Chế độ ăn cho người bệnh rối loạn tiền đình

14-04-2024 06:05 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Chế độ ăn uống hàng ngày là một công cụ mạnh mẽ trong việc duy trì sức khỏe của hệ thống tiền đình và giảm các triệu chứng liên quan đến rối loạn tiền đình.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với bệnh rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, bệnh ngày càng trẻ hóa, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến hơn ở người trưởng thành.

Hệ thống tiền đình nằm ở tai trong, hệ thống phức tạp này đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sự cân bằng, định hướng không gian và vị trí đầu. Khi hệ thống tiền đình hoạt động tối ưu, chúng ta có thể đứng, đi lại và di chuyển dễ dàng, tự tin vào sự ổn định của mình.

Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc Phòng, rối loạn tiền đình là loại bệnh gây ra tình trạng mất thăng bằng tư thế do tổn thương liên quan đến hệ thống tiền đình gây ra. Rối loạn tiền đình thường gây ra các triệu chứng lặp đi lặp lại khiến cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng.

Bằng cách nuôi dưỡng cơ thể với các chất dinh dưỡng phù hợp và giữ nước sẽ hỗ trợ hệ thống tiền đình ổn định và tận hưởng một cuộc sống cân bằng. Để điều trị rối loạn tiền đình một cách hiệu quả, ngoài việc sử dụng thuốc đặc trị, người bệnh cần thiết lập chế độ ăn uống, bổ sung dinh dưỡng hợp lý ngăn ngừa bệnh tái phát.

Chế độ ăn cho người bệnh rối loạn tiền đình- Ảnh 1.

Rối loạn tiền đình là tình trạng mất thăng bằng tư thế do tổn thương liên quan đến hệ thống tiền đình gây ra.

Theo BS. Hoàng, người bệnh rối loạn tiền đình cố gắng duy trì vận động nhiều để kích thích các mạch máu lưu thông thì lúc đó tình trạng viêm, tình trạng xơ hóa của các dây chằng, các cơ giảm đi. Bơi và yoga là các bộ môn vận động toàn diện tốt cho bệnh nhân rối loạn tiền đình.

Về chế độ dinh dưỡng, người mắc rối loạn tiền đình nên bổ sung cho cơ thể các thực phẩm giàu chất xơ và các loại vitamin thiết yếu thông qua bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra nên bổ sung các loại vitamin thiết yếu hỗ trợ hệ thống thần kinh khỏe mạnh, giảm bớt các triệu chứng của rối loạn tiền đình như vitamin B6, vitamin B9, vitamin D, vitamin C,...

BS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết, tình trạng thiếu máu lên não và rối loạn tiền đình thường xuất phát từ tình trạng xơ vữa của mạch máu. Chế độ dinh dưỡng phải giảm tình trạng xơ vữa mạch máu bằng cách tăng cường các thức ăn chứa nhiều chất chống gốc tự do ví dụ như omega-3, acid béo không no, cá, sữa hạt,... Tăng cường tiêu thụ rau củ quả vì trong rau quả tươi, đặc biệt các loại rau quả đậm màu như xanh, đỏ, cam chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt nhất.

BS. Hoàng cũng khuyên bệnh nhân rối loạn tiền đình nên hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, hạn chế đồ ăn chứa nhiều muối nhiều đường không chỉ khiến các triệu chứng rối loạn tiền đình nặng hơn mà còn dễ dẫn đến nhiều bệnh lý khác như tim mạch, rối loạn chuyển hóa,...

2. Các dưỡng chất cần thiết đối với người bệnh rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình xảy ra do tổn thương từ hệ thần kinh nên việc bổ sung các chất dinh dưỡng có lợi cho hệ thần kinh là vô cùng cần thiết. Dưới đây là các chất dinh dưỡng cụ thể hỗ trợ hệ thống tiền đình khỏe mạnh:

Magie: Được biết đến với vai trò quan trọng với việc điều hòa các chức năng thần kinh và thư giãn cơ bắp, magie có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất các cơn chóng mặt do rối loạn tiền đình. Người bệnh rối loạn tiền đình nên bổ sung thực phẩm giàu magie trong chế độ ăn qua các nguồn thực phẩm như: hải sản, cá nước ngọt, thịt, các loại rau lá màu xanh đậm, các loại đậu đỗ, vừng lạc, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt...

Vitamin C: Vitamin C có tác dụng rất lớn trong việc giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và hệ thống miễn dịch. Từ đó, giúp giảm các triệu chứng thường gặp của rối loạn tiền đình như đau đầu, chóng mặt... Người bệnh rối loạn tiền đình cần bổ sung vitamin C hàng ngày cho cơ thể bằng cách sử dụng các thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, chanh, bưởi, cà chua, dứa, dâu tây hoặc một số loại rau xanh giàu vitamin và khoáng chất như bông cải xanh, cải xoăn... Đây đều là những thực phẩm rất tốt cho người bị rối loạn tiền đình.

Vitamin D: Xơ cứng tai là triệu chứng mà nhiều người bị rối loạn tiền đình thường gặp phải và để cải thiện tình trạng này người bệnh cần bổ sung đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, mức vitamin D đầy đủ rất quan trọng đối với sức khỏe của xương và giúp ngăn ngừa té ngã, giảm nguy cơ chấn thương liên quan đến rối loạn chức năng tiền đình. Vì vậy, người bị rối loạn tiền đình cần bổ sung một số thực phẩm giàu vitamin D như cá, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, nấm, nước cam hoặc các sản phẩm từ đậu nành. Đây là những thực phẩm giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao sức khỏe cho người bệnh.

