Hà Nội

Chế độ ăn cho người bệnh ung thư tuyến giáp

08-06-2024 06:35 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Ngoài việc điều trị thì chăm sóc dinh dưỡng cũng cần thiết đối với bệnh nhân ung thư tuyến giáp để củng cố chức năng tuyến giáp bằng các loại thực phẩm. Tuân theo chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, giàu thực phẩm nguyên chất là đủ để duy trì chức năng tuyến giáp tối ưu.

Các bệnh về tuyến giáp bao gồm suy giáp, cường giáp và ung thư tuyến giáp, là những tình trạng phổ biến. Tùy thuộc vào loại bệnh, tình trạng tuyến giáp thường được điều trị bằng các loại thuốc như thay thế hormone tuyến giáp, phẫu thuật và các thủ thuật khác, chẳng hạn như xạ trị ung thư tuyến giáp.

Ngoài các phương pháp điều trị thông thường cho tình trạng tuyến giáp, nghiên cứu cho thấy rằng các biện pháp can thiệp bằng chế độ ăn uống, bao gồm cả thực phẩm bổ sung, tác động tốt đến quá trình điều trị một số bệnh về tuyến giáp.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh ung thư tuyến giáp

Chế độ ăn cho người bệnh ung thư tuyến giáp- Ảnh 1.

Người bệnh ung thư tuyến giáp cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ưu tiên thực phẩm lành mạnh.

Đối với người bệnh ung thư tuyến giáp, bên cạnh việc tuân thủ điều trị, việc thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ưu tiên thực phẩm lành mạnh, không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên… là rất quan trọng. Những biện pháp này có tác động tích cực, giúp người bệnh phục hồi sức khỏe và làm giảm khả năng ung thư tái phát.

2. Các chất dinh dưỡng quan trọng nhất cho sức khỏe tuyến giáp

Selen: Là một khoáng chất cần thiết cho việc sản xuất hormone tuyến giáp, giúp bảo vệ tuyến giáp khỏi bị tổn thương do stress oxy hóa. Tuyến giáp chứa lượng selen cao và sự thiếu hụt có thể dẫn đến rối loạn chức năng tuyến giáp. Nên bổ sung nhiều hơn các thực phẩm tự nhiên giàu selen như cá hồng, cá ngừ, gan bò, nấm, tôm, cá, các loại hạt.

Iod: Iod rất quan trọng đối với chức năng tuyến giáp. Trên thực tế, hiện nay vai trò duy nhất được biết đến của iod là hỗ trợ sản xuất hormone tuyến giáp. Triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4) là các hormone tuyến giáp có chứa iod. Thiếu iod gây ra bệnh tuyến giáp, tuy nhiên, việc hấp thụ quá nhiều iod có thể gây ra các vấn đề về tuyến giáp như gây viêm tuyến giáp làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.

Kẽm: Kẽm khoáng cần thiết cho việc sản xuất hormone tuyến giáp. Cần có nồng độ kẽm tối ưu để đạt được mức T3, T4 và hormone kích thích tuyến giáp khỏe mạnh. Thực phẩm giàu kẽm tốt cho người bệnh ung bao gồm: thịt gà, tôm, cua, hạt bí ngô, hạt hướng dương, đậu lăng, đậu đen, đậu xanh, ngũ cốc nguyên hạt…

Sắt: Tuyến giáp cần sắt để chuyển T4 thành T3, dạng hoạt động của hormone tuyến giáp. Thiếu sắt có liên quan đến rối loạn chức năng tuyến giáp. Nguồn sắt tốt như thịt gà, cá hồi, cá thu, cá ngừ, trứng, rau bina, cải xoăn, bông cải xanh, rau diếp, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây sấy khô…

Các chất dinh dưỡng khác, bao gồm vitamin B, A, C, E cũng cần thiết cho chức năng tuyến giáp tối ưu. Thiếu một hoặc nhiều chất dinh dưỡng có ảnh hưởng đến sức khỏe tuyến giáp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin B, A, C, E như thịt gà, ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, rau lá xanh, cà rốt, khoai lang…

Omega-3: Những acid béo này giúp tế bào nhạy cảm với hormone tuyến giáp. Bổ sung acid béo omega-3 bằng cách ăn dầu cá, cá mòi, cá hồi, hạt lanh, cá bơn…

3. Thực phẩm nên ăn và nên tránh với người bệnh ung thư tuyến giáp

3.1. Thực phẩm nên ăn

Chế độ ăn cho người bệnh ung thư tuyến giáp- Ảnh 3.

Thịt gà là thực phẩm người bệnh tuyến giáp nên đưa vào chế độ ăn.

Thịt gà: Là nguồn cung cấp protein động vật chứa nhiều acid amin, đặc biệt là tyrosine - xây dựng hormone tuyến giáp và dopamine - cả hai đều cần thiết để kiểm soát cân nặng. Việc thiếu tyrosine trong chế độ ăn uống dẫn đến tuyến giáp hoạt động kém và sự thiếu hụt dopamine có liên quan đến cảm giác thèm ăn và tăng cân.

Cá béo: Là một nguồn cung cấp protein dồi dào và các acid béo omega-3. Cơ thể chuyển hóa các acid béo này thành các hợp chất phân giải và bảo vệ, có tác dụng chống viêm, tăng cường miễn dịch, tốt cho tuyến giáp.

Mặc dù tất cả các loại cá đều chứa một số acid béo omega-3, nhưng những loại cá béo như: cá hồi, cá mòi, cá trích, cá thu, cá cơm… là nguồn thực phẩm giàu acid béo omega-3 tốt nhất.

Các loại hạt: Hàm lượng chất béo lành mạnh trong các loại hạt có đặc tính chống viêm có thể giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn.

Hạt điều, hạnh nhân, óc chó, hạt bí ngô… chứa nhiều chất béo lành mạnh, protein, chất xơ và là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin E, magie, selen, tốt cho người mắc bệnh tuyến giáp.

Dầu ô liu: Acid béo chủ yếu trong dầu ô liu là chất béo không bão hòa đơn được gọi là acid oleic. Acid oleic được chứng minh là có tác dụng làm giảm viêm, thậm chí có thể có tác dụng có lợi đối với các gen liên quan đến ung thư.

Ngũ cốc nguyên hạt: Cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như: chất xơ, chất đạm, vitamin, khoáng chất. Đặc biệt, chất xơ, chất chống oxy hóa và nhiều loại hợp chất thực vật có trong ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm viêm, ngăn ngừa bệnh tật.

Các loại rau lá xanh: Rau bina, rau diếp và các loại rau lá xanh được khuyến khích cho chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Vì các loại rau này rất giàu magie, khoáng chất mà đây lại là những chất giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất của tuyến giáp.

Các loại đậu: Các loại đậu rất giàu chất xơ, giúp hỗ trợ tiêu hóa. Đậu cũng là một trong những nguồn thực vật tốt nhất cung cấp chất chống oxy hóa, đặc biệt là đậu xanh.

Ngoài ra, một số loại đậu như đậu cúc (đậu pinto) có chứa một chất chống oxy hóa đặc biệt gọi là kaempferol. Chất chống oxy hóa này giúp giảm viêm mạn tính và ngăn chặn sự phát triển của ung thư.

Quả mọng: Các loại quả mọng đều rất giàu chất chống oxy hóa, có thể giúp kiểm soát rối loạn chức năng tuyến giáp. Trong đó, quả việt quất có chứa lượng chất chống oxy hóa cao nhất trong số tất cả các loại trái cây, rau quả. Quả mâm xôi cũng là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin C, mangan, chất chống oxy hóa, chống viêm tuyệt vời.

Sữa chua: Sữa chua rất giàu vitamin D, nếu thiếu vitamin D có thể khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh béo phì và các bệnh về tuyến giáp cao hơn. Sự thiếu hụt vitamin D cũng liên quan đến sự phát triển của các bệnh tuyến giáp tự miễn và phổ biến hơn ở những người mắc các bệnh này. Các đặc tính chống viêm, tăng cường miễn dịch của vitamin D có thể bảo vệ tuyến giáp khỏi bị hư hại.

Ngoài vitamin D, sữa chua cũng rất giàu men vi sinh giúp cân bằng vi khuẩn có lợi trong đường ruột do nó có thể bị loại bỏ do rối loạn tuyến giáp.

