“Chê” chẩn đoán của bác sĩ, nhiều người suýt nguy

22-08-2018 06:35 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Mới đây, BV ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận điều trị cho một nữ bệnh nhân bị đau nhức dữ dội các khớp đến mức không đi được.

Bệnh nhân cho biết, trước đó, bà đã đi khám nhưng khi được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh gút, lại không tin tưởng, nghĩ bác sĩ chẩn đoán sai vì bản thân không ăn nhậu hay sử dụng những thực phẩm nhiều đạm, làm sao mắc bệnh này được, nên không tuân thủ điều trị. Vụ việc này không phải là lần đầu tiên được đưa ra cảnh báo việc nhiều người dân tự làm bác sĩ  “kê đơn, bốc thuốc, chẩn đoán bệnh và trị bệnh”, đặc biệt là nhiều bệnh nhân ung thư đã tự ý bỏ điều trị để dùng thuốc theo mách bảo để rồi rước họa vào thân...

Xuất huyết tiêu hóa..., vì không tin thầy thuốc

Ngày 20/8, BV ĐH Y Dược (TP. HCM) thông tin, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân nguy kịch trong tình trạng nôn ra máu, không đi đứng được. Trước đó bệnh nhân là bà T.N.C. (57 tuổi, ở tỉnh Trà Vinh) đã đi khám nhưng không tin bác sĩ chẩn đoán mình mắc bệnh gút nên đã tự mua thuốc đau khớp uống mỗi khi thấy đau nhức. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng đi ngoài phân đen, nôn ra máu và không thể đi đứng được do đau nhức dữ dội các khớp.

Khi có bệnh cần đi khám và tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không nên bỏ dở điều trị hoặc tự ý dùng thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc (ảnh minh họa). Ảnh: Trần Minh

Khi có bệnh cần đi khám và tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không nên bỏ dở điều trị hoặc tự ý dùng thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc (ảnh minh họa). Ảnh: Trần Minh

BS. Cao Thanh Ngọc - Trưởng Đơn vị Nội cơ xương khớp, BV ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, qua điều tra bệnh sử cách đây 1 năm, bệnh nhân C. có những cơn đau ở khớp chân, cứ 2 - 3 tháng thì có một cơn đau kéo dài 2 - 3 ngày. Thấy vậy bà C. đến BVĐK tỉnh Trà Vinh để khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bà C. bị gút. Thế nhưng bà C. không tin mình bị gút vì nghĩ chỉ có đàn ông “ăn nhậu” nhiều mới bị bệnh, còn mình chẳng bao giờ nhậu nhẹt thì không thể mắc bệnh. Bà C. cho rằng bác sĩ đã chẩn đoán sai bệnh và tự ý mua thuốc đau khớp bên ngoài uống. Sau 2 ngày dùng thuốc, tình trạng đau không còn. Do đó, cứ mỗi lần cơn đau tái phát, bà C.lại mua loại thuốc đó về uống.

Mới đây, bà C. bất ngờ bị đau nóng dữ dội, kéo dài ở các khớp gối, cổ chân và các khớp ngón bàn chân. Sau đó, bệnh nhân đi ngoài phân đen, nôn ra máu và không thể đi đứng được nên gia đình chuyển đến BV ĐH Y Dược.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị gút và bị xuất huyết tiêu hóa do tác dụng phụ của thuốc mà bệnh nhân tự uống. “Lúc này, bệnh nhân mới tin rằng mình bị gút. Sau khi điều trị bằng thuốc đặc trị gút và tái khám theo chỉ định, tình trạng bệnh đã ổn định, các cơn đau đã không còn. Hiện bệnh nhân đã có thể đi lại được bình thường”, BS. Ngọc cho biết.

Theo BS. Ngọc, hiện nay có rất nhiều người, nhất là phụ nữ quan niệm sai lầm về căn bệnh gút. Nhiều người nghĩ, chỉ nam giới trung niên có thói quen uống bia rượu hoặc ăn uống dư thừa chất đạm mới bị gút. “Tuy nhiên ít người biết rằng gút còn gặp ở nữ giới ở độ tuổi tiền mãn kinh vì những rối loạn hormon trong giai đoạn này. Vì vậy, nhiều phụ nữ khi có các biểu hiện của bệnh gút nhưng vẫn nghĩ mình bị đau khớp thông thường. Họ tự ý điều trị sai phương pháp và đến bệnh viện trong tình trạng đã có biến chứng nặng” - BS. Ngọc khuyến cáo.

Nhiều trường hợp đánh mất cơ hội chữa ung thư ở giai đoạn đầu

Tại BV K, GS.TS. Trần Văn Thuấn- Giám đốc BV cũng cho biết, đã có rất nhiều bệnh nhân ung thư từ bỏ điều trị, hoặc làm trễ điều trị chỉ vì tin theo những tin đồn thất thiệt. Kết quả là những lời giới thiệu có cánh rằng, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn chỉ sau vài liệu trình đắp hay uống thuốc thì mãi chẳng thấy đâu, mà hậu quả lại nhãn tiền. Nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng khiến phần vú chứa khối u bị hoại tử, lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Phát hiện ung thư vú từ tháng 4/2017 nhưng bệnh nhân Đỗ Thị Kh. ở Hải Dương lại quyết định không điều trị mà uống thuốc nam và đắp lá để tiêu khối u theo lời mách bảo. Sau nhiều tháng sử dụng, khối u của bệnh nhân không nhỏ đi mà ngày càng to lên dẫn đến vỡ khối u.

Một bệnh nhân nam khác được cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do viêm phúc mạc toàn thể vì vết loét ung thư dạ dày. Mặc dù đã có kết quả giải phẫu bệnh khẳng định mắc ung thư dạ dày, nhưng bệnh nhân đã bỏ điều trị và sử dụng thuốc nam liên tiếp trong 2 tuần, dẫn đến mất giai đoạn vàng trong điều trị ung thư.

Các bác sĩ tại BV K cho biết, số lượng bệnh nhân tự ý điều trị và sử dụng các loại thuốc nam, lá để uống, đắp với mong muốn tiêu khối u ngày càng nhiều. Điều khiến các bác sĩ bức xúc nhất là người bệnh biết mình mắc bệnh nhưng không điều trị, mà nghe theo các bài thuốc truyền miệng như đắp các loại lá, cây, thậm chí cả rễ cây lên khối u, khiến da bị lở loét, nhiễm trùng nặng. Thậm chí, người bệnh còn bỏ ra rất nhiều tiền mua thuốc không rõ nguồn gốc về sử dụng. Điều này khiến cho việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, vì đa số khi vào viện đã ở giai đoạn cuối.


Ngọc Đỗ- Hoàng Nguyễn
Ý kiến của bạn