Chế độ ăn cho người bệnh suy thai

27-09-2024 18:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Dinh dưỡng từ cơ thể mẹ sẽ theo máu, qua nhau thai tới nuôi dưỡng thai nhi nên chế độ ăn cho người mẹ cần đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho mẹ và bé để trẻ phát triển toàn diện.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh suy thai

Suy thai còn được gọi là tình trạng bất ổn của thai nhi, gồm giảm thành phần oxy trong máu, giảm oxy trong tổ chức với các biểu hiện thay đổi ở nhịp tim được phát hiện bằng máy theo dõi tim thai như nhịp nhanh, nhịp chậm, nhịp giảm muộn, nhịp giảm biến đổi lặp lại hoặc tình trạng bất thường.

Bởi vậy, trong suốt quá trình mang thai, các mẹ nên đi khám thai thường xuyên để biết được tình hình sức khỏe của bản thân cũng như theo dõi sự phát triển của thai nhi. Nếu có những phát hiện bất thường còn có phương pháp xử lý sớm.

Đặc biệt, người mẹ cần phải ăn uống đầy đủ các chất, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để đảm bảo có sức khỏe tốt cũng như cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển. Hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, uống rượu bia trong thai kỳ vì chúng không hề tốt cho sức khỏe của cả mẹ và con.

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý có tác động tích cực đến người bệnh, giúp hạn chế tình trạng suy thai. Việc duy trì một chế độ dinh dưỡng cân đối giúp bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé, giảm nguy cơ biến chứng và hỗ trợ quá trình mang thai diễn ra thuận lợi hơn.

Chế độ ăn cho người bệnh suy thai- Ảnh 1.

Người mẹ cần phải ăn uống đầy đủ các chất, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để đảm bảo có sức khỏe tốt.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho người bệnh suy thai

Việc phát triển của bào thai chịu ảnh hưởng nhiều bởi chế độ dinh dưỡng của người mẹ. Dinh dưỡng từ cơ thể mẹ sẽ theo máu, qua nhau thai tới nuôi dưỡng thai nhi nên cần đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho mẹ và bé để trẻ phát triển toàn diện.

Các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho bà mẹ mang thai

  • Nhu cầu năng lượng: Cần 2.550 kcal/ngày.
  • Chất đạm và chất béo: Để xây dựng các tổ chức cơ thể của mẹ và bé. Chất đạm cần tăng thêm 15g/ngày so với mức tiêu thụ của người bình thường và chất béo cần chiếm khoảng 20% tổng năng lượng (tương đương 40g). Thực phẩm có nhiều chất đạm và chất béo tốt cho sức khỏe của các thai phụ là sữa, trứng, tôm, cua, cá, ốc, đậu tương, đậu xanh, vừng, lạc,...
  • Sắt: Phụ nữ mang thai nên bổ sung 60 mg sắt nguyên tố/ngày trong suốt thời kỳ mang thai tới sau sinh 1 tháng. Sắt có nhiều trong thịt, cá, nghêu, sò, ốc, hến, ngũ cốc, tiết động vật,...
Chế độ ăn cho người bệnh suy thai- Ảnh 2.

Thai phụ nên lựa chọn những loại thực phẩm dễ ăn, dễ tiêu hóa.

  • Kẽm: Thiếu kẽm có thể gây sảy thai, sinh non hoặc sinh già tháng, thai chết gần ngày sinh,... Vì vậy, cần đảm bảo nhu cầu kẽm của thai phụ là 15 mg/ngày. Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, cá và các loại hải sản.
  • Canxi: Mỗi ngày bà mẹ mang thai và cho con bú nên tiêu thụ khoảng 800 - 1.000 mg canxi. Canxi có nhiều trong tôm, cua, cá và các chế phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua, phô mai,...
  • Axit folic: Thiếu axit folic ở người mẹ có thể gây thiếu cân ở trẻ sơ sinh. Đồng thời, axit folic còn ngăn ngừa dị tật ống thần kinh của thai nhi. Do vậy, cần bổ sung axit folic trong thời kỳ mang thai với lượng khoảng 300 - 400 mcg/ngày. Nguồn cung cấp axit folic dồi dào trong thực phẩm là rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,...
  • I-ốt: Phụ nữ mang thai bị thiếu i-ốt có nguy cơ cao bị sảy thai tự nhiên, sinh non, thai chết lưu. Khi bị thiếu i-ốt nặng, trẻ sinh ra có thể bị tổn thương não vĩnh viễn hoặc có các khuyết tật bẩm sinh như nói ngọng, điếc, liệt các chi, câm, mắt lác,... Do vậy, cần bổ sung đủ lượng i-ốt cho nhu cầu của phụ nữ mang thai là 175 - 200 mcg/ngày. Nguồn thức ăn giàu i-ốt là cá biển, rong biển, nghêu sò, muối có tăng cường i-ốt,...
  • Các loại vitamin: Vitamin A (bổ sung 600 mcg/ngày, có nhiều trong sữa, trứng, gan, rau màu xanh đậm, củ quả màu vàng, đỏ); vitamin D (bổ sung 10 mcg/ngày, có nhiều trong cá, trứng, sữa,...); vitamin B1 (bổ sung 1,1 mg/ngày, có hàm lượng dồi dào trong ngũ cốc và các loại hạt họ đậu); vitamin B2 (nhu cầu mỗi ngày là 1,5mg, có nhiều trong thức ăn động vật, các loại rau, đậu, sữa,...) và vitamin C (nhu cầu mỗi ngày là 80mg, có nhiều trong các loại quả chín).

