Hà Nội

Chế độ ăn cho người bệnh loét giác mạc

25-09-2024 12:11 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Viêm loét giác mạc nếu không điều trị đúng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tổn thương giác mạc hay mù loà vĩnh viễn. Bên cạnh việc điều trị thì dinh dưỡng cũng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh mau khỏi.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh viêm loét giác mạc

Viêm loét giác mạc là hiện tượng mất tổ chức giác mạc do hoại tử, gây ra bởi một quá trình viêm trên giác mạc. Khi bệnh khỏi sẽ để lại sẹo giác mạc làm thị lực của người bệnh bị giảm trầm trọng và có thể dẫn đến mù lòa.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm loét giác mạc như: nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm, amip, virus. Ngoài ra còn do biến chứng của các bệnh lý khác như lông quặm, hở mi do liệt dây VII, chấn thương mắt có tổn thương giác mạc, đeo kính áp tròng không đúng cách, không đảm bảo vệ sinh...Viêm loét giác mạc khi được phát hiện kịp thời sẽ có nhiều khả năng điều trị khỏi hoàn toàn.

Tuy chế độ dinh dưỡng không thể hoàn toàn trị khỏi bệnh nhưng các thực phẩm người bệnh dùng cũng sẽ có tác dụng tích cực hoặc tiêu cực tới quá trình điều trị và tiến triển của bệnh.

Với người bệnh viêm loét giác mạc, nếu chế độ dinh dưỡng tốt có thể giúp cơ thể duy trì sức khỏe, hỗ trợ hệ miễn dịch và làm giảm mức độ viêm nhiễm.

Chế độ ăn cho người bệnh loét giác mạc- Ảnh 1.

Chế độ ăn có vai trò quan trọng giúp người bệnh viêm loét giác mạc nhanh phục hồi.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho người bệnh viêm loét giác mạc

Đôi mắt cần nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là omega-3, vitamin A, C, E, lutein, zeaxanthin… để hoạt động khỏe mạnh. Vì vậy, ngoài việc ăn đủ chất, người bệnh cần bổ sung các thực phẩm này để hỗ trợ phòng ngừa và điều trị các bệnh về mắt, trong đó có viêm loét giác mạc.

2.1. Omega-3 tốt cho người viêm loét giác mạc

Acid béo omega-3 rất cần thiết để duy trì thị lực khỏe mạnh. Chúng giúp ngăn ngừa tình trạng viêm ở mắt, có thể dẫn đến nhiều bệnh về mắt khác nhau, bao gồm cả cận thị.

Thực phẩm giàu acid béo omega-3 bao gồm:

  • Cá hồi;
  • Cá trích;
  • Cá ngừ;
  • Cá mòi;
  • Đậu nành;
  • Hạt chia;
  • Quả óc chó…
Chế độ ăn cho người bệnh loét giác mạc- Ảnh 2.

Quả óc chó chứa nhiều omega-3 tốt cho người loét giác mạc.

2.2. Vitamin A

Vitamin A rất cần thiết và là thiết yếu cho mắt với công dụng tăng khả năng phân biệt màu sắc, hỗ trợ những tế bào tuyến lệ giúp mắt không bị khô.

Vitamin A có nhiều trong các loại rau, củ như:

  • Cà rốt;
  • Đu đủ;
  • Bí đỏ;
  • Khoai lang;
  • Rau lá xanh;
  • Súp lơ;
  • Cải xanh,...

2.3. Vitamin B

Trong các loại trái cây có múi chứa nhiều vitamin B như: bưởi, quýt, cam,.. có vai trò quan trọng trong tăng cường thị lực, hạn chế quá trình oxy hóa trong cơ thể, giảm tình trạng nhức mỏi và chảy nước mắt.

2.4. Vitamin C

Vitamin C giúp cơ thể hình thành và duy trì các mô liên kết, bao gồm cả collagen được tìm thấy trong giác mạc của mắt.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin C tốt nhất là các loại trái cây và rau quả như:

  • Cam;
  • Quýt;
  • Bưởi;
  • Dâu tây;
  • Bông cải xanh…

2.5. Vitamin E

Vitamin E hoạt động như một chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ mắt khỏi tác nhân gây hại bên ngoài, thúc đẩy tuần hoàn máu và hỗ trợ cải thiện tình trạng giảm thị lực. Vitamin E có tác dụng ngăn chặn tác hại này bằng cách trung hòa các gốc tự do.

Các nguồn thực phẩm giàu vitamin E như: giá đỗ, hành tây, hạt hướng dương, hạnh nhân, rau bina, bơ, bí, bông cải xanh, dầu ô liu...

2.6. Thực phẩm giàu lutein và zeaxanthin

Có hơn 600 loại carotenoid nhưng chỉ có lutein và zeaxanthin được tìm thấy trong võng mạc mắt người, nhờ cấu tạo đặc trưng, chúng đảm nhận những vai trò quan trọng đối với mắt và thị lực.

Lutein và zeaxanthin là hai loại carotenoid (sắc tố vàng, cam) có trong các loại rau củ quả, đồng thời cũng là hai thành phần cấu tạo nên võng mạc, điểm vàng - bộ phận có vai trò nhận biết độ chi tiết và sắc nét của hình ảnh.

Các loại rau củ quả nhiều màu sắc giúp bổ sung lutein và zeaxanthin như: Ớt chuông, cam, ngô, xoài, khoai lang, cà rốt, bí đỏ, cà chua, cải xoăn, rau bina, lòng đỏ trứng…

2.7. Uống đủ nước

Việc duy trì cơ hội đủ nước trong cơ thể quan trọng để giảm cảm giác khô mắt và hỗ trợ cho giác mạc. Uống nước đầy đủ cũng giúp ngăn chặn tình trạng mệt mỏi.

3. Gợi ý một số thực phẩm tốt cho người viêm loét giác mạc

3.1. Những thức ăn giúp người bệnh viêm loét giác mạc nhanh phục hồi

Những acid béo omega-3 từ cá rất tốt và cần thiết cho sức khỏe của đôi mắt giúp bảo vệ thị lực cho đôi mắt.

Chế độ ăn cho người bệnh loét giác mạc- Ảnh 3.

Cá hồi là thực phẩm giàu omega-3 nhất.

Cà rốt

Cà rốt rất giàu beta-carotene, khi vào cơ thể được chuyển hóa thành vitamin A trong gan. Loại vitamin này đã được chứng minh là tốt cho thị lực, tăng cường sức khỏe cho đôi mắt, làm giảm tình trạng mờ mắt, mỏi mắt.

Lutein và zeaxanthin có trong cà rốt cũng có tác dụng giúp cải thiện sức khỏe của mắt. Tuy nhiên, chỉ nên ăn cà rốt với liều lượng vừa đủ. Nếu ăn quá nhiều có thể gây tình trạng vàng da và ngộ độc gan. Theo khuyến cáo, chỉ nên ăn hoặc uống nước ép cà rốt 2-3 lần/tuần với trọng lượng 100 g/lần ở người lớn và 30-50 g/lần ở trẻ em.

Trứng

Trứng chứa cả kẽm và 2 loại caroten lutein, zeaxanthin rất tốt cho mắt. Màu vàng cam của các hợp chất này giúp ngăn chặn ánh sáng xanh gây hại cho võng mạc.

Rau lá xanh

Các loại rau lá xanh rất giàu lutein và zeaxanthin, là những carotenoid rất cần thiết cho sức khỏe của mắt. Những chất dinh dưỡng này đã được chứng minh là giúp bảo vệ mắt khỏi bị tổn thương do ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử. Thực phẩm giàu lutein và zeaxanthin bao gồm:

  • Rau bina;
  • Cải xoăn;
  • Cải bó xôi;
  • Măng tây;
  • Bông cải xanh…
Chế độ ăn cho người bệnh loét giác mạc- Ảnh 4.

Thực phẩm giàu lutein và zeaxanthin.

Trái cây có múi

Trong trái cây chứa nhiều vitamin B như là các loại trái cây có múi bưởi, quýt, cam,... có vai trò quan trọng trong tăng cường thị lực, hạn chế quá trình oxy hóa trong cơ thể, giảm tình trạng nhức mỏi và chảy nước mắt. Cùng với đó trong những trái cây chua như cam, xoài cũng chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.

3.2. Những thực phẩm người viêm loét giác mạc nên hạn chế

Nhóm thực phẩm cay

Những thực phẩm chứa các thành phần cay có thể gây kích thích và dẫn đến chảy nước mắt, tăng khả năng nhiễm trùng. Việc hạn chế nhóm thực phẩm này không chỉ giảm khó chịu mà còn giúp tăng hiệu quả của quá trình điều trị.

Nhóm thực phẩm giàu tinh bột và đường

Các thực phẩm như cơm, mì, đồ uống có gas có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng cho mắt. Việc kiêng cữ nhóm thực phẩm này sẽ hỗ trợ quá trình điều trị và giảm nguy cơ tái phát bệnh.

Nhóm thực phẩm giàu đạm

Thịt bò, hải sản, cá biển chứa chất histamin có thể gây kích ứng và dễ gây dị ứng, làm gia tăng tình trạng viêm giác mạc, kéo dài thời gian điều trị.

Nhóm thực phẩm bị dị ứng

Người bệnh cần tránh những thực phẩm gây dị ứng, ngay cả khi phản ứng chỉ là nhỏ. Dị ứng có thể giảm sức đề kháng của cơ thể, làm tăng khả năng mắc bệnh viêm giác mạc và làm kéo dài thời gian điều trị.

Thực phẩm có tính kích thích

Người bệnh viêm loét giác mạc cần kiêng những đồ uống có tính kích thích như trà, cà phê, các loại gia vị cay nóng như tiêu, ớt, gừng… cũng nên hạn chế để tránh kích thích tình trạng viêm.

Chế độ ăn cho người bệnh loét giác mạc- Ảnh 5.

Người viêm loét giác mạc hạn chế dùng thực phẩm cay, nóng.

4. Lưu ý khi điều trị viêm loét giác mạc

Khi bị viêm loét giác mạc, người bệnh cần lưu ý:

  • Tuyệt đối không lấy tay để dụi mắt.
  • Để lau ghèn hay nước mắt chảy ra, nên sử dụng khăn giấy và vứt đó đúng nơi quy định sau khi dùng xong.
  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ và không tiếp xúc gần với người khác.
  • Nên đeo kính để hạn chế bụi bặm, ánh sáng gây chói mắt,... gây kích ứng cho mắt khiến bệnh nặng thêm.
  • Không đi bơi khi bị viêm loét giác mạc để hạn chế lây bệnh cho mọi người, cũng như tránh tình trạng viêm nặng thêm vì nước bể bơi không sạch.
  • Sử dụng nước muối sinh lý mỗi buổi sáng để rửa mắt.
  • Chườm mắt bằng nước ấm bằng khăn sạch để mắt dễ chịu hơn.
  • Đặc biệt, chỉ sử dụng thuốc điều trị do bác sĩ chuyên gia nhãn khoa chỉ định.

Xem thêm:

Viêm loét giác mạc nhiễm khuẩn: Nguy cơ cao gây mù lòaViêm loét giác mạc nhiễm khuẩn: Nguy cơ cao gây mù lòa

SKĐS - Viêm loét giác mạc nhiễm khuẩn là một trong những bệnh hay gặp ở nước ta - thuộc vùng khí hậu nóng ẩm, nhiệt đới gió mùa, đặc biệt hơn là nước sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Viêm loét giác mạc thường để lại hậu quả nặng nề gây mù lòa, thậm chí phải bỏ nhãn cầu...


BS. Nguyễn Thị Hằng
Ý kiến của bạn