Hà Nội

Chế độ ăn cho người bệnh rách giác mạc

16-09-2024 12:10 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Người bị rách giác mạc nên ăn gì là vấn đề được quan tâm khá nhiều. Ngoài việc sử dụng thuốc nhỏ mắt và uống thuốc thì chế độ dinh dưỡng khá quan trọng.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh rách giác mạc

Giác mạc là một bộ phận trong suốt ngoài cùng của mắt có nhiệm vụ bảo vệ các thành phần bên trong của nhãn cầu, cùng với thủy tinh thể, võng mạc và đồng tử hội tụ ánh sáng giúp mắt nhìn thấy được các vật.

Giác mạc mỏng và nằm ngoài cùng nên rất dễ bị tổn thương. Rách giác mạc hay còn gọi là trầy xước biểu mô giác mô, do dị vật làm tổn thương lớp giác mạc của mắt khiến thị lực bị giảm sút, đau nhức khó chịu.

Dị vật ở đây rất đa dạng có thể là những vật có kích thước nhỏ như bụi, cát, đến những vật lớn hơn như thủy tinh, côn trùng,… Giác mạc có thể bị tổn thương ở mọi lứa tuổi, trong tất cả các hoạt động hằng ngày như vận động ngoài trời, chơi thể thao hay lúc làm việc.

Chế độ ăn cho người bệnh rách giác mạc- Ảnh 1.

Rách giác mạc nếu không được xử trí và điều trị đúng cách có thể gây các bệnh về mắt khác như loét giác mạc, sẹo giác mạc...

Rách giác mạc nếu không được xử trí và điều trị đúng cách có thể gây các bệnh về mắt khác như loét giác mạc, sẹo giác mạc và giảm thị lực vĩnh viễn.

Thực tế, người bị rách giác mạc không nên quá kiêng khem, nên ăn đầy đủ và bổ sung đa dạng thực phẩm, trừ những thực phẩm không tốt cho sức khỏe và mắt. Để mắt được cung cấp vitamin, khoáng chất, dưỡng chất cần thiết cho việc nhanh chóng phục hồi.

Người bệnh nên cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho mắt như: Các vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, E, kẽm, omega-3... đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mắt, giảm viêm và cải thiện thị lực.

Hỗ trợ quá trình phục hồi: Một chế độ ăn cân bằng cung cấp đủ năng lượng giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng sau các ca phẫu thuật hoặc điều trị.

Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý khác: Nhiều nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp là những yếu tố có thể làm trầm trọng thêm tình trạng giác mạc chóp.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho người bệnh rách giác mạc

Người bị rách giác mạc nên ăn đầy đủ và bổ sung đa dạng thực phẩm, trừ những thực phẩm không tốt cho sức khỏe và mắt.

Chế độ ăn cho người bệnh rách giác mạc- Ảnh 2.

Người bị rách giác mạc nên ăn đầy đủ và bổ sung đa dạng thực phẩm.

2.1 Những thực phẩm và dưỡng chất nên ăn

Thực phẩm giàu vitamin A: Cà rốt, bí ngô, đu đủ, cà chua, các loại rau lá xanh đậm,... Vitamin A đảm nhận chức năng quan trọng đối với thị lực chính là tạo ra sắc tố trong võng mạc, giúp bảo vệ và duy trì giác mạc - kết mạc. Vì vậy, đây là nhóm thực phẩm ưu tiên có mặt trong thực đơn cho những người bị tổn thương giác mạc nói riêng và các bệnh về mắt nói chung.

Thực phẩm giàu vitamin C: Các loại trái cây, rau như cam, quýt, ổi, ớt chuông, rau xanh,... Vitamin C được ví là thuốc kháng sinh cho mắt, giúp chống oxy hóa, tăng cường đề kháng, chống lại quá trình nhiễm trùng.

Thực phẩm giàu vitamin B2: Vitamin này có nhiều trong sữa, các loại trái cây có múi như bưởi, cam, quýt,... Vitamin B2 giúp tăng cường thị giác, hạn chế các quá trình oxy hóa diễn ra.

Acid béo omega 3: EPA (eicosapentaenoic acid) và DHA (axit docosahexaenoic) đặc biệt rất tốt cho sức khỏe đôi mắt. Hầu hết DHA được tìm thấy trong võng mạc, nơi giúp duy trì chức năng mắt. Nếu thiếu DHA có thể làm suy giảm thị lực. Bổ sung omega 3 không chỉ giúp giác mạc mắt phục hồi nhanh chóng mà còn phòng các bệnh về mắt hiệu quả. Các thực phẩm giàu omega chủ yếu là cá: Cá thu, cá hồi, dầu gan cá tuyết, cá trích, hàu, cá mòi,...

Axit gamma-linolenic: Là một acid béo omega 6 có tác dụng chống viêm, giúp hạn chế tình trạng hay các bệnh viêm ở mắt. Omega 6 thường có trong các loại hạt và dầu hạt: Dầu đậu nành, dầu bắp, dầu cây rum, dầu hướng dương, dầu lạc, dầu hạt bông, dầu cám gạo,....

Thực phẩm giàu vitamin E: Đây là vitamin tốt cho mắt, ngăn chặn suy giảm thị lực. Các thực phẩm giàu vitamin E thường có trong hạt hướng dương, hạnh nhân, rau bina, bơ, bí, quả kiwi, cá hồi, tôm, dầu ô liu, bông cải xanh,...

Thực phẩm giàu kẽm: kẽm là chất chống oxy hóa tốt cho mắt. Nguồn thực phẩm giàu kẽm: Thịt, động vật có vỏ, cây họ đậu, các loại hạt,...

2.2 Thực phẩm nên tránh

Về bản chất, tình trạng rách giác mạc khá không quá nguy hiểm, nếu bạn biết sơ cứu và chăm sóc mắt đúng cách. Vì thế, hầu như bạn sẽ không cần phải kiêng gì trong quá trình hồi phục. Tuy nhiên, bạn cần hạn chế một số thực phẩm sau đây, bởi chúng sẽ làm kéo dài thời gian phục hồi của đôi mắt.

Chế độ ăn cho người bệnh rách giác mạc- Ảnh 3.

Những loại gia vị và đồ cay nóng sẽ làm tăng nhiệt, không có lợi cho mắt.

2.1 Những thực phẩm có tính cay, nóng

Mặc dù các gia vị cay, nóng như hành, tỏi, ớt sẽ góp phần làm cho món ăn của bạn trở nên đậm vị và ngon hơn. Tuy nhiên, chúng có thể sẽ khiến cho tình trạng xước và rách giác mạc trở nên trầm trọng hơn. Bởi, những loại gia vị và đồ cay nóng sẽ làm tăng nhiệt cho mắt, đồng thời tác động vào vết rách khiến cho mắt bị đau rát cực độ.

2.2 Đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ

Khi bị rách giác mạc, các mô tế bào sẽ sản sinh ra một số gốc tự do (thành phần gây lão hóa sớm ở mắt), do phần giác mạc của mắt bị hở. Mặt khác, những thực phẩm chiên rán như khoai tây chiên, nem chua rán, gà rán, pizza… làm gia tăng tốc độ sản sinh gốc tự do. Gây nên tình trạng rối loạn mô tế bào, làm giảm thị lực, và đặc biệt là tăng thời gian tự phục hồi của mắt khi bị tổn thương.

2.3 Tránh những thực phẩm khiến cơ thể bị dị ứng

Dị ứng do thực phẩm cũng là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh về mắt. Chính vì thế, nếu bạn vô tình hấp thụ phải một thành phần dị ứng nào đó trong món ăn, thì nguy cơ cao vết thương sẽ trở nên nghiêm trọng và khó chữa hơn. Không chỉ thế, bạn còn có thể mắc thêm một số bệnh lý liên quan như: Nhiễm trùng giác mạc, viêm kết mạc, giảm thị lực…

Vì vậy, hãy nên thận trọng, và kiểm tra kĩ thành phần trước khi sử dụng một món ăn hay sản phẩm nào đó.

2.4 Không sử dụng chất kích thích

Những chất kích thích và thức uống có cồn như cà phê, thuốc lá, bia rượu… sẽ lấy đi một lượng lớn nước trong cơ thể. Trong rượu bia có chứa lượng cồn lớn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian phục hồi của mắt. Rượu bia sẽ làm giảm khả năng điều tiết của mắt, làm khô mắt và khiến cho mức độ tổn thương nặng hơn, thậm chí có thể gây nhiễm trùng và loét giác mạc.

Đối với thuốc lá, khói thuốc sẽ làm cho mắt trở nên khô hơn so với bình thường. Tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và bụi bẩn xâm nhập, gây nên hiện tượng nhiễm trùng. Hay như cà phê, đồ uống có chứa caffeine, sẽ kích thích hoạt động của đồng tử, làm giảm khả năng phục hồi tổn thương tại mắt.

3. Gợi ý những món ăn cho người bệnh rách giác mạc

Ngoài chế độ sinh hoạt, làm việc hợp lý cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng hàng ngày như vitamin A, C cùng omega-3,….cùng những thực phẩm tốt cho mắt.

  • Giàu vitamin A: gan động vật, các loại trứng, sữa, cá chép, thịt vịt… Những loại rau củ chứa nhiều vitamin A như: Cải thìa, bí đỏ, cà rốt, súp lơ... sẽ hỗ trợ phục hồi thị lực cho mắt. Đồng thời, kích thích sự phát triển của mô tế bào, vá lại phần hở do rách giác mạc để lại. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bổ sung thêm một số trái cây mọng nước như: Cam, mận, táo, ổi, … để giúp quá trình phục hồi của mắt trở nên nhanh chóng hơn.
  • Giàu beta-caroten (sẽ chuyển hóa thành vitamin A khi vào cơ thể): các loại rau củ quả có màu vàng cam như đu đủ, cà rốt, bí đỏ,…; những loại rau có màu xanh đậm như như súp lơ xanh, rau ngót, rau bina…
  • Giàu vitamin C (tăng cường thị lực, giảm nguy cơ đục thủy tinh thể): Các loại trái cây có vị chua như chanh, bưởi, dâu tây, cà chua..,rau ngót, súp lơ, cải bẹ trắng, thì là, hành lá, nho, dứa…
  • Giàu vitamin E (giảm nguy cơ mắc bệnh cườm mắt, chống oxy hoá): Các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu đậu phộng, các loại hạt (hạt bí, hạt dưa…)
  • Giàu lutein: bắp (ngô), cải bó xôi, trứng, cải xoăn…(giúp bảo vệ võng mạc)
  • Giàu selenium: Các loại hải sản, thịt, trứng, ngũ cốc, gan, cật…
Thuốc trị các bệnh về mắt thường gặp trong mùa mưa lũThuốc trị các bệnh về mắt thường gặp trong mùa mưa lũ

SKĐS - Đau mắt đỏ, viêm bờ mi là những bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ do thiếu nước sạch. Vậy cần chuẩn bị những thuốc gì để điều trị những bệnh này?


ThS. BS Phạm Thị Vân
Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh
Ý kiến của bạn