1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người mắc bệnh ung thư hậu môn
Liệu pháp dinh dưỡng nên được thực hiện ngay từ thời điểm phát hiện ung thư hậu môn và theo dõi suốt quá trình điều trị bệnh. Nếu bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng tốt, bệnh nhân có thể duy trì sức khỏe, giữ cân nặng ổn định, tăng cường sức đề kháng để chống lại nhiễm khuẩn, hạn chế các tác dụng phụ và nhanh hồi phục sau điều trị ung thư.
Dưới đây là những lý do tại sao chế độ ăn uống lành mạnh lại quan trọng đối với người bị ung thư hậu môn:
1.1 Nâng đỡ hệ miễn dịch lên mức tối ưu
Khi hóa trị, một lượng lớn tế bào máu gồm bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu bị suy giảm, do đó khả năng đề kháng cơ thể với môi trường bên ngoài cũng yếu theo. Hiện chưa có thức ăn nào được chứng minh sẽ làm tăng bạch cầu nhưng có một số thực phẩm chức năng giúp làm tăng tốc độ lưu thông bạch cầu, giúp bổ sung những chất cần cho quá trình tổng hợp bạch cầu. Các chất này thường chỉ định cho bệnh nhân suy dinh dưỡng trước mổ, hay có biến chứng nhiễm trùng hay vết thương không lành sau mổ, bao gồm: Omega 3, kẽm, Glutamin, Arginin, Vitamin C.
1.2 Hỗ trợ ức chế hoạt động của tế bào ung thư
Chất chống oxy hóa có tác dụng ức chế hoạt động của tế bào ung thư. Do đó, các thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa (trong khoai lang chẳng hạn) là thực phẩm phù hợp cho người bị ung thư hậu môn.
Cà rốt có chứa beta-carotene, là một chất chống oxy hóa. Đồng thời nó cũng là loại thực phẩm chứa chất chống oxy hóa, có khả năng bảo vệ màng tế bào khỏi tổn thương do độc tố và hỗ trợ người bệnh ung thư.
1.3 Hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất
Chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ và thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo, súp không chỉ giúp dễ nuốt mà còn tốt cho hệ tiêu hóa. Khi hệ tiêu hóa hoạt động tốt, cơ thể dễ dàng hấp thụ các dưỡng chất cần thiết, giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng hơn. Điều này rất quan trọng đối với người bị ung thư hậu môn.
1.4 Hỗ trợ giảm viêm
Vitamin và khoáng chất hỗ trợ quá trình sản xuất enzyme trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường chức năng miễn dịch và giảm viêm. Do đó, người bệnh đang trong quá trình điều trị ung thư hậu môn cần bổ sung đầy đủ những dưỡng chất này.
1.5 Hỗ trợ phục hồi nhanh hơn
Người bệnh ung thư hậu môn thường đi kèm với sự mệt mỏi và suy giảm sức khỏe toàn diện, cả về tâm lý và sinh lý. Một chế độ ăn giàu dưỡng chất và cân bằng sẽ cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể phục hồi nhanh chóng. Sự kết hợp giữa chất đạm, chất béo lành mạnh và carbohydrate phức tạp sẽ giúp cơ thể duy trì sức mạnh trong quá trình điều trị bệnh.
2. Người bệnh ung thư hậu môn nên ăn gì?
2.1 Rau có màu xanh
Bệnh nhân nên bổ sung các loại rau như bắp cải, rau bó xôi… vào bữa ăn hàng ngày. Các loại rau này chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, axit folic và vitamin B, rất cần cho sự phục hồi sức khỏe ở người bệnh ung thư hậu môn.
2.2 Các loại củ nhiều chất chống oxy hóa
Như đã nói, chất chống oxy hóa trong khoai lang có tác dụng ức chế hoạt động của tế bào ung thư. Do đó, cả khoai lang và cà rốt đều là thực phẩm phù hợp cho người bị ung thư hậu môn. Cà rốt lại chứa beta-carotene, là một chất chống oxy hóa, rất tốt cho bệnh nhân ung thư.
2.3 Các loại trái cây, quả mọng
Một số loại trái cây giàu vitamin cần thiết cho bệnh ung thư hậu môn được gợi ý như cam, dưa hấu, dâu tây, đu đủ, bơ… Đặc biệt là các loại quả mọng như: việt quất xanh, mâm xôi đen, nam việt quất… được khuyến khích thêm vào chế độ ăn của người bệnh ung thư bởi có đặc tính chống oxy hóa, giúp kiểm soát bệnh.
2.4 Cá béo
Để thay đổi thực đơn và bổ sung thêm dinh dưỡng, người bệnh ung thư có thể ăn hai đến ba khẩu phần cá béo mỗi tuần trong quá trình hóa trị. Nhóm thực phẩm này là nguồn cung cấp protein và axit béo omega-3 vô cùng dồi dào, giúp hỗ trợ sức khỏe não bộ và kháng viêm. Ngoài ra, việc bổ sung nhiều protein và chất béo lành mạnh từ cá béo cũng giúp hạn chế tình trạng sụt cân mất kiểm soát khi điều trị.
2.5 Các loại ngũ cốc nguyên hạt
Bệnh nhân ung thư hậu môn đang điều trị bằng hóa chất, xạ trị nên ưu tiên bổ sung ngũ cốc nguyên hạt, cung cấp nhiều chất xơ, vitamin, sắt, magie, folate… Các chất này rất tốt cho sức khỏe, giúp nâng cao hệ miễn dịch mà không làm gánh nặng cho việc "đào thải" của người bị ung thư hậu môn.
2.6 Sữa và các chế phẩm từ sữa
Sữa và những loại thực phẩm từ sữa đều rất mềm và có mùi vị thơm ngon, dễ chịu, giúp dễ tiêu hóa và kích thích vị giác. Hàm lượng dinh dưỡng có trong sữa rất cao, bao gồm protein, canxi, vitamin D, vitamin A, vitamin B12, vitamin B2, nioxin, phốt pho, kali và magie có khả năng tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao thể trạng.
3. Gợi ý món ăn dành cho người bị ung thư hậu môn
3.1 Cháo cá hồi súp lơ xanh
Sulforaphane – hoạt chất có trong nhiều loại thực phẩm, trong đó có nhiều nhất ở súp lơ xanh. Sulforaphane được kích hoạt khi glucopharmin tiếp xúc với Myrosinase. Sulforaphane, một isothiocyanate có nguồn gốc tự nhiên có hiệu quả và nhiều tác dụng chống lại các bệnh ung thư đồng thời còn giúp cải thiện hiệu quả điều trị của thuốc hóa trị Cisplatin được dùng với liều thấp. Do đó đây là món ăn rất khuyến khích dành cho người bệnh ung thư hậu môn. Hơn nữa chất béo tốt từ cá hồi sẽ giúp phục hồi và chống viêm ở người bệnh nhanh hơn.
Cách làm: Vo gạo vài lần với nước cho sạch rồi đem nấu nhừ. Cho bông cải xanh vào máy xay nhuyễn. Làm sạch cá hồi, cắt miếng và băm nhỏ. Cho dầu ô liu vào chảo làm nóng và cho cá hồi vào đảo đều đến khi săn lại. Khi cháo đã chín, cho rau củ và cá hồi vào. Đợi cháo sôi lại thì tắt bếp, múc ra chén rồi thưởng thức.
3.2 Cháo yến mạch trứng gà
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, nên bổ sung cháo yến mạch trứng gà vào thực đơn cho bệnh nhân ung thư. Yến mạch chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa hỗ trợ giảm viêm, làm sạch hệ tiêu hóa, cần thiết cho bệnh nhân ung thư hậu môn. Không những vậy, cháo yến mạch trứng gà phù hợp với đối tượng muốn dùng để bồi bổ cho cơ thể.
Cách làm: Yến mạch ngâm nước cho nở. Sau đó đem đi nấu chín tầm 5-7 phút. Trong quá trình nấu yến mạch nên cho nước và khuấy đều tay để không bị khê. Khi cháo yến mạch sôi được 5 phút thì cho lòng đỏ trứng vào khuấy tan. Đợi sôi thêm tầm 4-5 phút cho rau mùi làm bát cháo thơm hơn và thưởng thức.
3.3 Canh súp lơ xanh đậu hũ non
Canh súp lơ xanh đậu hũ non là món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình Việt. Đây là món ăn giàu chất xơ, vitamin và protein nên có trong thực đơn cho bệnh nhân ung thư hậu môn. Như đã phân tích phía trên, Sulforaphane, một isothiocyanate có nguồn gốc tự nhiên có trong súp lơ xanh có hiệu quả và nhiều tác dụng tốt cho người bệnh ung thư, đồng thời còn giúp cải thiện hiệu quả điều trị của thuốc hóa trị Cisplatin được dùng với liều thấp.
Đậu phụ là một trong những thực phẩm cung cấp giá trị dinh dưỡng dồi dào và đa dạng nên rất tốt cho sức khỏe của con người. Đây cũng được gọi là nguồn thực phẩm mang đến nhiều lợi ích cho người bệnh ung thư hậu môn có thể kể tới như: Đậu phụ có chứa một lượng canxi dồi dào, lên tới 140-160mg trong 100 gram. Do đó món ăn này rất được khuyến khích cho các bệnh nhân ung thư hậu môn.
Cách làm: Đun sôi nước, sau đó cho hành tím cắt đôi vào. Kế tiếp, cho ngô vào nồi nước nấu chín trong khoảng 10 phút. Tiếp tục, cho củ cải trắng, cà rốt vào nấu thêm 15 phút. Sau đó, cho súp lơ xanh và đậu hũ non vào nồi canh nấu thêm khoảng 3 phút. Nêm nếm gia vị như hạt nêm, tiêu xay vào nồi canh và tắt bếp.
3.4 Súp đậu Hà Lan
Các món súp dễ chế biến, dễ ăn, nhiều dưỡng chất luôn có mặt trong thực đơn cho bệnh nhân ung thư. Trong đó, không thể thiếu món súp đậu Hà Lan giàu protein. Sử dụng đậu Hà Lan thường xuyên với liều lượng phù hợp sẽ góp phần hỗ trợ bệnh nhân ung thư hậu môn nhờ sự hoạt động của các chất chống oxy hóa trong loại đậu này. Hợp chất saponin đã được chứng minh có thể ức chế sự phát triển của khối u.
Cách làm: Xay nhuyễn đậu Hà Lan đã luộc chín. Chuẩn bị chảo nóng, xào hành tây băm nhuyễn với 2 muỗng dầu oliu. Cho đậu Hà Lan đã xay cùng với nước dùng rau củ vào nấu sôi. Tiếp tục cho sữa tươi, kem tươi vào hỗn hợp đậu, hành tây. Nêm nếm gia vị như hạt nêm, muối, tiêu vào nồi súp đậu. Cho nhánh mùi tây vào nồi súp, tắt bếp và thưởng thức.
4. Những lưu ý về dinh dưỡng đối với người bệnh ung thư hậu môn
Dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe và quá trình khỏi bệnh của người bệnh ung thư hậu môn. Bệnh ung thư hậu môn và tác dụng phụ của các phương pháp điều trị (hóa trị, xạ trị…) có thể gây ra các tình trạng thay đổi vị giác, chán ăn, mệt mỏi, suy nhược… khiến bệnh nhân ăn uống kém, dẫn đến thiếu dinh dưỡng.
Tuy vậy, vì dinh dưỡng quan trọng đối với người bệnh nên cần ghi nhớ một số lưu ý sau:
- Ăn đúng giờ, đúng bữa.
- Ăn nhiều bữa trong ngày (4 – 6 bữa/ngày), không bỏ bữa. Các bữa ăn nhỏ thường xuyên rất tốt cho cơ thể hơn.
- Hạn chế gia vị ớt, tiêu, thực phẩm chế biến sẵn như bún phở, miến, xúc xích, thịt hộp, giò chả…; Hạn chế ăn quá nhiều đạm, nhiều dầu mỡ, hạn chế bia, rượu, cà phê, nước ngọt có gas, nước tăng lực, nước đá lạnh, thuốc lá…
- Nhai kỹ thức ăn để tiêu hóa được dễ dàng. Ăn từ từ, nuốt chậm, nên ăn đa dạng các loại thức ăn, không ăn quá nhiều 1 loại. Khi ăn thức ăn mới khiến cơ thể khó chịu thì nên ngưng ăn trong vài tuần và thử lại sau.
- Uống đủ nước mỗi ngày.
- Tránh nhai kẹo cao su hoặc uống nước bằng ống hút.
- Lưu ý một số thực phẩm nếu ăn lượng nhiều hoặc không nhai kỹ có thể gây tắc nghẽn ruột như: ngô, bắp rang bơ, trái cây khô, dứa, nấm, các loại đậu, dồi thịt, xà lách trộn, các loại hạt giống, cần tây…
Người bệnh ung thư hậu môn có thể tới phòng khám và tư vấn dinh dưỡng tại các bệnh viện để được các chuyên gia dinh dưỡng khám, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, tư vấn lựa chọn thực phẩm, xây dựng thực đơn mẫu phù hợp với bệnh lý của bản thân.