Hà Nội

Chế độ ăn cho người bệnh sa sinh dục

05-11-2024 14:47 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Chế độ ăn cho người bị sa sinh dục bao gồm những gì hay nên ăn gì để giúp cải thiện tình trạng bệnh... là thắc mắc khá phổ biến khi gặp phải vấn đề sức khỏe vùng chậu này.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh sa sinh dục

Một lối sống lành mạnh và chế độ ăn hợp lý rất có lợi với bệnh nhân sa sinh dục. Chế độ ăn nhiều chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón và cải thiện nhu động ruột.

Bạn cũng nên tránh sử dụng rượu bia và các thức uống chứa caffein. Luyện tập bàng quang bằng cách lên kế hoạch đi tiểu vào các thời gian định trước cũng có ích với những phụ nữ có triệu chứng tiểu không kiểm soát.

Với phụ nữ thừa cân hoặc béo phì, giảm cân giúp cải thiện các vấn đề sức khỏe cũng như các triệu chứng của sa tạng chậu.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh sa sinh dục

Theo các chuyên gia sản phụ khoa, việc thay đổi lối sống theo hướng tích cực hơn là một trong những biện pháp vừa có tác dụng trị liệu vừa giúp phòng ngừa nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn. Trong đó, chế độ dinh dưỡng đóng một phần khá quan trọng vì một số lý do sau:

Chế độ ăn cho người bệnh sa sinh dục- Ảnh 1.

Lựa chọn những thực phẩm có tính axit thấp sẽ phù hợp hơn với những ai đang có dấu hiệu rối loạn vùng chậu.

Nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ thừa cân giảm ít nhất 5% trọng lượng cơ thể sẽ giảm bớt hoặc ngăn ngừa rối loạn sàn chậu, bao gồm chứng són tiểu và sa dạ con (sa tử cung). Trong khi đó, chế độ ăn uống luôn là chìa khóa chủ đạo giúp cắt giảm cân nặng.

Thực phẩm được tiêu hóa không chỉ giúp cơ thể có nhiều năng lượng hơn, cải thiện sức khỏe tổng quan, mà còn hỗ trợ thuyên giảm những triệu chứng do rối loạn vùng chậu gây ra như không gây kích thích bàng quang, tăng nhu động ruột, cải thiện tình trạng táo bón và hơn hết là thúc đẩy sàn chậu khỏe hơn.

Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh sa sinh dục gồm: chất bột đường, chất béo, protein, khoáng chất và vitamin...

3. Gợi ý những món ăn cho người bệnh sa sinh dục

Sau đây là danh sách thực phẩm mà các chị em cần bổ sung ngay vào thực đơn của mình khi tìm kiếm đáp án cho câu hỏi sa sinh dục nên ăn gì:

3.1 Nước

Sa sinh dục nên ăn gì? Gợi ý đầu tiên là bạn nên bổ sung nước đầy đủ. Nguyên do là mất nước là nguyên nhân phổ biến gây táo bón vì khi đó, ruột không thể cung cấp đủ nước cho phân, dẫn đến phân cứng, khô và vón cục. Việc bổ sung đủ nước cho cơ thể sẽ giúp giảm bớt hay thậm chí là giải quyết các triệu chứng này giúp giảm áp lực cho vùng chậu. Bên cạnh đó, nước còn giúp hydrat hóa cơ thể, thải độc tố ra ngoài và hỗ trợ tất cả các chức năng khác của cơ thể diễn ra thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, nước ở đây không bao gồm các loại đồ có chứa caffeine như cà phê, trà hay đồ uống có gas (soda và cả soda dành cho người ăn kiêng). Nguyên do bởi chúng đều là các thức uống có tính chất lợi tiểu, kích thích bàng quang, khiến thận tạo ra nhiều nước tiểu hơn bình thường và gây ra tình trạng hoạt động quá mức hay nhạy cảm ở bàng quang.

3.2 Rau và trái cây có tính axit thấp

Nồng độ axit trong trái cây hoặc rau củ quá cao có thể gây kích ứng niêm mạc bàng quang và khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn. Do đó, lựa chọn những thực phẩm có tính axit thấp sẽ phù hợp hơn với những ai đang có dấu hiệu rối loạn vùng chậu.

Ngoài ra, các loại củ quả này cũng cần phải chứa nhiều chất xơ để giúp dễ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón như:

Trái cây: Chuối, mơ, mận khô, táo...

Rau củ: Cà rốt, bông cải xanh và các loại đậu như đậu lăng, đậu xanh và đậu Hà Lan…

Chế độ ăn cho người bệnh sa sinh dục- Ảnh 2.

Các loại củ, quả chứa nhiều chất xơ để giúp dễ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.

3.3. Axit béo omega-3

Omega-3 được biết đến với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như giảm viêm, giảm sưng hay giảm bất kỳ kích ứng nào có thể xảy ra từ thức ăn hoặc đồ uống khác. Vì thế, việc bổ sung các thực phẩm giàu omega-3 có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục sau khi bị sa sinh dục. 

Danh sách các thực phẩm giàu omega-3 mà bạn có thể thêm vào thực đơn ăn uống bao gồm: cá thu, cá hồi, cá trích, cá cơm, hàu, hạt chia, quả óc chó…

3.4 Sa sinh dục không nên ăn gì?

Bên cạnh việc bổ sung những thực phẩm tốt cho sức khỏe vùng chậu, để đẩy nhanh tiến trình điều trị sa sinh dục các chị em cũng nên hạn chế một số thực phẩm sau:

Chế độ ăn cho người bệnh sa sinh dục- Ảnh 3.

Chị em nên hạn chế dùng rượu, thức ăn cay....

Rượu: Khi uống rượu, nhiều người lại có xu hướng nhịn tiểu do phải chờ đợi ở quán bar hoặc sự kiện nào đó. Từ đó, việc nhịn tiểu và uống rượu sẽ khiến các cơ sàn chậu hoạt động quá mức, cuối cùng làm suy yếu hệ cơ này.

Thức ăn cay: Các gia vị cay gồm ớt, nước sốt tiêu, củ cải ngựa, mù tạt và gừng có thể gây kích ứng niêm mạc bàng quang nên cần hạn chế ăn quá cay khi đang điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sa tử cung.

Đường nhân tạo và chất làm ngọt (Splenda): Đây đều là yếu tố kích thích bàng quang hoạt động quá mức.

Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ nhóm chất. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống tốt nhất cho bạn.

Duy trì cân nặng hợp lý: Chế độ dinh dưỡng và tập thể dục hợp lý có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của sa sinh dục bằng cách giảm căng thẳng lên các cơ vùng chậu và giữ cho cơ thể săn chắc nhất có thể.

Bỏ thuốc lá: Nếu bạn hút thuốc nên bỏ thuốc ngay, việc hút thuốc làm tăng nguy cơ tiến triển các cơn ho mãn tính làm căng thẳng các cơ sàn chậu.

Sa sinh dục: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh và điều trịSa sinh dục: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh và điều trị

SKĐS – Sa tạng chậu (trước đây gọi là sa sinh dục) là tình trạng bàng quang, tử cung hoặc trực tràng bị sa xuống trong âm đạo hay nặng hơn cổ tử cung ra khỏi âm hộ. Đây là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt.


BS CKI Trần Đình Tài
Phụ trách phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa
Ý kiến của bạn