Trong "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Sốt rét" của Bộ Y tế cho biết: Bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium gây ra gồm: Plasmodium falciparum (P. falciparum), Plasmodium vivax (P. vivax), Plasmodium malariae (P. malariae), Plasmodium ovale (P. ovale), Plasmodium knowlesi (P. knowlesi). Muỗi Anopheles là véc tơ truyền bệnh.
Bệnh thường biểu hiện bằng những cơn sốt rét điển hình với ba triệu chứng: rét run, sốt, vã mồ hôi có tính chu kỳ tùy theo loài ký sinh trùng, sốt rét do P. falciparum có thể gây ra sốt rét ác tính dẫn tới tử vong nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Trong hướng dẫn cũng nêu các nguyên tắc kết hợp điều trị thuốc sốt rét đặc hiệu với điều trị hỗ trợ và nâng cao thể trạng.
Khi bị mắc sốt rét, tiểu cầu trong máu của bệnh nhân giảm đáng kể sẽ dẫn đến suy nhược, sốt cao, co giật. Không có chế độ ăn uống cụ thể cho bệnh sốt rét nhưng dinh dưỡng đầy đủ là rất quan trọng để cải thiện bệnh và giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe sau đó.
Một chế độ ăn uống cân bằng tốt bao gồm ngũ cốc, đậu, rau, trái cây, sữa và các sản phẩm từ sữa, cá (món hầm), thịt gà (súp/hầm), mật ong,... để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cũng như duy trì cân bằng chất lỏng được khuyến nghị cho người bệnh sốt rét.
I. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho bệnh nhân sốt rét
Chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hồi phục của bệnh nhân sốt rét. Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh hợp lý cho bệnh sốt rét cùng với việc duy trì lịch ăn uống đều đặn sẽ giúp ích trong quá trình chữa bệnh.
Người bệnh sốt rét cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng giúp cơ thể:
Tăng cường hệ miễn dịch: Sốt rét làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh khác. Chế độ ăn giàu dinh dưỡng sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh tật.
Bù đắp lượng nước và chất dinh dưỡng bị mất: Sốt cao, tiêu chảy, nôn mửa là những triệu chứng phổ biến của sốt rét, dẫn đến mất nước và điện giải. Chế độ ăn uống đầy đủ sẽ giúp bù đắp lượng nước và chất dinh dưỡng bị mất, giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.
Giảm nguy cơ biến chứng: Sốt rét có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, suy thận, suy gan. Chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng, bảo vệ sức khỏe của người bệnh.
Tăng cường sức khỏe tổng thể: Chế độ ăn uống cân bằng cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng thiết yếu giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của người bệnh, giúp nhanh chóng lấy lại sức khỏe sau khi khỏi bệnh.
Giữ cho cơ thể đủ nước: Nước giúp thải độc tố ra khỏi cơ thể và giúp phục hồi nhanh hơn. Ngoài ra, khi mắc bệnh sốt rét, người bệnh thường cảm thấy chán ăn. Uống nhiều nước có thể bù đắp điều đó và giúp người bệnh bổ sung năng lượng.
II. Các dưỡng chất cần thiết với bệnh nhân sốt rét
1. Người bệnh sốt rét cần nguồn protein lành mạnh
Để chống lại bệnh sốt rét, việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý là điều quan trọng. Bệnh sốt rét có thể dẫn đến mất cơ và khiến người bệnh cảm thấy yếu ớt, suy kiệt. Tăng lượng protein nạp vào là một trong những điều tốt nhất để người bệnh phục hồi sức khỏe sau bệnh sốt rét.
Protein là khối xây dựng của sự sống. Mọi tế bào và mô đều cần nó để tự sửa chữa. Vì vậy, tiêu thụ thêm protein vào thời điểm này có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi. Các loại đậu, quả hạch, rau xanh và các sản phẩm từ sữa là một số nguồn protein phổ biến.
2. Carbohydrate cung cấp năng lượng cho cơ thể
Chế độ ăn giàu protein với nhiều carbohydrate rất hữu ích trong việc sử dụng protein cho mục đích đồng hóa và xây dựng mô.
Carbohydrate cung cấp năng lượng cho cơ thể. Có chế độ ăn nhiều carbohydrate. Nên chọn gạo thay vì lúa mì và các loại ngũ cốc khác. Cơm giúp tiêu hóa dễ dàng và giải phóng năng lượng nhanh hơn. Các thực phẩm giàu carbohydrate bao gồm gạo, bánh mì, khoai tây, trái cây,...
3. Tăng cường tiêu thụ vitamin và khoáng chất
Khi mắc bệnh sốt rét cơ thể thường sốt cao, sốt dài ngày gây mất nước và chất điện giải rất phổ biến. Do đó việc tăng cường vitamin, khoáng chất rất cần thiết với người bệnh. Chế biến thực phẩm dưới dạng nước trái cây, món hầm, súp, nước cơm, cháo loãng, nước dừa, nước mía,... đều có lợi cho việc duy trì lượng vitamin cần thiết.
Vitamin, khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình phục hồi. Các vitamin, khoáng chất quan trọng cho bệnh nhân sốt rét bao gồm vitamin A, vitamin C, vitamin E, kẽm, sắt.
Người bệnh sốt rét nên ăn các thực phẩm giàu vitamin A và vitamin C như cà rốt, củ cải đường, đu đủ, trái cây, đặc biệt là trái cây họ cam quýt với phức hợp vitamin B rất hữu ích để tăng cường khả năng miễn dịch.
4. Cung cấp đủ nước đặc biệt cần thiết
Nước là dưỡng chất quan trọng nhất cho cơ thể, đặc biệt là khi bị sốt rét. Uống đủ nước giúp bù đắp lượng nước bị mất do sốt, tiêu chảy, nôn mửa. Nước giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng đến các tế bào và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.
Người bị sốt rét nên uống ít nhất 2-3 lít nước mỗi ngày, ngoài ra có thể uống thêm nước dừa, nước chanh và các loại trái cây chứa nhiều nước như nước ép dưa chuột, dưa hấu, nước cam...
5. Nên giảm lượng chất béo nạp vào
Cũng giống như carbs và protein, chất béo cũng là chất dinh dưỡng đa lượng quan trọng mà cơ thể cần cho một số chức năng nhưng người bệnh sốt rét nên tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Tiêu thụ quá nhiều chất béo, đồ chiên rán khi bị ốm dẫn đến vấn đề khó tiêu, khiến tình trạng của người bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Việc sử dụng quá nhiều chất béo trong nấu nướng hoặc ăn các món chiên rán làm trầm trọng thêm cảm giác buồn nôn, rối loạn tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy. Hãy bổ sung nguồn chất béo lành mạnh trong chế độ ăn uống bao gồm các thực phẩm có chứa omega 3. Chất béo omega-3 có đặc tính chống viêm sẽ giúp giảm viêm trong cơ thể.
III. Một số lưu ý về chế độ ăn cho bệnh nhân sốt rét
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ là chìa khóa để cải thiện bệnh sốt rét. Một chế độ ăn uống tốt nên tập trung vào việc tăng cường hệ thống miễn dịch cho người bệnh mà không ảnh hưởng đến gan, thận và hệ tiêu hóa. Bệnh nhân cần được khuyến khích ăn thường xuyên với số lượng nhỏ để giúp dung nạp thức ăn.
Những thực phẩm người bệnh sốt rét nên ăn
- Thực phẩm giàu vitamin A: Rau quả có màu vàng, cam, đỏ như cà rốt, đu đủ, gấc, khoai lang,...
- Thực phẩm giàu vitamin C: Cam, bưởi, chanh, ổi, kiwi,...
- Thực phẩm giàu protein: Thịt nạc, cá, trứng, sữa,...
- Cháo, súp, canh: Dễ tiêu hóa, cung cấp năng lượng và nước cho cơ thể.
- Uống nhiều nước: Nước lọc, nước trái cây, oresol,...
Thực phẩm người mắc sốt rét nên tránh
Khi bị sốt rét, cần tránh tất cả các loại thực phẩm chiên, cay, béo. Nên giảm số lượng rau và thực phẩm có chứa nhiều chất xơ trong thời gian này. Không nên uống cà phê, trà, đồ uống có gas, đồ uống chứa caffeine. Để phục hồi nhanh chóng, tốt nhất nên ăn thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa.
- Thực phẩm chiên, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn vặt, thực phẩm nhiều dầu mỡ và cay, dưa chua,... khó tiêu hóa, gây áp lực cho hệ tiêu hóa.
- Thực phẩm nhiều acid: Gây kích thích dạ dày, dẫn đến buồn nôn, nôn mửa.
- Cà phê, rượu bia: Kích thích hệ thần kinh, làm cho bệnh nặng hơn.
- Thực phẩm sống, chưa nấu chín: Nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng.
IV. Một số thực đơn gợi ý cho bệnh nhân sốt rét
- Cháo thịt bằm, rau ngót: Cháo dễ tiêu hóa, thịt bằm cung cấp protein, rau ngót giàu vitamin và khoáng chất.
- Súp gà nấm: Gà cung cấp protein, nấm giàu vitamin D, súp dễ tiêu hóa.
- Cá chép kho tộ: Cá chép giàu protein, vitamin và khoáng chất, giúp bồi bổ cơ thể.
- Sinh tố trái cây: Cung cấp vitamin, khoáng chất và nước cho cơ thể. Trái cây và rau quả tươi giúp giải độc cơ thể. Các loại trái cây có tác dụng tốt đối với bệnh sốt rét, người bệnh nên ăn kết hợp các loại trái cây có màu sắc khác nhau.
Lưu ý, nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày để dễ tiêu hóa. Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh và điều chỉnh chế độ ăn phù hợp.
Ngoài ra, người bệnh sốt rét cần lưu ý:
- Nghỉ ngơi đầy đủ.
- Tránh làm việc nặng nhọc.
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Ngay khi nhận thấy các triệu chứng như sốt cao, ý thức kém, chóng mặt, hãy liên hệ bác sĩ ngay lập tức. Sự chậm trễ có thể dẫn đến mất cân bằng sức khỏe hơn nữa và dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng.
Xem thêm: