Hà Nội

Chế độ ăn cho người bệnh sa sút trí tuệ

22-08-2024 08:48 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Sa sút trí tuệ là dạng bệnh mất trí nhớ. Chế độ ăn uống là một phần có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh.

Sa sút trí tuệ mô tả một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ và khả năng xã hội đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người mắc phải. Đây không phải là một bệnh cụ thể, một số bệnh khác nhau cũng có thể gây ra chứng sa sút trí tuệ.

Sa sút trí tuệ là một hội chứng do bệnh lý của não, có diễn biến từ từ và mang tính chất nặng dần.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh sa sút trí tuệ

Chế độ ăn cho người bệnh sa sút trí tuệ- Ảnh 1.

Chế độ ăn chống viêm cũng có thể giúp kiểm soát các tình trạng khác liên quan đến bệnh sa sút trí tuệ.

Theo BS. Nguyễn Thanh Bình, Khoa thần kinh và bệnh Alzheimer, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, chế độ ăn chống viêm cũng có thể giúp kiểm soát các tình trạng khác liên quan đến bệnh sa sút trí tuệ. Các chuyên gia ước tính rằng 1/3 số trường hợp mắc chứng sa sút trí tuệ có liên quan đến bệnh tim. Tình trạng viêm dẫn đến xơ cứng và dày lên của động mạch, làm giảm lượng oxy và lưu lượng máu đến não.

So với những người không mắc bệnh đái tháo đường type 2, những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn 60%. Cách ăn uống để cải thiện lượng đường trong máu cũng có thể giúp bảo vệ não.

Thực phẩm tốt cho trí não đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện trí nhớ và chức năng nhận thức. Bằng cách cung cấp cho cơ thể những dưỡng chất thiết yếu, có thể giúp não bộ hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường khả năng học tập, ghi nhớ và tập trung.

2. Các chất dinh dưỡng tốt cho trí não có lợi cho trí nhớ

Sa sút trí tuệ là một tình trạng phức tạp với nhiều yếu tố nguy cơ. Mặc dù chế độ ăn uống có thể chỉ là một phần trong việc giảm nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ, tuy nhiên chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng sẽ mang lại những lợi ích sau:

Cung cấp năng lượng: Não bộ là cơ quan tiêu thụ năng lượng cao, chiếm khoảng 20% tổng lượng calo của cơ thể. Để hoạt động tốt nhất, não cần được cung cấp đầy đủ glucose, nguồn nhiên liệu chính. Chế độ ăn giàu carbohydrate phức tạp như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả sẽ giúp cung cấp năng lượng ổn định cho não bộ suốt cả ngày.

Hỗ trợ chức năng thần kinh: Nhiều dưỡng chất thiết yếu trong thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tín hiệu thần kinh và duy trì chức năng não bộ. Ví dụ, acid béo omega-3 có trong cá béo, quả óc chó, hạt chia giúp cải thiện trí nhớ và khả năng học tập, trong khi vitamin B và choline có trong thịt, trứng, sữa, các loại đậu giúp bảo vệ tế bào não, tăng cường chức năng nhận thức.

Giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa não: Một số bệnh thoái hóa não như Alzheimer và Parkinson có liên quan đến chế độ ăn uống thiếu hụt dưỡng chất. Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa như vitamin C, E và flavonoid có thể giúp bảo vệ não bộ khỏi tổn thương do gốc tự do, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Cải thiện tâm trạng: Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, vốn ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ cũng như khả năng tập trung của bộ não.

3. Thực phẩm nên ăn và nên tránh cho người bệnh sa sút trí tuệ

Thực phẩm nên ăn

Chế độ ăn cho người bệnh sa sút trí tuệ- Ảnh 3.

Cá béo là một trong những thực phẩm tốt cho trí não mà người sa sút trí tuệ nên ăn.

Cá béo: Là nguồn giàu acid béo omega-3. Omega -3 có thể làm chậm quá trình suy giảm tinh thần do tuổi tác và giúp ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ. Cá béo có thể bao gồm: cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá mòi. Omega - 3 rất cần thiết cho việc học tập và trí nhớ.

Trứng: Là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe não bộ, bao gồm vitamin B6 và B12, folate và choline. Choline là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể sử dụng để tạo ra acetylcholine, một chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh tâm trạng và trí nhớ.

Quả việt quất: Quả việt quất mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm một số lợi ích đặc biệt cho não. Quả việt quất cung cấp anthocyanin, một nhóm hợp chất thực vật có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa.

Quả cam: Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp giảm các gốc tự do có thể làm hỏng tế bào não. Vitamin C hỗ trợ sức khỏe não bộ khi già đi và có thể bảo vệ chống lại chứng sa sút trí tuệ.

Bông cải xanh: Chứa nhiều hợp chất thực vật mạnh mẽ, bao gồm cả chất chống oxy hóa. Bông cải xanh chứa các hợp chất, chẳng hạn như sulforaphane, có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa, đồng thời có thể giúp bảo vệ não khỏi bị tổn thương.

Các loại hạt: Các loại hạt giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, có một trái tim khỏe mạnh liên quan đến việc có một bộ não khỏe mạnh và giảm nguy cơ rối loạn thần kinh.

Một số chất dinh dưỡng trong các loại hạt, chẳng hạn như chất béo lành mạnh, chất chống oxy hóa và vitamin E có lợi cho sức khỏe não bộ.

Nghệ: Curcumin - thành phần hoạt chất trong củ nghệ đã được chứng minh là tốt cho não. Đó là một hợp chất chống oxy hóa và chống viêm mạnh có thể mang lại những lợi ích cho trí nhớ, một loại hormone tăng trưởng giúp tế bào não phát triển.

Hạt bí ngô: Chứa chất chống oxy hóa có thể bảo vệ cơ thể và não khỏi tổn thương gốc tự do. Chúng cũng là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng tuyệt vời khác quan trọng cho sức khỏe não bộ.

Thực phẩm nên tránh

Chế độ ăn cho người bệnh sa sút trí tuệ- Ảnh 4.

Người bệnh sa sút trí tuệ nên tránh đồ ăn chế biến sẵn.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng một số loại thực phẩm có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer.

Đồ uống có đường: Uống nhiều các loại đồ uống như soda, đồ uống thể thao, nước tăng lực và nước ép trái cây… có tác động tiêu cực đến não, làm tăng khả năng phát triển bệnh đái tháo đường type 2, bệnh này đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ. Ngoài ra, lượng đường trong máu cao hơn có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, ngay cả ở những người không mắc bệnh đái tháo đường.

Carb tinh chế: Carbohydrate tinh chế thường có chỉ số đường huyết (GI) cao được cho là làm suy giảm chức năng não, bao gồm các thực phẩm như bột mì trắng, bánh mì trắng, gạo trắng, nước ngọt, bánh ngọt, mì ống, đồ ăn vặt... Ngoài ra, carbs tinh chế còn được thêm vào các loại thực phẩm chế biến sẵn.

Thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa: Chất béo chuyển hóa là một loại chất béo không bão hòa có thể có tác động bất lợi đến sức khỏe não bộ. Những chất béo chuyển hóa nhân tạo có trong kem, đồ ăn nhẹ, bánh ngọt làm sẵn và bánh quy đóng gói sẵn…

Thực phẩm chế biến sẵn: Đây là loại thực phẩm có xu hướng chứa nhiều đường, chất béo và muối, bao gồm các loại thực phẩm như khoai tây chiên, kẹo, mì ăn liền, bắp rang bơ, rang muối... Những thực phẩm này thường có lượng calo cao và ít chất dinh dưỡng gây tăng cân, dễ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe não bộ.

Chất làm ngọt nhân tạo: Được sử dụng trong nhiều sản phẩm như nước giải khát, đồ uống có đường, đồ nướng, kẹo, bánh ngọt, đồ hộp, mứt, thạch và chế phẩm từ sữa được làm từ phenylalanine, metanol và acid aspartic. Các chất này tác động tiêu cực đến việc học tập, cảm xúc ảnh hưởng không tốt đến não.

Rượu bia: Khi tiêu thụ quá mức có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não.

Chế độ ăn mềm cho người mắc chứng sa sút trí tuệ

Một chế độ ăn mềm bao gồm nhiều loại thực phẩm mềm. Đây có thể là cách ăn uống an toàn hơn và giảm nguy cơ bị nghẹn đối với một số người mắc chứng sa sút trí tuệ. Thức ăn mềm dễ nhai và nuốt hơn đối với những người gặp khó khăn khi nuốt.

Thực phẩm mềm bao gồm rau nấu chín, trái cây mềm không có vỏ, thịt xay, cá, sữa chua, súp và bột yến mạch.

Xem thêm:

Thuốc điều trị chứng sa sút trí tuệThuốc điều trị chứng sa sút trí tuệ

SKĐS - Sa sút trí tuệ là bệnh không có phương pháp chữa khỏi, nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị nguyên nhân gây sa sút trí tuệ, sẽ giúp bệnh tiến triển chậm và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.


Bảo Châu
Ý kiến của bạn