Chế độ ăn cho người bệnh đau dạ dày

17-03-2024 13:21 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Đau dạ dày gây ra những triệu chứng khó chịu, dai dẳng. Ngoài việc tuân thủ điều trị, người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn phù hợp, những thực phẩm nên ăn và nên tránh để bệnh mau khỏi.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh đau dạ dày ngày càng tăng và trẻ hóa (chiếm 11% tới 15% dân số). Tuy nhiên, có những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng giúp người đau dạ dày có thể giảm được các cơn đau mà không phải ai cũng biết.

Chế độ ăn trong bệnh lý dạ dày nhằm mục đích làm giảm tiết acid, giảm bất lợi của acid lên niêm mạc dạ dày, hạn chế hoặc loại bỏ những kích thích có hại để dạ dày nghỉ ngơi và các tổn thương mau lành.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bị đau dạ dày

Chế độ ăn cho người bệnh đau dạ dày- Ảnh 1.

Khi bị đau dạ dày điều chỉnh chế độ ăn là rất quan trọng.

Khi bị đau dạ dày, ngoài thực hiện sinh hoạt, nghỉ ngơi cần có một chế độ ăn uống phù hợp để hạn chế những cơn đau khó chịu. Ăn uống đúng cách cũng giúp giảm các triệu chứng đau, đầy bụng, khó tiêu, giảm tiết acid, giảm kích thích đường tiêu hoá.

Thói quen sinh hoạt không lành mạnh, căng thẳng, thiếu ngủ hay chế độ ăn uống không hợp lý, ăn uống thất thường, bỏ bữa, ăn nhiều chất béo, lạm dụng rượu bia, đồ uống có gas, thực phẩm có tính acid cao… là nguyên nhân kích thích tiết ra nhiều acid dịch vị gây tổn thương niêm mạc dạ dày và trào ngược thực quản. Vì vậy, đối với người bị trào ngược dạ dày - thực quản hay viêm loét dạ dày - tá tràng, một trong những biện pháp đầu tiên cần làm là điều chỉnh chế độ ăn uống.

Nguyên tắc ăn uống đối với người đau dạ dày

Người bị viêm loét dạ dày nên ăn các thức ăn loãng, mềm, nhừ, dễ tiêu và đủ dinh dưỡng để bảo vệ niêm mạc dạ dày. Ăn thức ăn có tính kiềm để trung hòa dịch vị, thấm hút bớt dịch vị giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày như: sữa, trứng, bột nếp, bánh mì, cơm, xôi, nghệ, gừng, mật ong... Nên chia nhỏ bữa ăn để giảm tải và trung hòa acid dạ dày.

Người đau dạ dày cần ăn điều độ tức là lượng thức ăn không quá ít và không quá nhiều. Nếu người đau dạ dày ăn ít quá, khi đói cũng sẽ đau bụng và nếu ăn nhiều quá, khi no cũng sẽ đau bụng. Vì vậy, người đau dạ dày cần ăn ngay khi đói và dừng khi hết đói. Lưu ý, người đau dạ dày không nên nhịn ăn.

Nếu cơ thể không đáp ứng các thức ăn đặc, đừng cố ăn. Thay vào đó, hãy tiêu thụ những thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, chia thành từng bữa nhỏ hoặc ăn những thực phẩm có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, giúp cho việc chữa lành các vết loét hoặc có khả năng giúp giảm tiết acid và các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất thiết yếu như kali, canxi và natri…

Cần chọn những thực phẩm giúp làm dịu, bao bọc niêm mạc dạ dày, không làm tổn thương vết loét và tránh những thực phẩm gây kích ứng dạ dày, khiến dạ dày tiết nhiều acid có thể làm cho các triệu chứng xấu hơn.

  • Người đau dạ dày cần ăn đủ 3 bữa một ngày và ăn thêm một số bữa phụ.
  • Ăn chậm, nhai kỹ, sau ăn không nên chạy nhảy, hoạt động mạnh.
  • Nên ăn thức ăn ấm khoảng 40 tới 50 độ C.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho người đau dạ dày

Một thực đơn khoa học và hợp lý cho người bị đau dạ dày không chỉ làm giảm cơn đau dạ dày và các triệu chứng mà còn đảm bảo cho tình trạng sức khỏe. Những loại thực phẩm dưới đây nên có trong thực đơn cho người đau dạ dày.

