Chế độ ăn cho người bệnh loét dạ dày tá tràng

21-08-2024 12:40 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Khi bị viêm loét dạ dày - tá tràng, ngoài việc dùng thuốc thì chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng, có tác động làm giảm tiết acid, giảm tác động của acid tiết ra trên niêm mạc dạ dày..., giúp bệnh mau lành.

Chế độ ăn cho người bệnh loét dạ dày tá tràng- Ảnh 1.

Thực phẩm tốt cho người loét dạ dày tá tràng.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bị loét dạ dày tá tràng

Theo ThS.BS. Nguyễn Ngọc Đan, chuyên khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng rất đa dạng nhưng thường gặp nhất là do chế độ ăn uống không hợp lý như:

  • Bệnh nhân lạm dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cafe;
  • Ăn đồ quá cay nóng, nhiều chất béo, chiên, xào;
  • Ăn không đúng bữa, ăn vội vàng, nhai không kỹ…
  • Ngoài ra, chế độ sinh hoạt không điều độ, lạm dụng thuốc, nhiễm vi khuẩn HP và một số nguyên nhân khác như: stress, căng thẳng kéo dài… cũng được coi là yếu tố thuận lợi gây viêm loét dạ dày tá tràng.

Khi bị viêm loét dạ dày - tá tràng, niêm mạc dạ dày - tá tràng bị tổn thương với những vết loét sâu xuống lớp cơ niêm mạc, gây ra những cơn đau khó chịu cho người bệnh.

Bệnh viêm loét dạ dày tá - tràng nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: hẹp môn vị, chảy máu ổ loét dạ dày, tá tràng; thủng ổ loét, thậm chí là ung thư dạ dày. Vì vậy khi bị loét dạ dày tá tràng, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người loét dạ dày tá tràng

Chế độ ăn cho những người mắc bệnh dạ dày tá tràng nhằm mục đích làm giảm tiết acid, giảm tác dụng của acid dạ dày tiết ra tới niêm mạc dạ dày, hạn chế hoặc loại bỏ những kích thích có hại để dạ dày nghỉ ngơi giúp các tổn thương mau lành.

Những nguyên tắc trong thực hiện chế độ dinh dưỡng giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn, hấp thụ hiệu quả hơn cần thực hiện bao gồm:

  • Ăn thức đã nấu chín, những thức ăn cứng nên ninh nhừ, không nên dùng thực phẩm tái hay sống.
  • Khi nhai thức ăn nên nhai kỹ, ăn chậm. Việc nghiền nhỏ thức ăn trước khi nuốt vào dạ dày giúp quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tốt hơn.
  • Nên chia thành nhiều bữa khoảng từ 4-5 bữa ăn mỗi ngày, không ăn quá no một lúc.
  • Khi ăn nhiều bữa để thường xuyên có tác dụng trung hòa acid, mỗi bữa nên ăn nhẹ để khỏi gây căng dạ dày vì căng dạ dày dễ kích thích dạ dày tiết nhiều acid.
  • Không nên ăn quá nhiều canh dùng cùng với bữa cơm.
  • Không nên vừa ăn cơm vừa làm việc hay tập chung xem ti vi.
  • Ăn xong không nên lao động nặng hay chạy nhảy ngay.

2.1. Thực phẩm người bệnh loét dạ dày tá tràng nên ăn

  • Protein nạc: Thịt gia cầm bỏ da, thịt bò, cá, trứng, đậu phụ, đậu Hà Lan… là những nguồn cung cấp protein ít chất béo tốt cho người bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng.
  • Các loại cá béo: Cá hồi, cá thu và cá mòi cung cấp axit béo omega-3 có thể làm giảm viêm và có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa một vết loét khác.
  • Bánh mì và ngũ cốc: Bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt và ngũ cốc nguyên hạt hoặc đã tách hạt như: yến mạch, hạt quinoa, kê, miến… là những nguồn cung cấp chất xơ dồi dào nên đưa vào chế độ ăn uống của người bệnh.
  • Rau: Các loại rau lá xanh, rau màu đỏ tươi và cam, rau họ cải (như bông cải xanh, súp lơ và cải xoăn) chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa đặc biệt tốt cho sức khỏe tổng thể và bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng.
Chế độ ăn cho người bệnh loét dạ dày tá tràng- Ảnh 2.

Thực phẩm như sữa chua cung cấp men vi sinh (vi khuẩn có lợi) có lợi cho người bệnh loét dạ dày tá tràng.

  • Trái cây: Trái cây tươi như các loại quả mọng, táo, nho, lựu… chứa chất xơ và chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe người bệnh. Trong trường hợp ăn trái cây họ cam quýt gây kích thích trào ngược thì không nên ăn.
  • Sữa lên men: Như sữa chua cung cấp men vi sinh (vi khuẩn có lợi) cùng với protein, vì vậy sữa chua lên men là lựa chọn tốt.
  • Các loại thảo mộc và gia vị: Người bệnh có thể sử dụng hầu hết các loại thảo mộc và gia vị nhẹ vì chúng là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa. Một số loại nên ăn bao gồm: nghệ, quế, gừng và tỏi, chúng có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Đối với chất tạo ngọt, nên sử dụng mật ong thay đường.

2.2. Thực phẩm người bệnh loét dạ dày tá tràng cần hạn chế

  • Đồ uống có cồn: Trong một bài báo được công bố trên "American Journal of Gastroenterology", các nhà nghiên cứu khẳng định rằng, uống rượu khiến chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản trở nên tồi tệ hơn, ảnh hưởng tới bệnh viêm loét dạ dày thực quản. Rượu có thể gây kích ứng và làm xói mòn niêm mạc dạ dày và ruột non. Vì thế người bị viêm loét dạ dày tá tràng nên tránh để làm giảm nguy cơ bị viêm hoặc xuất huyết.
  • Caffeine và đồ uống có ga: Người bệnh nên hạn chế hoặc ngừng uống cà phê, trà và nước ngọt có chứa caffein. Chúng có thể làm tăng sản xuất axit trong dạ dày.
Chế độ ăn cho người bệnh loét dạ dày tá tràng- Ảnh 3.

Những thực phẩm người bệnh loét dạ dày tá tràng cần tránh.

  • Thực phẩm nhiều gia vị (cay, mặn) và có tính axit: Những người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nên tránh các thức ăn nhiều gia vị như ớt, nước sốt nóng. Những thực phẩm này có thể làm tăng axit dạ dày, gây trào ngược dạ dày thực quản và làm trầm trọng thêm các triệu chứng liên quan đến viêm loét dạ dày.

  • Các thực phẩm giàu axit gây ra khó chịu ở một số bệnh nhân bị loét dạ dày. Axit xitric có nhiều trong chanh, cam, bưởi, dứa, nước ép trái cây, mứt và thạch.
  • Đồ chiên rán dầu mỡ: Thực phẩm được chiên trong dầu ở nhiệt độ cao mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa, có thể dẫn đến đau bụng và đầy hơi. Do đó thức ăn được chế biến theo cách này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm loét dạ dày và làm đảo lộn lớp bảo vệ tự nhiên của đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, đồ chiên rán chứa nhiều chất béo và muối và có thể được chiên đi chiên lại nhiều lần, càng có tác động xấu đến đường ruột và sức khỏe.

3. Một số lưu ý để phòng ngừa bệnh hiệu quả

Đối với những người đã bị bệnh hoặc chưa bị bệnh cũng cần giữ cho mình lối sống và thói quen lành mạnh để phòng bệnh hiệu quả và giúp hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh:

  • Nên ăn các thực phẩm nấu chín hoàn toàn.
  • Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, giàu trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,…
  • Tránh xa các đồ uống có cồn.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn để tránh nhiễm khuẩn.
  • Không nên làm việc quá sức, thức quá khuya, tránh căng thẳng.
  • Duy trì tập thể dục thể thao điều độ để nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường sức khỏe.
  • Khi có biểu hiện của bệnh cần đi khám sớm để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Đau bụng, viêm loét dạ dày: Thận trọng với thủng dạ dày - tá tràngĐau bụng, viêm loét dạ dày: Thận trọng với thủng dạ dày - tá tràng

SKĐS - Thủng ổ loét là biến chứng nặng nề và trầm trọng của bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng. Đây là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao, cần được phẫu thuật cấp cứu sớm.


Nhật Hiếu
Ý kiến của bạn