Chế độ ăn cho người bệnh thoái hóa võng mạc

27-09-2024 16:59 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thoái hóa võng mạc mắt là một bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thị lực. Khi bị thoái hóa võng mạc, chế độ dinh dưỡng là một trong những vấn đề cần lưu ý hàng đầu để đảm bảo sự hồi phục. Tuy nhiên chúng ta cần biêt cách lựa chọn thực phẩm phù hợp để chăm sóc người bệnh dễ dàng hơn.

1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng với người thoái hóa võng mạc

Thoái hóa võng mạc là hiện tượng lớp tế bào thần kinh rất mỏng tại đáy mắt, nằm ở phía trong cùng của nhãn cầu, bị lão hóa tự nhiên.

Khi các tế bào tại võng mạc bị tổn thương, chức năng cảm thụ ánh sáng suy giảm, làm giảm khả năng nhận biết hình ảnh và ánh sáng cũng như truyền tín hiệu đến não. Nếu không được phát hiện và can thiệp chữa trị thì biến chứng nguy hiểm gây ra có thể là mù lòa.

Một trong những yếu tố có liên quan đến sự thoái hóa võng mạc là dinh dưỡng kém. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đường tinh luyện và chất béo bão hòa có thể ảnh hưởng đến người có nguy cơ bị thoái hóa võng mạc.

Mặt khác, xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bạn phòng ngừa và làm chậm quá trình thoái hóa võng mạc. Dưới đây là một số loại thực phẩm chống thoái hóa võng mạc mà bạn nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày.

2. Các thực phẩm và dưỡng chất cần thiết cho người thoái hóa võng mạc

Betacarotene và vitamin A

Có thể nói, betacarotene là một chất dinh dưỡng quan trọng nhất với đôi mắt. Betacarotene là tiền chất của vitamin A, trong khi vitamin A có tác dụng trợ giúp thị lực ban đêm và đảm bảo ngưỡng bình thường cho một loại sắc tố cần thiết để dẫn truyền tín hiệu thị giác.

Thiếu vitamin A có thể dẫn đến suy giảm thị giác, gây mỏi mắt, khô mắt, tổn hại cho các thành phần vỏ bọc nhãn cầu, mất tính trong suốt của giác mạc, các thành phần biểu mô không thể tái tạo lại được. Biểu hiện nặng của thiếu vitamin A là mất thị giác vào ban đêm.

Tuy vậy, nếu vì muốn bồi bổ cho mắt mà dùng quá liều vitamin A thì lại gây phản tác dụng. Cách an toàn để bổ sung vitamin A là bổ sung các tiền chất của vitamin A, cụ thể là betacarotene với liều khoảng 500mg/ngày.

Một số thực phẩm giàu betacarotene là: gấc, rau ngót, rau húng, tía tô, rau dền cơm, cà rốt, cà chua, dưa hấu, rau dền đỏ, cần tây, rau đay, rau kinh giới, một vài loại rong biển… Bổ sung betacarotene vừa giúp mắt sáng khỏe, vừa nâng cao sức đề kháng của hệ miễn dịch.

Astaxanthine

Chế độ ăn cho người bệnh thoái hóa võng mạc- Ảnh 1.

Astaxanthine là một carotenoids được tìm thấy trong các loài sinh vật biển rất tốt cho mắt.

  • Astaxanthine là một carotenoids, được tìm thấy trong các loài sinh vật biển, đặc biệt như tảo, cá hồi, tôm càng, tôm hùm và trứng cá.
  • Asraxanthine được chiết ra từ rong biển còn tốt hơn cả betacarotene do nó có khả năng dễ dàng xuyên qua hàng rào máu – não, có khả năng bảo vệ võng mạc chống lại các tác nhân oxy hoá, chống lại sự hao hụt các tế bào cảm thụ quang. Mặt khác, do bảo vệ được neurone võng mạc nên astaxanthine cũng sẽ bảo vệ được neurone não và tủy sống, chống lại tác hại của các gốc tự do.

Các vitamin khác

Nhìn chung, mỗi vitamin đều có lợi ích nhất định đối với sức khỏe, nhưng riêng với đôi mắt, có một vài vitamin có vai trò đặc biệt.

  • Vitamin B2: Là vitamin cần thiết cho tính toàn vẹn của da, niêm mạc, mắt và chuyển hóa glucide. Liều khuyên dùng với vitamin B2 là khoảng 50-100mg/ngày.
  • Cũng có thể dùng phối hợp với các vitamin nhóm B khác như vitamin B1, B6 và phospholipids.
  • Vitamine C và E: Đây là 2 vitamin chống oxi hoá, có vai trò bảo vệ mắt. Một nghiên cứu cho thấy: nếu dùng vitamine E 400mg/ngày liên tục trong 5 năm có thể làm giảm được 56% nguy cơ xuất hiện đục thể thủy tinh, còn dùng vitamin C liều 500mg có thể giảm được 70% nguy cơ đục thể thủy tinh.