Người mẹ nên tránh

  • Tuyệt đối không hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích.
  • Giảm ăn các loại gia vị cay nóng như hạt tiêu, ớt, tỏi,...
  • Hạn chế thức ăn chế biến sẵn và hạn chế uống cà phê, trà đặc;
  • Bà mẹ có phù, tăng huyết áp hoặc bị nhiễm độc thai nghén nên giảm ăn mặn để tránh tai biến khi sinh.

3. Gợi ý những món ăn cho người bệnh suy thai

Axit folic, sắt, canxi, vitamin D hay DHA… là những chất thai phụ cần bổ sung vào thời kỳ mang thai để tốt cho cả mẹ và thai nhi. Hơn nữa, thai phụ nên lựa chọn những loại thực phẩm dễ ăn, dễ tiêu hóa. Đồ ăn cần lựa chọn những thực phẩm sạch, tươi ngon và được chế biến sạch sẽ.

Chế độ ăn cho người bệnh suy thai- Ảnh 3.

Đồ ăn cần lựa chọn những thực phẩm sạch, tươi ngon và được chế biến sạch sẽ.

Ngoài ra, lựa chọn những loại quả tươi ngon, giàu dinh dưỡng. Hạn chế bổ sung thường xuyên các loại quả có hàm lượng đường cao vì có thể dẫn đến tình trạng tiểu đường thai kỳ.

Nên ăn ít nhất 2-3 bữa cá một tuần. Nên chia nhỏ bữa ăn mỗi ngày. Bổ sung các loại ngũ cốc vào thực đơn các bữa phụ vì đây cũng là nhóm thực phẩm giúp cung cấp nguồn dinh dưỡng đáng kể. Bạn nên chọn thịt nạc thay vì phần thịt có mỡ để có nhiều protein nhất.

Các chuyên gia y tế khuyên bạn nên có một chế độ ăn uống cân bằng, thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, bao gồm các loại protein động vật và thực vật khác nhau, trái cây, ngũ cốc và rau trong khi mang thai.

Các món ăn người mẹ có thể tham khảo

  • Sườn rim chua ngọt, canh riêu mồng tơi, tôm đồng rang.
  • Trứng hấp tôm kiểu Nhật, canh rau ngót, mướp hướng xào thịt bò.
  • Đậu hũ nhồi thịt, chân giò kho tiêu, củ cải luộc.
  • Canh mọc thịt nấu đu đủ, cá bống kho nghệ.
  • Ba chỉ rang tôm, rau cải luộc, canh hoa chuối nấu xương.
  • Trừng gà ta luộc, canh bầu nấu tôm, thịt bê xào hành.
  • Giò hầm bông atiso, rau bí xào thịt bò, đậu Hà Lan luộc.
  • Gà hầm thuốc bắc, bông cải luộc, bông bí xào bò.

Ngoài các món chính cho các bữa chính, có thể bổ sung các món phụ đi kèm hoặc ăn dặm vào các buổi với các món dưới đây:

  • Sữa chua ăn kèm với ngũ cốc.
  • Chè: mẹ có thể ăn chè đỗ, chè hạt sen táo đỏ, chè cốm, chè mè đen…
  • Sinh tố, sữa hạt, nước ép trái cây các loại kết hợp với hạt chia và các loại hạt khác như hạt điều, hạt hạnh nhân, hạt óc chó.
  • Trái cây Việt theo mùa hoặc trai cây nhập khẩu: Đu đủ, chuối, thanh long, nho, kiwi, dâu tây, dưa lưới, táo, việt quất, bưởi, quýt, lựu…
Mổ bắt thai cứu sản phụ hội chứng HELLP tiền sản giật nặngMổ bắt thai cứu sản phụ hội chứng HELLP tiền sản giật nặng

SKĐS - Sản phụ được chuyển đến viện trong tình trạng nặng với biểu hiện đau đầu, nhìn mờ, đau tức vùng thượng vị, chảy máu răng tự nhiên, nước tiểu đỏ sậm và huyết áp cao.

Lạc nội mạc tử cung có thai được không?


BS CKI Phan Văn Huê
Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Nghệ An
Ý kiến của bạn