Chế độ ăn cho người bệnh rối loạn tiền đình- Ảnh 2.

Cá, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, nấm, nước cam hoặc các sản phẩm từ đậu là những thực phẩm giàu vitamin D.

Người bệnh rối loạn tiền đình cần đa dạng hóa chế độ ăn uống với thực phẩm giàu folate

Folate hay còn gọi acid folic hoặc vitamin B9 tham gia vào quá trình phát triển và phân chia tế bào, sản xuất hồng cầu và ngăn ngừa bệnh thiếu máu. Vitamin B9 còn tham gia tạo các chất dẫn truyền thần kinh ở não. Người cao tuổi mắc bệnh rối loạn tiền đình thường do khiếm khuyết trong hệ thống tiền đình và để cải thiện tình trạng này, người bệnh nên dùng thực phẩm giàu folate. Chúng sẽ có tác dụng rất lớn trong việc cân bằng hệ thống tiền đình ở người cao tuổi.

Những thực phẩm giàu folate từ các loại đậu như đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh hoặc các loại trái cây họ cam quýt, bưởi... Ngoài ra, nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin B9 là: gan động vật (bò, gà, lợn), bông cải xanh, súp lơ trắng, đậu bắp, măng tây, các loại hạt như đậu phộng, hướng dương, hạnh nhân... cũng là những thực phẩm giàu folate rất tốt cho sức khỏe của người rối loạn tiền đình.

Acid béo omega-3: Được tìm thấy trong các loại cá béo như cá hồi và hạt lanh, omega-3 có đặc tính chống viêm giúp làm giảm các triệu chứng rối loạn tiền đình.

Vitamin B: Vitamin B phức hợp, bao gồm B6 và B12 đóng vai trò trong chức năng thần kinh, giúp kiểm soát tình trạng chóng mặt và choáng váng. Một trong những nguyên nhân gây bệnh tiền đình ở người bệnh là do thiếu vitamin B6. Vì vậy, người bệnh rối loạn tiền đình cần nhiều vitamin B6 hơn để giúp hệ điều hành tiền đình hoạt động tốt hơn và các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt sẽ không còn xuất hiện nữa. Vitamin B6 có nhiều nhất trong các loại thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, bí ngô, khoai lang, khoai tây, thịt gà, cá, cam, táo, bơ, chuối, hạnh nhân...

Uống đủ nước: Hydrat hóa thích hợp là rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và có thể ngăn ngừa các triệu chứng như chóng mặt và choáng váng ở bệnh nhân rối loạn tiền đình. Uống đủ nước, đặc biệt là các loại nước trái cây rất tốt cho người bệnh rối loạn tiền đình.

3. Những loại thực phẩm người bệnh rối loạn tiền đình cần hạn chế

Một số yếu tố chế độ ăn uống có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của rối loạn tiền đình, bao gồm:

  • Caffeine và rượu làm mất nước.
  • Thực phẩm giàu natri làm tăng khả năng giữ nước.
  • Thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm có đường gây viêm.
  • Thực phẩm giàu chất béo là nguyên nhân chính gây ra tình trạng cholesterol cao trong máu làm ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị bệnh.
  • Đối với các loại sữa, người bị rối loạn tiền đình nên chọn loại sữa gầy, sữa gầy sẽ tốt hơn cho sức khỏe người bệnh.

Những thực phẩm nên cân nhắc loại bỏ khỏi chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến chứng rối loạn tiền đình bao gồm:

  • Phô mai lâu năm
  • Sô cô la
  • Thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích, jambong, thịt muối.
  • Rượu, bia và rượu vang.
  • Thực phẩm lên men và muối chua.

Mặc dù dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe của người bệnh rối loạn tiền đình, nhưng điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế trước khi thực hiện những thay đổi đáng kể về chế độ ăn uống.

Khi có biểu hiện rối loạn tiền đình, người bệnh nên chủ động đi khám để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Ngoài việc sử dụng thuốc để điều trị, chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp bệnh rối loạn tiền đình được cải thiện rõ rệt. Bác sĩ sẽ cung cấp hướng dẫn được cá nhân hóa dựa trên nhu cầu cụ thể của bạn và các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.

Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống, không tự ý dùng các chất bổ sung để chữa bệnh theo lời mách bảo hoặc nghe quảng cáo trên mạng. Bởi nếu không sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng thì thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Xem thêm:

Rối loạn tiền đình: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừaRối loạn tiền đình: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

SKĐS - Rối loạn tiền đình nếu không được điều trị đúng cách có thể khiến bệnh tình nặng hơn, thậm chí dẫn tới biến chứng nguy hiểm và gây lãng phí tiền bạc.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh rối loạn tiền đìnhCâu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh rối loạn tiền đình

SKĐS - Rối loạn tiền đình ảnh hưởng đến hơn 35% người trưởng thành trên 40 tuổi. Tình trạng rối loạn tiền đình kéo dài dễ dẫn đến mệt mỏi, mất tập trung, mắt nhìn mờ, chân tay thường tê bì, run rẩy, suy nhược cơ thể... ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe như lo lắng, trầm cảm, làm giảm chất lượng cuộc sống.


Thiên Châu
Ý kiến của bạn