Benfotiamine

  • Đây là một dẫn xuất của thiamine hay vitamine B1, hay nói cách khác: Benfotiamine là một chất có nguồn gốc từ thiamine (vitamin B1). Tuy nhiên, benfotiamine thấm qua màng tế bào dễ hơn vitamine B1, do vậy nó sẽ được hấp thu tốt hơn.
  • Benfotiamine cần thiết cho mắt của người già hoặc người bị tiểu đường bởi mắt của những đối tượng này dễ bị tổn hại bởi chuyển hóa đường cùng với quá trình oxy hoá, là cơ chế chủ yếu thứ 2 của quá trình giáng hóa sinh hóa trong sự lão hóa.

Luteine và zeaxanthine

Chế độ ăn cho người bệnh thoái hóa võng mạc- Ảnh 2.

Rau xanh, một số loại quả có màu vàng và màu cam là nguồn cung cấp Luteine và zeaxanthine sẵn có.

Nghiên cứu cho thấy, liều dùng hàng ngày của Luteine và zeaxanthine là 6mg sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh về mắt. Ở người đang bị bệnh, luteine sẽ làm chậm lại diễn tiến của bệnh.

Dù cơ chế hoạt động của Luteine và zeaxanthine còn chưa được rõ ràng nhưng có lẽ chúng bảo vệ võng mạc trước những thành phần có hại trong ánh sáng mặt trời. Mặt khác các thành tố chống oxy hóa của 2 sắc tố này có thể trung hòa được các gốc tự do, được sản sinh ra trong các phản ứng quang hóa tại mắt.

Vai trò của Luteine và zeaxanthine còn được nhắc đến trong việc phòng ngừa đục thể thủy tinh. Lượng Luteine và zeaxanthin giảm liên quan chặt chẽ đến việc xuất hiện thoái hóa hoàng điểm.

Các sản phẩm dinh dưỡng có chứa Luteine và zeaxanthine được khuyên dùng cho tất cả những người trên 50 tuổi. Rau xanh, một số loại quả có màu vàng và màu cam là nguồn cung cấp Luteine và zeaxanthine sẵn có.

Phospholipid

Phospholipid là thành phần cấu tạo cơ bản của màng tế bào võng mạc. Các lớp màng lipid kép này được cơ thể tổng hợp để đảm bảo tính thấm và tự nhân lên của các tế bào. Thực phẩm chứa nhiều phospholipid chủ yếu là lòng đỏ trứng, gan, sữa, các loại dầu thực vật. Ngoài ra có thể bổ xung phospholipid bằng các sản phẩm dinh dưỡng chức năng.

Lưu ý: Mặc dù trong các nội tạng như gan, tim và óc có chứa nhiều phospholipid nhưng đồng thời cũng chứa nhiều cholesterol và nhiều mầm bệnh nguy hiểm, vì vậy cần hạn chế sử dụng. Những người cao tuổi, người mắc các chứng bệnh rối loạn chuyển hóa như xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu, tiểu đường, béo phì… thì không nên dùng nội tạng.

Axit béo Omega-3

Chế độ ăn cho người bệnh thoái hóa võng mạc- Ảnh 3.

Axit béo Omega-3 rất tốt cho sức khỏe đôi mắt.

Axit béo Omega-3 rất tốt cho sức khỏe đôi mắt. Hai chất quan trọng đối với mắt là DHA và EPA đều có trong axit béo Omega-3. DHA có nồng độ cao trong võng mạc, một màng ở sau nhãn cầu nhạy cảm với ánh sáng, trong khi đó EPA được sử dụng cho cơ thể để sản xuất DHA.

Nếu DHA và EPA có nồng độ thấp sẽ liên quan đến các vấn đề về mắt. Mặt khác, axit béo Omega-3 cũng là chất chống viêm tự nhiên, giúp làm ẩm mắt. Những thực phẩm giàu axit béo Omega-3 là: trứng, cá hồi, cá mòi, cá ngừ, quả óc chó, hạt bí ngô, dầu hạt cải, súp lơ, các loại rau có màu xanh đậm.

3. Các thực phẩm người thoái hóa võng mạc nên hạn chế

Bánh mì và mì ống là thực phẩm không tốt cho mắt

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các liên kết của carbohydrate đơn giản có trong thực phẩm chứa tinh bột, như bánh mì trắng và mì ống, sẽ có nguy cơ cao gây ra các bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD), nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực ở người lớn tuổi. Do cơ thể tiêu hóa loại carb này một cách nhanh chóng, khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.

Để ngăn chặn điều này, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo nên hoán đổi bánh mì trắng và mì ống bằng các loại ngũ cốc nguyên hạt.

Thịt chế biến sẵn

Xúc xích, thịt xông khói và thịt nguội chứa nhiều natri. Lượng muối tăng đột biến này cuối cùng có thể dẫn đến huyết áp cao (tăng huyết áp). Điều này có thể gây ra những bệnh lý nghiêm trọng ở mắt như:

  • Bệnh võng mạc do tăng huyết áp, tổn thương mạch máu gây mờ mắt hoặc mất thị lực;
  • Bệnh lý tuyến giáp, sự tích tụ chất lỏng bên dưới võng mạc;
  • Bệnh thần kinh, tắc nghẽn dòng máu giết chết các dây thần kinh và gây mất thị lực.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo hạn chế lượng natri của bạn ở mức 2.300 miligam hoặc ít hơn một ngày.

