Đau thắt lưng do nhiều nguyên nhân, thoái hóa cột sống là nguyên nhân phổ biến nhất, đặc biệt ở người cao tuổi.
Chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm đau và hỗ trợ điều trị đau thắt lưng. Việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn giảm viêm, tăng cường sức khỏe xương khớp, từ đó góp phần làm dịu các cơn đau nhức ở vùng thắt lưng.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho bệnh nhân hội chứng đau thắt lưng
Chế độ ăn uống có thể quan trọng đối với những người bị đau thắt lưng vì nó có thể ảnh hưởng đến mức độ viêm trong cơ thể. Ăn một chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đường và chất béo không lành mạnh có thể góp phần gây viêm, trong khi chế độ ăn nhiều thực phẩm nguyên chất, trái cây, rau và chất béo lành mạnh có thể giúp giảm viêm và giảm đau.
Ăn thực phẩm chống viêm: Nhiều nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn giàu thực phẩm chống viêm có thể làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể, từ đó giảm đau và sưng tấy.
Cung cấp dưỡng chất cho xương: Các chất dinh dưỡng như canxi, vitamin D giúp xương chắc khỏe, giảm nguy cơ loãng xương và các bệnh về cột sống.
Điều chỉnh cân nặng: Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đau lưng. Chế độ ăn hợp lý giúp kiểm soát cân nặng, giảm áp lực lên cột sống.
Cải thiện chức năng tiêu hóa: Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng, hỗ trợ quá trình hồi phục.
2. Các dưỡng chất cần thiết cho bệnh nhân hội chứng đau thắt lưng
Đau thắt lưng vùng thấp là một vấn đề sức khỏe phổ biến, ảnh hưởng đến nhiều người. Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc giảm đau và hỗ trợ quá trình điều trị. Dưới đây là một số dưỡng chất cần thiết mà bệnh nhân đau thắt lưng vùng thấp nên bổ sung:
Canxi: Canxi là thành phần chính của xương, giúp xương chắc khỏe nên được lựa chọn là thực phẩm bổ sung hằng ngày cho người bị đau lưng, thoái hóa cột sống, thoát bị đia đệm, loãng xương… Canxi không những giúp giảm được tình trạng đau lưng mà còn giúp kích thích quá trình tái tạo tế bào, giữ cho xương và khớp ở vị trí ổn định, tăng khả năng hồi phục, hỗ trợ giảm sưng, viêm, ê mỏi xương khớp,…
Vitamin D: Thiếu vitamin D có thể gây ra đau xương và yếu cơ. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả và duy trì lượng cần thiết cho cơ thể. Mật độ xương được duy trì, các cơn đau lưng sẽ giảm dần theo thời gian. Bên cạnh đó, vitamin D còn có tác dụng ngăn ngừa tình trạng loãng xương, chống viêm, thoái hóa khớp, bảo vệ khỏi bệnh lý thoái hóa cột sống lưng…
Omega-3: Omega-3 có tác dụng chống viêm, giảm đau và hồi phục những tổn thương xương khớp. Thêm vào đó, acid béo omega - 3 còn có khả năng bảo vệ bệnh lý về tim mạch, giúp xương khớp chắc khỏe và tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, việc bổ sung chất dinh dưỡng này vào cơ thể mỗi ngày sẽ mang lại nhiều lợi ích như giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống tiến triển, tăng sự dẻo dai và độ bền của xương khớp, kích thích tiết dịch khớp, ngừa tình trạng cứng khớp làm cho cột sống khó vận động…
Protein: Protein là thành phần chính của cơ bắp, dây chằng và các mô liên kết khác. Khi bị đau lưng, các mô này thường bị tổn thương. Protein giúp cơ thể sửa chữa những tổn thương này, tăng cường sức mạnh cho cơ bắp và hỗ trợ cột sống. Một số nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn giàu protein có thể giúp giảm viêm, một trong những nguyên nhân chính gây đau lưng. Hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây viêm và nhiễm trùng, từ đó giảm đau và thúc đẩy quá trình hồi phục.
Các vitamin và khoáng chất khác như magie giúp thư giãn cơ bắp, giảm đau; Kẽm tham gia vào quá trình sửa chữa mô, vitamin C tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại viêm nhiễm.
3. Những thực phẩm nên ăn và nên hạn chế cho người mắc hội chứng đau thắt lưng
Thực phẩm nên ăn
Thực phẩm giàu canxi: Sữa, sữa chua, phô mai, rau lá xanh đậm (cải xoăn, cải kale), đậu nành, hạnh nhân.
Thực phẩm giàu vitamin D: Cá béo (cá hồi, cá ngừ), lòng đỏ trứng, nấm, sữa bổ sung vitamin D.
Thực phẩm giàu omega-3: Cá trích, cá mòi, trứng cá muối, cá ngừ, hàu, cá thu, hạnh nhân, hạt lanh, cá cơm, dầu gan cá tuyết, quả óc chó, hạt chia, đậu nành,…
Trái cây và rau củ: Ơt chuông, cam, kiwi, quả anh đào (cherry), bông cải xanh, dâu tây, dưa lưới vàng, khoai tây và súp lơ trắng,…
Protein: Protein từ thịt (thịt gà không da, thịt bò nạc), trứng, cá hồi, cá ngừ...; protein từ thực vật (đậu nành, đậu lăng, đậu Hà Lan, các loại hạt (hạnh nhân, hạt điều, hạt bí)... Tuy nhiên, không nên lạm dụng protein động vật vì tiêu thụ quá nhiều có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe khác. Nên kết hợp cả protein từ động vật và thực vật để đảm bảo cung cấp đầy đủ các acid amin cần thiết.
Uống đủ nước: Giúp duy trì độ ẩm cho các đĩa đệm.
Những thực phẩm nên hạn chế
Thực phẩm chế biến sẵn và giàu chất béo bão hòa: Đồ ăn nhanh, đồ hộp, xúc xích, thịt nguội, đồ chiên rán... chứa nhiều muối, đường, chất béo không lành mạnh, chất bảo quản, gây viêm và tăng cân, gây áp lực lên cột sống càng khiến đau thắt lưng.
Thực phẩm chứa nhiều đường: Nước ngọt, bánh ngọt, kẹo, các loại đồ uống có đường... có thể gây viêm, làm tăng cân, gây áp lực lên cột sống.
Thực phẩm cay nóng: Ớt, tiêu, các loại gia vị cay... có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, làm tăng cảm giác đau.
Đồ uống có cồn và caffein: Bia, rượu vang, rượu mạnh, trà, cà phê... gây mất nước tăng thêm đau thắt lưng.
Lưu ý: Mỗi người có một cơ địa khác nhau, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp nhất. Chế độ ăn chỉ là một phần trong quá trình điều trị đau thắt lưng, cần kết hợp với các phương pháp điều trị khác như vật lý trị liệu, thuốc giảm đau.
Xem thêm: