa rất nhiều flavonoid. Các flavonoid có tác dụng ức chế hoặc làm giảm sự khởi phát, tiến triển và lây lan của ung thư. Bước đầu nghiên cứu trong ống nghiệm với đậu đen cho thấy tác dụng chống lại các tế bào ung thư vú.

Cách làm: Bắc nồi đất lên bếp rồi đun sôi nước ở lửa lớn, sau đó cho 10gr hạt sen và các loại đậu gồm 10gr đậu gà, 10gr đậu đen vào và hầm trong 15 phút để hạt đậu chín mềm. Sau 15 phút, cho bồ câu vào nấu chung và vặn nhỏ lửa lại. Đợi khi nước sôi trở lại, nêm vào nồi 1 muỗng cà phê bột nêm rau củ cho nước được đậm đà hơn. Sau đó, cho thêm 5gr kỉ tử, 1/2 củ hành tây đã cắt vào và hầm thêm khoảng 1 tiếng. Cuối cùng, bạn nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn rồi tắt bếp.

3.7 Cơm ngũ cốc với Natto

Các loại ngũ cốc toàn phần vẫn còn đầy đủ cám chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ. Ngũ cốc toàn phần giúp người bệnh kiểm soát được đường huyết tốt hơn, giảm nguy cơ kháng insulin. Tình trạng kháng insulin và rối loạn chuyển hóa đường huyết khá thường gặp ở những bệnh nhân ung thư vú có thừa cân béo phì.

Cách làm: Cho cơm ra bát. Thái xà lách, cà chua và trứng làm 4 phần. Sau đó trộn Natto với gia vị có sẵn rồi đổ lên cơm. Tiếp đó trộn cùng với chút dầu vừng. Như vậy là có bát cơm đủ chất dinh dưỡng, ngon miệng.

3.8 Nước ép cam, dứa hoặc lê

Các loại nước ép này giàu vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng. Dứa còn chứa bromelain, một enzyme có tác dụng chống viêm tự nhiên, giúp cơ thể người bệnh ung thư vú nhanh phục hồi.

Cách làm: Ép tươi cam, dứa hoặc lê. Uống nước ép ấm hoặc ở nhiệt độ phòng để tránh gây kích ứng cho cổ họng.

Chế độ ăn cho người bệnh ung thư vú- Ảnh 5.

Chế độ ăn uống đa dạng cũng góp phần tăng sức đề kháng cho bệnh nhân ung thư vú. Ảnh: Internet

4. Một số lưu ý trong chế độ ăn của bệnh nhân ung thư vú

Các triệu chứng ung thư vú và tác dụng phụ của việc điều trị có thể khiến người bệnh cảm thấy không khỏe để nấu và lập kế hoạch ăn uống như bình thường. Dưới đây là một số lưu ý giúp người bệnh ung thư vú xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh một cách dễ dàng:

Chia nhỏ bữa ăn: Buồn nôn, đầy bụng và táo bón có thể khiến bạn khó ăn ba bữa lớn mỗi ngày. Để có được lượng calo người bệnh cần, hãy ăn từng phần nhỏ với năm hoặc sáu lần mỗi ngày. Thêm đồ ăn nhẹ như trứng luộc chín, sữa chua với quả mọng và bơ đậu phộng vào bánh quy giòn hoặc táo.

Sử dụng các dụng cụ nấu ăn phù hợp: Đôi khi hóa trị có thể để lại mùi vị khó chịu trong miệng khiến thức ăn có mùi vị khó chịu. Một số loại thực phẩm chẳng hạn như thịt có thể có vị kim loại. Để cải thiện hương vị của thức ăn, hãy tránh các dụng cụ nấu ăn bằng kim loại. Thay vào đó, bạn hãy thử sử dụng dao kéo bằng nhựa và nấu ăn bằng nồi và chảo thủy tinh.

Tránh thức ăn chưa nấu chín: Người bệnh ung thư vú có nguy cơ cao bị nhiễm trùng. Tránh thực phẩm sống như sushi và hàu trong quá trình điều trị. Nấu chín thịt, cá và gia cầm ở nhiệt độ an toàn trước khi ăn. Vì những lý do tương tự, hãy tránh các loại hạt sống, thực phẩm hết hạn sử dụng hoặc bị mốc, thức ăn thừa để trong tủ lạnh.

Bổ sung thêm nhiều chất lỏng: Nếu miệng của người bệnh ung thư vú quá đau để ăn thức ăn rắn, hãy nạp dinh dưỡng từ các sản phẩm lỏng như sinh tố hoặc đồ uống dinh dưỡng. Ngoài ra, các tác dụng phụ của việc điều trị như nôn mửa và tiêu chảy có thể khiến bạn mất nước. Uống ít nhất 8-12 cốc nước mỗi ngày. Trong khi đang điều trị, một số chất lỏng người bệnh ung thư vú nên thử như nước trái cây, sữa và nước lọc ít natri. Hạn chế cafein và cố gắng ăn thức ăn có nhiều nước như trái cây.

Không ăn kiêng quá mức: Người bệnh ung thư vú không nên ăn kiêng quá mức vì khi bị ung thư tấn công, cơ thể cần nhiều năng lượng và dinh dưỡng hơn để chiến đấu với bệnh tật, hỗ trợ quá trình hồi phục và duy trì chức năng miễn dịch. Việc ăn uống kiêng khem quá mức có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt vi chất, gây suy nhược cơ thể, giảm khả năng phục hồi.

Người bệnh ung thư vú có thể tới phòng khám và tư vấn dinh dưỡng tại các bệnh viện để được các chuyên gia dinh dưỡng khám, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, tư vấn lựa chọn thực phẩm, xây dựng thực đơn mẫu phù hợp với bệnh lý của bản thân.


BS. TS Phạm Thanh Bình
Ý kiến của bạn