Hà Nội

Chế độ ăn cho bệnh thoát vị bẹn người lớn

23-09-2024 10:22 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Sau khi mổ thoát vị bẹn, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối những chỉ định chăm sóc và điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bệnh cần phải lưu ý đến chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi để hỗ trợ việc điều trị, hồi phục.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh thoát vị bẹn người lớn

Theo các bác sĩ, người bị thoát vị bẹn không cần phải ăn uống kiêng khem ngặt nghèo. Ngược lại, người bệnh nên ăn uống đa dạng, đầy đủ dưỡng chất để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Những ngày đầu sau khi mổ, người bệnh nên ăn thức ăn mềm, loãng, dễ tiêu hóa như cháo, soup, canh hầm nhừ, sữa, sữa chua… Sau đó, người bệnh có thể ăn uống bình thường trở lại, tuy nhiên không nên ăn quá no trong một bữa, nên ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì chỉ ăn 3 bữa chính. Người bệnh nên ăn nhiều thịt, cá, ngũ cốc, rau xanh, hoa quả tươi… và nên uống nhiều nước.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh thoát vị bẹn người lớn

Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự hồi phục của bệnh nhân phẫu thuật thoát vị bẹn. Dinh dưỡng cung cấp nguyên liệu cho cơ thể sản xuất kháng thể và bạch cầu chống lại vi trùng. Bệnh nhân sau mổ thoát vị bẹn không cần phải ăn kiêng mà nên có chế độ ăn uống đa dạng, khoa học, lành mạnh nhằm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.

Chế độ ăn cho bệnh thoát vị bẹn người lớn- Ảnh 1.

Phương pháp phẫu thuật nội soi được ứng dụng trong điều trị thoát vị bẹn.

Ngoài chế độ ăn, sau mổ thoát vị bẹn, người bệnh nên chú ý đến chế độ sinh hoạt và vận động. Theo đó, người bệnh nên đi lại và hoạt động nhẹ nhàng. Khi đã khỏe hơn, nên vận động thường xuyên, tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng, không nên chơi những môn thể thao đòi hỏi phải nhảy nhiều như bóng rổ, bóng chuyền, hạn chế đi xe đạp… Người bệnh cần phải tái khám theo hẹn của bác sĩ để theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe sau khi mổ.

3. Gợi ý những món ăn cho người bệnh thoát vị bẹn người lớn

Sau mổ bệnh nhân cũng cần có một chế độ ăn phù hợp, trong những ngày đầu nên ăn uống thức ăn lỏng để giảm áp lực lên thành bụng, nên ăn dễ tiêu hóa như sữa, cháo, rau củ và ăn nhiều hoa quả.

Chế độ ăn cho bệnh thoát vị bẹn người lớn- Ảnh 2.

Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi giàu chất xơ và vitamin.

Nếu vết mổ còn phù nề, tạm thời người bệnh không ăn đồ nếp, hải sản đến khi hết phù.

Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi giàu chất xơ và vitamin để cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, hạn chế tình trạng táo bón.

3.1 Dinh dưỡng phòng ngừa táo bón

Thiếu hoạt động thể chất sau phẫu thuật kết hợp với thuốc giảm đau là nguyên nhân chính gây táo bón ở bệnh nhân thoát vị đang hồi phục. Tiêu thụ chất lỏng sẽ làm giảm bớt các triệu chứng này, mặc dù lượng chất lỏng phụ thuộc vào hoạt động thể chất cũng như khí hậu. Trung bình, bệnh nhân nên uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày.

Các lựa chọn thay thế có thể bao gồm nước ép trái cây 100%, trà, cà phê đã khử caffein (với hàm lượng đường tối thiểu) hoặc súp trong ít muối. Ngoài ra, hãy chọn các bữa ăn có chế độ ăn nhiều chất xơ, chẳng hạn như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, bánh mì nguyên hạt, adlay, yến mạch, v.v.).

3.2 Bữa ăn cân bằng để phục hồi

Bữa ăn cân bằng sẽ giúp cơ thể phục hồi. Hãy cân nhắc trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt cùng với các protein lành mạnh từ cá, thịt, trứng, đậu phụ, các loại hạt, sữa và các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa chua và phô mai. Tránh các thực phẩm giàu chất béo và calo cao nhưng có giá trị dinh dưỡng thấp, chẳng hạn như đồ uống xirô, khoai tây chiên, món tráng miệng, v.v.

Chế độ ăn cho bệnh thoát vị bẹn người lớn- Ảnh 3.

Hoặc ăn cá, thịt lợn, vịt, gà, trứng, hải sản, các loại hạt rang, đậu phụ, sữa và các nguồn ít chất béo khác.

3.3 Protein để phục hồi cơ bắp

Việc tiêu thụ đủ protein sau phẫu thuật là cần thiết để hỗ trợ hệ thống miễn dịch, giúp giảm viêm và thúc đẩy quá trình phục hồi cơ bắp. Bệnh nhân nên ăn 1 – 1,2 gam protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. Ví dụ, một người nặng 70 kg nên ăn 70 – 84 gam protein từ các nguồn như cá, thịt lợn, vịt, gà, trứng, hải sản, các loại hạt rang, đậu phụ, sữa và các nguồn ít chất béo khác.

Lưu ý về chế độ ăn của người bệnh thoát vị bẹn

  • Người bệnh không nên ăn quá no trong một bữa, nên chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa/ngày; ăn nhiều thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, trái cây tươi… Người bệnh nên uống nhiều nước để cung cấp đủ nước cho cơ thể, có thể uống nước lọc, sữa ấm, nước ép trái cây, sinh tố, nước cam…
  • Sau mổ, người bệnh nên kiêng đồ nếp, cay, bia rượu, cà phê, thuốc lá… Nên ăn nhiều cua, tôm để vết thương mau hồi phục.
Thoát vị bẹn người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trịThoát vị bẹn người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trị

SKĐS - Thoát vị bẹn là một bệnh rất phổ biến hiện nay, bệnh hay gặp ở nam giới. Thoát vị bẹn tuy ít gây ra biến chứng nguy hiểm song lại gây khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày.


BSCKII. Lê Thanh Hoài
Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Ý kiến của bạn