Chế độ ăn cho người bệnh thoái hóa võng mạc- Ảnh 4.

Thịt chế biến sẵn là thực phẩm không tốt cho mắt

Thực phẩm chiên rán không tốt cho mắt

  • Thực phẩm chiên rán được chế biến bằng chất béo chuyển hóa làm tăng mức cholesterol LDL (“xấu”) trong cơ thể và có thể dẫn đến bệnh tim, đột quỵ và bệnh tiểu đường loại 2. Chúng cũng tạo ra các phân tử được gọi là gốc tự do có thể gây hại và giết chết các tế bào. Tất cả điều này đều liên quan đến các bệnh về mắt - AMD và bệnh võng mạc tiểu đường, các triệu chứng rối loạn chức năng hoạt động của mắt.
  • Chống lại các gốc tự do bằng cách ăn trái cây và rau chứa nhiều vitamin C như trái cây họ cam quýt, cà chua và ớt chuông đỏ là những thực phẩm tốt cho mắt được các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ khuyến cáo.

Dầu nấu ăn tăng nguy cơ mắc bệnh AMD

  • Một nghiên cứu cách đây 30 năm đã cho thấy dầu ăn chứa quá nhiều axit linoleic, một loại chất béo không bão hòa, khiến người sử dụng nhiều có thể có nguy cơ mắc bệnh AMD cao hơn những người sử dụng ít. Hoạt chất đó có thể được tìm thấy trong các loại dầu ăn sau: Dầu cây rum, dầu hoa hướng dương, dầu làm từ ngô, đậu tương, mè,...
  • Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo dầu ăn chứa khoảng 4 gam chất béo bão hòa trên mỗi muỗng canh. Hãy sử dụng dầu ăn ở mức vừa phải; tránh xa những loại có dầu hydro hóa và chất béo chuyển hóa.

Bơ thực vật gây nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề về mắt

  • Bơ thực vật được làm bằng dầu thực vật, vì vậy nó có chất béo "tốt" không bão hòa. Nhiều người cho rằng, sử dụng bơ thực vật thay thế các sản phẩm khác làm từ bơ có lợi cho sức khỏe hơn. Nhưng một số loại bơ thực vật cũng phải trải qua quá trình hydro hóa chuyển từ dạng lỏng thành dạng rắn, làm tăng mức cholesterol và nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề về mắt.
  • Bơ thực vật càng rắn thì càng có nhiều chất béo chuyển hóa, các vitamin và khoáng chất có lợi chuyển thành chất béo bão hòa gây hại trực tiếp lên đôi mắt. Vì vậy thay vì dạng que, hãy sử dụng dạng kem phết hoặc dạng lỏng. Bạn cũng có thể tìm các nhãn hiệu bơ thực vật có 0 gam chất béo chuyển hóa trên nhãn.

Thực phẩm ăn liền

Thực phẩm ăn liền, đóng gói sẵn như súp, nước sốt cà chua, đồ hộp như thịt nguội, xúc xích,... thường có lượng natri cao, lên đến 75% so với lượng khuyến cáo. Do đó sử dụng hạn chế các loại thực phẩm này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và các vấn đề về mắt liên quan.

Các nhà khoa học khuyên nên tìm mua các sản phẩm chứa lượng nhỏ natri hoặc không muối, không chất bảo quản, không chất hóa học, phụ gia... Bên cạnh đó, hãy thêm các loại gia vị lành tính và thảo mộc để tăng hương vị tự nhiên cho món ăn, tạo ra nhiều sự lành mạnh trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt.

Nước ngọt không tốt cho mắt

  • Theo Alternative Daily, nước ngọt như soda, nước tăng lực, nước có gas,... chứa nhiều đường nhân tạo nên được liệt kê vào nhóm thực phẩm không tốt cho mắt Tuy nhiên tất cả lượng đường đó sẽ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh lý tim mạch. Điều này có thể dẫn đến các bệnh liên quan về mắt như bệnh võng mạc tiểu đường và AMD.
  • Hãy hạn chế sử dụng đồ uống có đường, nước ngọt giải khát. Thay vào đó, sử dụng nước uống tinh khiết, nước lọc chính là thói quen tốt giúp bảo vệ sức khỏe đôi mắt.

Một số loại cá biển và động vật có vỏ

Cá biển như cá ngừ, cá kiếm, cá thu,... chứa ít chất béo, giàu Omega-3, vitamin và khoáng chất nhưng lại chứa nồng độ thủy ngân cao. Ăn các món từ cá biển theo lượng vừa phải rất tốt cho sức khỏe. Nhưng nếu sử dụng nhiều, thường xuyên, ở mức độ cao và đối với một số nhóm người, thủy ngân có thể tích tụ, gây ra các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm cả tổn thương mắt.

Thoái hóa võng mạc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhThoái hóa võng mạc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Thoái hóa võng mạc mắt là một bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thị lực. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh lý này có thể gây mù lòa và những hệ lụy khôn lường.


BS Nguyễn Đức Khoa
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh
Ý kiến của bạn