Rau xanh và trái cây chứa nhiều vitamin, khoáng chất

Chế độ ăn cho người bệnh đau dạ dày- Ảnh 3.

Rau xanh và trái cây tốt cho người bệnh đau dạ dày.

Rau xanh và trái cây không chỉ chứa nhiều vitamin, khoáng chất có lợi cho cơ thể mà còn là nguồn bổ sung chất xơ giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả nên đặc biệt có lợi đối với người bị đau dạ dày khi ngăn ngừa tình trạng táo bón, các vấn đề về đường ruột và tăng cường trao đổi chất.

Ngoài ra, lượng nước dồi dào trong rau xanh và trái cây tươi còn có tác dụng trung hòa dịch vị dạ dày, giảm tính acid của dịch tiêu hóa dư thừa được tiết ra.

Thực phẩm giàu Omega-3

Omega-3 là một loại acid béo có tác dụng chống sưng viêm hiệu quả, đặc biệt đối với viêm loét dạ dày. Omega-3 còn có tác dụng trong phục hồi những tổn thương do viêm loét ở niêm mạc dạ dày.

Những thực phẩm chứa hàm lượng Omega -3 cao gồm: Cá hồi, cá thu, bơ, hạnh nhân, quả óc chó...

Thực phẩm chứa nhiều protein

Chế độ ăn cho người bệnh đau dạ dày- Ảnh 4.

Trứng, thịt, cá hồi, sữa, các loại hạt... là những thực phẩm chứa nhiều protein.

Cung cấp đủ protein giúp cải thiện tình trạng suy nhược sức khỏe và mệt mỏi do những cơn đau dạ dày gây ra. Nên bổ sung protein từ những loại thực phẩm được chế biến mềm và kỹ, các nguồn protein đảm bảo như: Trứng, thịt, cá hồi, sữa, các loại hạt…

Thực phẩm giàu tinh bột

Nhóm thực phẩm này ngoài đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho các hoạt động và giúp kiểm soát tốt những cơn đau dạ dày. Tinh bột có khả năng thấm hút dịch vị thừa có tính acid ở và giúp tăng sinh lớp nhầy ở niêm mạc dạ dày. Cả hai công dụng này đều tăng cường bảo vệ dạ dày khỏi bị viêm loét, từ đó kiểm soát được những cơn đau do viêm loét niêm mạc dạ dày gây ra.

Uống đủ nước

Người bị đau dạ dày nên uống đủ nước mỗi ngày, khoảng 2,5 - 3 lít nước. Cung cấp đủ nước cho cơ thể không chỉ giúp cân bằng thân nhiệt, điện giải mà còn tăng khả năng trao đổi chất của cơ thể. Quan trọng hơn đối với bệnh đau dạ dày, uống đủ nước giúp trung hòa được dịch vị acid dư thừa và ngăn ngừa tình trạng táo bón hiệu quả.

3. Thực phẩm người đau dạ dày nên ăn

Về đồ ăn:

Cơm trắng

Chế độ ăn cho người bệnh đau dạ dày- Ảnh 5.

Cơm trắng.

Cơm trắng là lựa chọn tốt khi đau dạ dày. Cơm trắng có tác dụng làm giảm các cơn đau dạ dày hiệu quả. Nó hấp thụ các chất lỏng bên trong dạ dày làm giảm nguy cơ tiêu chảy cũng như các triệu chứng khó chịu của đau dạ dày. Cơm trắng là một loại carbohydrate tinh chế, cũng ít chất xơ và sẽ giúp ngăn chặn các triệu chứng tiêu chảy thông thường. Tránh ăn gạo lứt vì dạ dày có thể khó tiêu hóa.

Bánh mì

Người đau dạ dày thường được khuyên phải kiêng khem ăn uống khá nhiều, tuy nhiên, có một số nhóm thực phẩm mà người đau dạ dày nên dùng để làm giảm bớt cơn đau tức thì: bánh mì (đặc biệt là bánh mì nướng) có thể hút dịch acid tiết ra trong dạ dày. Bánh mì nướng làm từ bột mì trắng là loại ít chất xơ có thể giúp trung hòa acid dạ dày dư thừa và ngừng tiêu chảy. Tránh ăn bánh mì nướng làm từ ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ như lúa mì vì chúng có thể làm cho các triệu chứng liên quan đến tiêu chảy trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, lưu ý, không nên thêm sốt hay gia vị ớt vào bánh mì, mứt…. Các loại thực phẩm này sẽ dễ gây đau dạ dày. Vì vậy, chủ yếu sử dụng bánh mì không.

Bánh quy giòn

Giống như bánh mì nướng, bánh quy giòn là nguồn cung cấp carbs mặn có thể giúp xoa dịu cơn đau. Bánh quy giòn làm bằng bột mì trắng tinh chế hoặc các nguyên liệu ít chất xơ khác thường nhạt và dễ tiêu hóa, khiến chúng trở thành lựa chọn thông minh khi cảm thấy khó chịu ở dạ dày.

Ngoài ra, ăn bánh quy mặn có thể giúp bổ sung lượng natri mà cơ thể có thể đã mất do đổ mồ hôi, nôn hoặc tiêu chảy.

Chuối

Chế độ ăn cho người bệnh đau dạ dày- Ảnh 6.

Chuối.

Rất nhiều người đau dạ dày e ngại ăn chuối nhưng chuối chín sẽ không khiến chúng ta bị tăng cơn đau dạ dày mà ngược lại, nó rất tốt bởi cung cấp một lượng chất xơ hòa tan.

Chuối rất dễ tiêu hóa và được biết là có tác dụng giảm đau dạ dày. Chuối có tác dụng kháng acid tự nhiên và có thể làm giảm các triệu chứng như khó tiêu. Loại trái cây có hàm lượng kali cao này cũng làm tăng sản xuất chất nhầy trong dạ dày giúp ngăn ngừa kích ứng niêm mạc dạ dày.

Do có hàm lượng chất xơ cao, đặc biệt là pectin - chất xơ hòa tan nên chuối là sự lựa chọn tuyệt vời để hỗ trợ tiêu chảy. Chúng cũng dễ tiêu hóa và giúp hấp thụ nước từ ruột, hỗ trợ liên kết phân lỏng. Chuối cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể tiếp thêm sinh lực cho cơ thể sau cơn tiêu chảy suy nhược.

Tuy nhiên, cơ thể mỗi người một khác, chúng ta nên lắng nghe cơ thể mình, nếu khi ăn loại thực phẩm nào mà thấy làm tăng nặng tình trạng đau dạ dày hơn thì nên tránh.

Khoai tây

Một thực phẩm tốt khác cho người bị đau dạ dày là khoai tây. Giống như chuối, khoai tây cũng chứa rất nhiều kali. Một củ khoai tây trắng nhỏ, khoảng 92g, chứa 374mg kali. Ăn khoai tây để giúp làm dịu dạ dày, hãy nấu chín và ăn đơn giản không cần thêm bất kỳ gia vị nào.

Khoai tây chứa carbohydrate đơn giản, dễ tiêu hóa và sẽ cung cấp cho cơ thể nhiên liệu. Khoai tây thường có thể giúp giảm triệu chứng tiêu chảy bằng cách hấp thụ lượng nước dư thừa trong cơ thể. Trong khoai tây có chứa chất cellulose có tác dụng giảm bớt những cơn đau dạ dày và giảm tiết lượng acid trong dạ dày từ đó giúp làm lành các vết loét. Loại thực phẩm này rất lành tính với dạ dày.

Canh, súp, cháo

Canh, súp và cháo là loại thức ăn rất dễ tiêu, chứa nhiều dưỡng chất lại khá đơn giản khi chế biến. Canh, súp, cháo sẽ giúp làm dịu dạ dày nhưng nên chế biến nhạt. Khi bị đau dạ dày, có thể tham khảo những loại canh, súp, cháo nấu với bí đỏ, hạt sen, long nhãn, bắp cải, nấm hương và các loại thịt nạc...

Cháo là loạt thực phẩm rất rốt cho người đau dạ dày bởi người đau dạ dày nên ăn thức ăn mềm. Đặc biệt, cháo còn tạo ra lớp bao phủ đối với tầng niêm mạc dạ dày và làm cho người đau dạ dày giảm cơn đau.

Về đồ uống

Người đau dạ dày nên uống nước đúng cách. Thời điểm uống nước tốt nhất là lúc ngủ dậy và trước bữa ăn khoảng 1 giờ.

Các loại nước ép trái cây và các loại trà rất tốt. Nhưng lưu ý tránh dùng nước quả chua.

Nước ép táo:

Chế độ ăn cho người bệnh đau dạ dày- Ảnh 7.

Nước ép táo.

Nước ép táo có hàm lượng pectin cao giúp thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa và đường ruột. Pectin là một hợp chất được tìm thấy trong nhiều loại trái cây. Điều này cho phép hệ thống tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn. Vitamin C trong táo giúp tăng sức đề kháng cho dạ dày, tá tràng, từ đó làm giảm nguy cơ vi khuẩn HP xâm nhập vào dạ dày, ngăn ngừa viêm loét dạ dày hiệu quả.

Nước ép táo cũng có ít chất xơ hơn táo tươi nguyên quả, vì vậy dễ chịu hơn cho dạ dày và có thể giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy. Một quả táo tươi cỡ vừa còn nguyên vỏ chứa 4,37g chất xơ so với chỉ 1,24g chất xơ trong một cốc nước ép táo không đường cỡ nhỏ dành cho bữa ăn nhẹ.

Trà hoa cúc:

Hầu hết các loại trà thảo dược đều hữu ích trong việc giảm đau dạ dày nhưng đặc tính chống viêm của hoa cúc trở thành một lựa chọn tốt trong việc làm dịu cơn đau.

Trà hoa cúc giúp giảm cảm giác đầy hơi và chướng bụng có thể gây khó chịu cho dạ dày. Trà hoa cúc làm giảm khí trong bụng, làm giảm cảm giác đau do co thắt dạ dày. Loại trà này cũng chứa các đặc tính chống viêm có thể giúp làm dịu các tình trạng dạ dày.

Căng thẳng thường làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược acid cùng với các bệnh về dạ dày thực quản khác. Trà hoa cúc mang lại tác dụng làm dịu tự nhiên, có thể giúp giảm căng thẳng và làm dịu cơn đau dạ dày.

Trà bạc hà:

Chế độ ăn cho người bệnh đau dạ dày- Ảnh 8.

Trà bạc hà.

Nếu cơn đau dạ dày kéo dài khiến bạn buồn nôn, khó tiêu, ói mửa, hãy uống trà bạc hà. Một cách khác là bạn có thể nhai một vài lá bạc hà rồi nuốt hoặc làm nước ép bạc hà để dùng thường xuyên. Đối với những người bị đau dạ dày sau khi ăn cũng có thể áp dụng phương pháp này để giảm đau hiệu quả.

Sữa chua không béo:

Người đau dạ dày nên ăn sữa chua bởi sữa chua có probiotic. Vi khuẩn tiết ra các enzyme gây tổn hại cho niêm mạc, nhưng trong sữa chua có probiotic sẽ làm trung hòa các độc tố và bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Sữa chua rất giàu men vi sinh hoặc vi khuẩn và nấm men tốt giúp duy trì, cân bằng sức khỏe đường ruột tốt. Ăn một ít sữa chua khi đau dạ dày có thể giúp giảm tiêu chảy.

Nước dừa:

Nước dừa là loại đồ uống tốt cho những bệnh nhân viêm loét dạ dày vì nước dừa rất giàu kali, là một chất điện giải có tác dụng cân bằng acid trong dạ dày nên làm giảm đau hiệu quả.

Mặc dù nước dừa có nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể tuy nhiên người bệnh dạ dày chỉ nên uống tối đa 3 – 4 trái/tuần, uống quá nhiều nước dừa có thể dẫn tới tình trạng ớn lạnh, đầy bụng.

4. Thực phẩm người đau dạ dày không nên ăn

Người đau dạ dày cần tránh ăn các loại thức ăn dễ gây kích ứng cho cơ thể. Khi dạ dày đang bị tổn thương, có những vết loét, nếu ăn thức ăn dễ gây kích ứng như cay, nóng thì có thể làm cho tình trạng đau thêm trầm trọng hơn.

Người đau dạ dày sẽ gặp nhiều tổn thương niêm mạc dạ dày. Khi niêm mạc phải đối diện với thức ăn thì cần phải để ý tới các loại thức ăn dễ gây kích ứng với niêm mạc dạ dày.

Đồ chiên, rán:

Chế độ ăn cho người bệnh đau dạ dày- Ảnh 9.

Thực phẩm chiên, rán không tốt cho người bị đau dạ dày.

Người đau dạ dày không nên ăn thực phẩm chiên, rán nhiều dầu mỡ. Thực phẩm chiên, rán rất giàu dầu, mỡ và chất béo thường khiến dạ dày khó tiêu hóa hơn. Các loại thực phẩm này khi vào dạ dày sẽ dễ gây ra kích ứng, làm tăng tiết lượng acid trong dạ dày. Khi bị đau dạ dày, hãy tránh xa những món chiên rán để giảm bớt các triệu chứng.

Đồ ăn cay:

Ăn cay có thể gây cảm giác buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Nếu bị đau dạ dày tránh gia vị cay như ớt, tỏi, hạt tiêu... để không kích thích hệ tiêu hóa và tăng tình trạng nôn mửa hoặc tiêu chảy.

Các sản phẩm có chất béo từ sữa như sữa, phô mai hoặc kem:

Cơ thể khó tiêu hóa sữa, phô mai và kem vì chúng chứa nhiều chất béo dễ gây co thắt đường tiêu hóa, làm chậm quá trình tiêu hóa và di chuyển thức ăn trong dạ dày gây táo bón. Chất béo cũng có thể làm tăng vận động của đường tiêu hóa, dễ gây tiêu chảy. Chế phẩm từ sữa có chứa lactose, uống quá nhiều lactose khiến tiêu chảy trầm trọng hơn, do đó, nên tránh khi bị đau dạ dày.

Trái cây và rau nhiều chất xơ:

Mặc dù trái cây và rau xanh rất tốt cho sức khỏe nhưng ăn các loại trái cây, rau sống, rau nhiều chất xơ khi bụng khó chịu hoặc đau dạ dày có thể khiến tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn. Nên tạm thời tránh xa thực phẩm nhiều chất xơ cho đến khi cơn đau dạ dày qua đi.

Caffeine hoặc rượu, bia:

Caffeine và rượu, bia đều có thể làm tăng nồng độ acid trong dạ dày dễ gây buồn nôn. Caffeine cũng có thể làm nặng thêm các triệu chứng tiêu chảy.

Trái cây có múi và thực phẩm có tính acid cao:

Thực phẩm có hàm lượng acid cao như trái cây họ cam quýt và cà chua có thể gây đau bụng, trào ngược acid, đặc biệt nếu dễ mắc hội chứng ruột kích thích. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng đã tồn tại, gây thêm chứng ợ nóng và buồn nôn. Ví dụ: nho, dứa, thực phẩm chế biến sẵn, đường là những thực phẩm có tính acid cao.

Đau dạ dày có thể thuyên giảm sau khi thay đổi chế độ dinh dưỡng hợp lý và áp dụng lối sống khoa học. Tuy nhiên, người bị đau dạ dày không nên chủ quan vì đau dạ dày có thể là dấu hiệu của các bệnh về đường tiêu hóa như: Viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày… vì vậy nên đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và thăm khám.

Đau dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền và cách điều trịĐau dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền và cách điều trị

SKĐS - Dạ dày hay còn gọi bao tử - là đoạn phình ra của ống tiêu hóa giống hình chữ J, một tạng trong phúc mạc nằm ở tầng trên mạc treo kết tràng ngang ở vùng thượng vị và ô dưới hoành trái.

Thuốc điều trị đau dạ dàyThuốc điều trị đau dạ dày

SKĐS – Có nhiều nguyên nhân gây đau dạ dày. Các thuốc điều trị đau dạ dày cần nhắm vào nguyên nhân gây bệnh.

Bài tập cho người bệnh đau dạ dàyBài tập cho người bệnh đau dạ dày

SKĐS - Ngày nay số người bị đau dạ dày có xu hướng ngày càng gia tăng và bệnh được coi là căn bệnh của xã hội hiện đại. Việc thực hiện một số bài tập thể chất có tác dụng hỗ trợ giảm triệu chứng bệnh và tăng cường chức năng hệ tiêu hóa.

Những câu hỏi thường gặp liên quan đến đau dạ dàyNhững câu hỏi thường gặp liên quan đến đau dạ dày

SKĐS - Đau dạ dày là tình trạng dạ dày bị tổn thương chủ yếu là do bị viêm loét. Cơn đau dạ dày có thể dữ dội hoặc âm ỉ rất khó chịu. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, thậm chí là ung thư dạ dày.



Bảo Châu
Ý kiến của bạn