1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh thừa sắt
Sắt là một khoáng chất rất cần thiết đối với cơ thể. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất ra hồng cầu. Tuy nhiên, cơ thể lại không thể tự sản sinh ra sắt, mà phải bổ sung từ bên ngoài vào. Đây cũng là lý do nhiều người bị thừa sắt do đưa quá nhiều hàm lượng sắt vào cơ thể, gây nên tình trạng quá tải.
Bệnh thừa chất sắt là rối loạn liên quan đến việc lượng sắt bị tích tụ quá nhiều trong cơ thể. Cụ thể là hiện tượng ruột mất đi khả năng điều hòa lượng sắt trong cơ thể, dẫn đến sắt dư thừa ở các cơ quan như gan, tim, tuyến tụy và làm tổn thương những cơ quan này.
Vậy nên ăn gì để thải sắt ra khỏi cơ thể? Người bị thừa sắt nên tránh những thực phẩm giàu chất sắt hoặc có thể làm tăng hấp thụ sắt như thịt đỏ, gan, động vật có vỏ, ngũ cốc và bánh mì tăng cường chất sắt. Điều quan trọng nữa là hạn chế tiêu thụ các chất bổ sung vitamin C, vì chúng có thể làm tăng hấp thụ sắt.
Mặt khác, có rất nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng lại an toàn, thậm chí có lợi cho người thừa sắt. Sữa chua, phô mai, thịt gia cầm, cá, trứng, quả hạch, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt đều là những nguồn cung cấp protein, vitamin và khoáng chất tuyệt vời giúp cơ thể không bị quá tải sắt.
Ngoài ra, có một số loại thực phẩm đã được chứng minh là cản trở quá trình hấp thụ sắt trong ruột. Chúng bao gồm canxi, phosvitin (có trong trứng), oxalat (có trong rau bina, cải xoăn và các loại rau lá xanh khác), phytate (có trong các loại hạt, đậu và ngũ cốc), polyphenol (có trong cà phê, ca cao và táo) và tanin (có trong trà đen và các loại thực phẩm khác). Bằng cách đưa những thực phẩm này vào chế độ ăn uống có thể giúp người bệnh hạn chế lượng sắt mà cơ thể hấp thụ.
Tuy nhiên, người bệnh được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu cụ thể của cá nhân. Với chế độ ăn uống phù hợp và điều chỉnh lối sống, người bệnh có thể kiểm soát tình trạng quá tải sắt và duy trì sức khỏe tốt.
2. Các dưỡng chất thiết yếu cần cho người bệnh
Vì sắt không phải là một chất muốn đưa vào cơ thể bao nhiêu cũng được nên những bệnh nhân đã mắc bệnh gan và bệnh tim mạch nên hạn chế sử dụng các thực phẩm có chứa nhiều sắt như: ngũ cốc, đậu đỗ, rau bina, hạt vừng, thịt màu đỏ...
Ngoài ra, những bệnh nhân này không nên bổ sung sắt hay vitamin C hằng ngày. Bệnh nhân tổn thương gan không nên sử dụng đồ uống chứa cồn. Thay vào đó, nên kết hợp các sản phẩm ngăn cản sự hấp thu sắt như sữa, phô mai, sữa chua, trà... Đặc biệt chúng ta nên ăn nhiều rau xanh và trái cây chứa nhiều chất xơ để giảm hấp thụ sắt.
- Canxi: Canxi có trong sữa, rau lá xanh, đậu nành và cá có dầu được cho là có thể làm chậm quá trình hấp thụ sắt trong ruột. Tuy nhiên, chỉ ở liều lượng cao hơn (khoảng 300 - 600 miligam) những thực phẩm này mới có tác dụng thải sắt.
- Phosvitin: Trứng chứa một loại protein gọi là phosvitin liên kết với sắt và giúp đào thải chất này ra khỏi cơ thể. Mặc dù lòng đỏ trứng rất giàu chất sắt nhưng phosvitin giúp hạn chế lượng chất sắt mà cơ thể hấp thụ từ chúng.
- Oxalat: Những hợp chất có nguồn gốc thực vật này được tìm thấy trong rau bina, cải xoăn, củ cải đường, quả hạch, sô cô la, trà, cám lúa mì, dâu tây… được cho là làm giảm sự hấp thụ sắt không phải heme. Mặc dù rau bina rất giàu chất sắt nhưng oxalat có thể hạn chế sự hấp thụ của chúng.
- Phytate: Phytate được tìm thấy trong quả óc chó, hạnh nhân, đậu khô, đậu lăng, ngũ cốc và ngũ cốc nguyên hạt cũng cản trở sự hấp thụ sắt heme (sắt tự nhiên dễ hấp thụ nhất trong ruột).
- Polyphenol: Những hóa chất có nguồn gốc thực vật này được tìm thấy trong cà phê, ca cao, bạc hà và táo là một chất ức chế chính sự hấp thụ sắt heme.
- Tanin: Những hợp chất hữu cơ này được tìm thấy trong trà đen, nho, lúa mạch, nam việt quất, trái cây khô liên kết với sắt và hỗ trợ quá trình đào thải sắt ra khỏi cơ thể.
3. Gợi ý những món ăn cho người bệnh thừa sắt
Sắt thường được đưa vào và cơ thể từ bên ngoài, bằng thức ăn hàng ngày hoặc nhiều loại thuốc. Tình trạng thừa sắt sẽ được cải thiện thông qua việc ăn các loại thực phẩm có lợi cho cơ thể.
Các loại thực phẩm dành cho người thừa sắt có thể kể đến như:
- Rau xanh, quả tươi: Rau quả chứa lượng lớn chất xơ giúp giảm hấp thụ sắt khá hiệu quả như rau chân vịt, quả sung, quả táo, quả bơ.
- Thịt gia cầm, cá, trứng, các loại hạt, đậu, ngũ cốc.
- Thực phẩm có tác dụng lợi niệu để nhanh thải trừ sắt ra ngoài bao gồm rau bí, bầu, rau sam, uống nước trà xanh, uống cà phê, nước rau má, nước râu ngô.
- Nên phối hợp các sản phẩm ngăn chặn sự hấp thụ sắt như các loại sữa, phô mai, sữa chua.
- Các thực phẩm có thành phần canxi (sữa, đậu nành, dầu cá), phosvitin (trứng), oxalat (rau bina, rau cải xoăn, lúa mì, dâu tây, phytate (óc chó, hạnh nhân, hạt đậu khô, đậu lăng, hạt ngũ cốc), polyphenol (cà phê, cacao, bạc hà, quả táo), tanin (chè đen, quả nho, lúa mạch, quả việt quất).
Người bệnh nên tránh những loại thực phẩm như:
- Thịt đỏ: Thịt đỏ như thịt bò là thực phẩm chứa hàm lượng sắt lớn nhất và dạng sắt ở thịt còn là sắt heme được hấp thu vào cơ thể rất tốt. Bệnh nhân thừa sắt vẫn được ăn thịt đỏ tuy nhiên chỉ nên ăn ít trong khoảng 170 – 250 gram hàng tuần.
- Hải sản tươi sống: Tuy hàm lượng sắt ở hải sản không tới mức quá cao nhưng bệnh nhân thừa sắt nên ăn ít hải sản, nhất là các loài động vật có vỏ: tôm, cua, hàu, bề bề, ốc…
- Thức ăn giàu vitamin A và vitamin C: Vitamin C giúp tăng cường khả năng hấp thụ sắt tốt nhất. Nếu bị thừa sắt thì cần hạn chế ăn những loại thức ăn giàu vitamin C như cam, ổi, rau cải xanh, ớt chuông, khoai tây, quả kiwi,….
- Rượu: Thường xuyên uống rượu bia nhiều sẽ gây tổn thương cho gan. Việc thừa sắt cũng có thể gây nên hoặc làm nghiêm trọng hơn tình trạng tổn thương gan. Vì thế bệnh nhân thừa sắt gây tổn thương gan thì không được uống rượu..
- Thực phẩm chức năng: Hiện chưa có nhiều tài liệu về việc sử dụng thực phẩm chức năng khi bị thừa sắt. Tuy nhiên, vẫn phải hạn chế hoặc thận trọng khi sử dụng thực phẩm chức năng có chứa sắt, vitamin C, vitamin tổng hợp.