3.2. Thực phẩm nên tránh

Chế độ ăn cho người bệnh ung thư tuyến giáp- Ảnh 4.

Người bệnh ung thư tuyến giáp nên tránh ăn đậu phụ, uống sữa đậu nành.

Các loại rau họ cải: Bông cải xanh, súp lơ trắng, bắp cải... mặc dù là những loại rau mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng việc tiêu thụ chúng quá mức lại có thể cản trở chức năng tuyến giáp bằng cách ức chế sự hấp thụ iod hoặc làm gián đoạn quá trình sản xuất hormone tuyến giáp. Sự đa dạng là chìa khóa, cần tuân thủ điều độ để duy trì chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng mà không quá tải các loại thực phẩm gây bướu cổ cụ thể.

Các sản phẩm từ đậu nành không lên men: Một số hợp chất được tìm thấy trong các sản phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu phụ có thể cản trở khả năng tạo hormone của tuyến giáp. Nếu mắc bệnh mất cân bằng hormone hoặc rối loạn tuyến giáp nên ăn ít hoặc không nên ăn đậu nành hoặc đậu phụ.

Tuy nhiên, các sản phẩm đậu nành đã lên men như tương miso hay tempeh lại tốt cho tuyến giáp, vì vậy người bệnh ung thư có thể sử dụng.

Thực phẩm chế biến sẵn: Các loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa đậu tương, calo rỗng hay chất phụ gia đều không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt trong thực phẩm chế biến sẵn còn chứa hàm lượng chất béo cao, sẽ làm giảm việc sản xuất thyroxin của tuyến giáp, thậm chí giảm tác dụng của các thuốc điều trị suy giáp.

Nội tạng động vật: Nội tạng động vật chứa rất nhiều acid lipoic, nếu cơ thể nhận được quá nhiều acid béo này có thể phá vỡ hoạt động của tuyến giáp. Acid lipoic có ảnh hưởng đến nhiều loại thuốc tuyến giáp đang sử dụng.

Thực phẩm gluten: Gluten là một protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, cụ thể là ở đường ruột. Các sản phẩm chứa gluten thường là bánh mì, bánh quy, bánh ngọt, làm các món ăn chay..., có một số người không dung nạp gluten, khi ăn các loại thực phẩm này gây đầy bụng, tiêu chảy, đau bụng... Vì gluten gây ra phản ứng miễn dịch tự động, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cường giáp hoặc suy giáp.

Chất xơ và đường: Chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa nhưng nạp nhiều chất xơ sẽ ngăn cản sự hấp thu thuốc của cơ thể. Người bệnh cần hạn chế ăn nhưng cũng không nên loại bỏ hoàn toàn vì đây là thực phẩm cần thiết cho quá trình tiêu hóa. Đường và các chất tạo ngọt cũng vậy. Khi tuyến giáp bị suy giảm chức năng, ảnh hưởng tới việc chuyển hóa đường thành năng lượng, gây tăng cân, ảnh hưởng hoạt động của tuyến giáp.

Cà phê hoặc các thức uống có chứa caffeine: Cũng làm giảm tác dụng của thuốc tuyến giáp vì caffeine kích thích hệ tiêu hóa, giảm khả năng hấp thụ của thuốc.

Trên đây là những thông tin tham khảo về chế độ ăn cho người bệnh ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của mỗi người khác nhau nên tốt nhất, người bệnh hãy hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ điều trị, chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn phù hợp. Ví dụ, người bắt đầu điều trị bằng iod phóng xạ sẽ thực hiện chế độ ăn ít iốt trong hai tuần và trong một đến ba ngày sau đó.

Ngoài ra, người bệnh chỉ nên dùng thực phẩm bổ sung, vitamin theo tư vấn, chỉ định của bác sĩ vì một số chất bổ sung tuyến giáp có thể dẫn đến tác dụng phụ tiêu cực và thậm chí gây nguy hại cho tuyến giáp.

Xem thêm:

Ai có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp?Ai có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp?

SKĐS - Ung thư tuyến giáp là tình trạng các tế bào tuyến giáp tăng lên với số lượng lớn do những vật chất di truyền ADN bị rối loạn phân chia. Ung thư tuyến giáp có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây nên.


Bảo Châu
Ý kiến của bạn