Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Định - Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, hẹp van hai lá là bệnh lý van tim phổ biến, chiếm gần 60% trong tổng số các trường hợp có bất thường về van tim. Bệnh thường xảy ra ở nữ giới và có thể gây nhiều biến chứng, trong đó nguy hiểm nhất là đột qụy, suy tim, nhồi máu cơ tim.
Hẹp van hai lá là một tình trạng tim mạch nghiêm trọng, trong đó van hai lá của tim không mở hết được, gây cản trở dòng máu chảy từ tâm nhĩ trái vào tâm thất trái. Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh hẹp van hai lá
PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Định cho biết, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh hẹp van hai lá. Một chế độ ăn cân bằng, hợp lý sẽ giúp giảm gánh nặng lên tim, kiểm soát huyết áp và cải thiện các triệu chứng của bệnh.
Giảm gánh nặng lên tim: Dinh dưỡng khoa học, lành mạnh giúp giảm huyết áp, giảm cholesterol, từ đó giảm áp lực lên tim.
Kiểm soát cân nặng: Cân nặng quá mức sẽ làm tăng gánh nặng lên tim.
Cải thiện các triệu chứng: Giảm phù nề, khó thở và mệt mỏi.
Ngăn ngừa biến chứng: Giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, suy tim và các biến chứng khác.
2. Các chất dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh hẹp van hai lá
Kali: Kali đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tim mạch, đặc biệt đối với người bệnh hẹp van hai lá. Việc bổ sung đủ kali thông qua chế độ ăn uống hợp lý giúp kiểm soát huyết áp, ổn định nhịp tim và giảm nguy cơ các biến chứng. Nguồn thực phẩm: Chuối, khoai tây, bơ, rau lá xanh đậm như cải xoăn, rau bina.
Omega-3: Omega-3 là một dưỡng chất quan trọng đối với người bệnh hẹp van hai lá. Việc bổ sung đủ Omega-3 giúp bảo vệ tim mạch, giảm nguy cơ biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nguồn thực phẩm: Cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích, hạt chia, hạt lanh.
Chất xơ: Mặc dù không trực tiếp điều trị hẹp van hai lá nhưng việc bổ sung đủ chất xơ vào chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch, bao gồm cả tăng huyết áp, cholesterol cao và đái tháo đường. Điều này gián tiếp hỗ trợ sức khỏe tim mạch và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh hẹp van hai lá. Nguồn thực phẩm: Rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
Protein: Protein đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hẹp van hai lá. Việc bổ sung đủ protein giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp, cải thiện chức năng tim và tăng cường hệ miễn dịch. Nguồn thực phẩm: Thịt nạc, cá, trứng, đậu, hạt.
3. Thực phẩm nên ăn và nên tránh cho người bệnh hẹp van hai lá
3.1. Thực phẩm nên ăn
Ngũ cốc nguyên hạt: Gạo lứt, bánh mì nguyên hạt, yến mạch... chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu và chất xơ hỗ trợ sức khỏe tim mạch,
Trái cây và rau quả: Giàu chất chống oxy hóa, vitamin và chất xơ, trái cây và rau quả giúp giảm viêm, tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ sức khỏe tim mạch tổng thể. Các loại quả mọng, trái cây họ cam quýt và các loại rau nhiều màu sắc tốt cho người bệnh hẹp van hai lá.
Thịt nạc: Ức gà không da và thịt bò ăn cỏ tốt cho người bệnh hẹp van hai lá, thịt nạc không chỉ cung cấp protein cần thiết mà còn chứa nhiều acid béo có lợi, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.
Các loại cá béo: Cá hồi, cá ngừ hoặc cá mòi giàu acid béo omega-3 chống viêm, bảo vệ tim.
Cây họ đậu: Đậu, đậu lăng và đậu Hà Lan cung cấp sự kết hợp giàu chất dinh dưỡng giữa chất xơ và protein, giúp kiểm soát cholesterol, ổn định lượng đường trong máu, có lợi cho tim.
Quả hạch: Quả óc chó, hạnh nhân và hạt dẻ cười là những loại hạt tốt cho tim, giàu acid béo omega-3, chất béo không bão hòa và chất chống oxy hóa, thúc đẩy chức năng tim và giảm viêm.
Sữa: Cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu mới nổi cho thấy rằng sữa giàu chất béo có thể không làm tăng nguy cơ tim mạch và thậm chí có thể mang lại lợi ích phòng ngừa.
3.2. Thực phẩm nên tránh
Thực phẩm có hàm lượng natri cao: Súp và nước dùng đóng hộp, dưa chua và thịt chế biến, đồ nướng, gia vị trộn salad, thực phẩm đóng gói… Hạn chế ăn muối để ngăn ngừa tình trạng giữ nước và giảm căng thẳng cho tim.
Thực phẩm chiên và chất béo chuyển hóa: Gà rán, khoai tây chiên, bánh khoai, bánh chuối chiên, bánh rán, bắp rang bơ, mì ăn liền… Giảm thực phẩm chiên và chất béo chuyển hóa vì chúng có thể làm tăng tình trạng viêm và góp phần tích tụ cholesterol tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
Thực phẩm nhiều đường: Nước trái cây đóng hộp, trái cây sấy khô, nước sốt và xirô, bánh quy, bánh ngọt… Lượng đường dư thừa có thể góp phần gây viêm, tăng cân, huyết áp cao và tăng chất béo trung tính.
Rượu và thuốc lá: Uống rượu, hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến thuốc điều trị và sức khỏe tim mạch.
PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Định lưu ý, trước khi thay đổi chế độ ăn, người bệnh hẹp van hai lá nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Theo dõi cân nặng thường xuyên để điều chỉnh chế độ ăn phù hợp và tập thể dục đều đặn kết hợp với chế độ ăn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.
Xem thêm: