1. Hậu quả của việc sử dụng củ ấu tẩu làm thức ăn sai cách
Theo thông tin từ cơ quan y tế huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, trưa 18/12, một nhóm người tổ chức ăn lẩu tại gia đình ông C.V.T. ở thôn Thôm Mèo, xã Xuân La. Trong bữa ăn lẩu có rau, thịt lợn rán, mì tôm, trứng gà, rượu trắng và khoảng 300g củ ấu tẩu tươi.
Sau ăn khoảng 5-10 phút, một người có hiện tượng tê đầu lưỡi và buồn nôn, nôn. Ít phút sau, một số người khác cũng xuất hiện tê lưỡi, 4 người còn lại vẫn tiếp tục ăn và uống rượu.
Khi những người bị ngộ độc trước có biểu hiện nặng lên, 4 người ăn sau mới dừng và gọi người đưa lên viện cấp cứu. May mắn sau khi điều trị và theo dõi, tình trạng các bệnh nhân đã ổn định.
Kết quả điều tra xác minh ban đầu của TTYT huyện Pác Nặm cho biết, nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc nêu trên do trong bữa ăn có sử dụng củ ấu tẩu.
Tình trạng ngộ độc do ăn củ ấu tẩu không hiếm gặp mà còn vẫn rải rác xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt ở các tỉnh miền núi, nơi một số người dân có thói quen sử dụng củ ấu tẩu làm thức ăn (nấu canh hoặc cháo).
Mặc dù củ ấu tẩu có thể chế biến thành món ăn nhưng cần được chế biến rất cẩn thận bởi những người có kinh nghiệm. Do một bộ phận người dân chủ quan, tự ý sử dụng khi không có kinh nghiệm chế biến nên đã dẫn đến xảy ra ngộ độc như trên. Rất may mắn là các bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạnh vì củ ấu tẩu rất độc.
2. Chất độc trong củ ấu tẩu có thể gây chết người
Theo các tài liệu dược học, củ ấu tẩu (còn có tên gọi là ấu tàu, gấu tàu, thảo ô...) là rễ củ của cây ô đầu. Loại cây này thường mọc hoang ở tỉnh vùng núi cao. Cây ô đầu được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A nhưng sau khi được bào chế đúng cách sẽ là một vị thuốc quý.
Trong y học cổ truyền, củ ấu tẩu thường được dùng làm rượu thuốc để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi. Vì thành phần của nó chứa aconitin là một chất rất độc nên thường chỉ dùng làm thuốc uống khi đã qua chế biến cẩn thận và được dùng với liều nhỏ, có sự chỉ định và theo dõi thận trọng của thầy thuốc.
Theo các thầy thuốc Đông y, ngộ độc aconitin của ô đầu chủ yếu do uống quá liều thuốc có củ ấu tẩu, uống nhầm thuốc dùng xoa bóp ngoài da hoặc ăn phải rễ cây này. Đối với các trường hợp sử dụng củ ấu tẩu làm thức ăn như nấu canh, nấu cháo, ăn lẩu… nhưng không có kinh nghiệm chế biến đúng cách cũng dẫn đến ngộ độc nặng.
Ngộ độc aconitin diễn ra rất nhanh. Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay hoặc sau vài giờ sau khi uống phải dịch chiết của cây ô đầu hay ăn phải rễ, lá cây này (phụ thuộc vào liều lượng). Với liều 1mg có thể gây ngộ độc nặng, liều 2 - 3mg đủ gây tử vong một người trưởng thành.
Người bị ngộ độc thường có các triệu chứng: tê miệng và lưỡi, tê cóng đầu chi, sau vài giờ chảy đờm rãi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khó thở. Co giật, mất tri giác, hạ thân nhiệt có thể xảy ra. Triệu chứng đặc trưng là mất cảm giác toàn cơ thể và rối loạn tim mạch.
Tử vong thường xảy ra sau 6 giờ kể từ khi aconitin thâm nhập vào cơ thể. Nguyên nhân tử vong là do loạn nhịp tim, co cứng cơ tim và liệt trung khu hô hấp… Nếu sống sót sau 24 giờ, tiên lượng thường là tốt vì khi đó độc tố bị chuyển hóa và thải ra ngoài.
3. Tuyệt đối không tự ý sử dụng củ ấu tẩu làm thức ăn
Trên thực tế, vì độc tính của củ ấu tẩu rất mạnh, có thể gây tử vong nên nếu có được sử dụng làm thức ăn cũng phải được chế biến rất cẩn thận bởi những người có kinh nghiệm biết cách loại bỏ độc tố.
Do vậy mọi người cần lưu ý không tự ý sử dụng củ ấu tẩu làm thức ăn. Nếu có sử dụng các loại thuốc ngâm củ ấu tẩu để xoa bóp cũng cần phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc Đông y.
Các loại rượu thuốc ngâm củ ấu tẩu phải được dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em để tránh nhầm lẫn khi sử dụng. Tuyệt đối không được uống rượu ngâm củ ấu tẩu.
Để phòng tránh nguy cơ bị ngộ độc, các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các loài cây dại, quả rừng, thậm chí cả cây củ có tác dụng làm thuốc (như củ ấu tẩu) khi không biết rõ về độc tính của chúng.
Theo BS. Nguyễn Thành Đô, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK Lạng Sơn, để phòng ngừa ngộ độc thức ăn, người dân tuyệt đối không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc.
Chất độc trong cây cỏ chứa độc tính có thể gây ngộ độc từ nhẹ đến nặng và gây tử vong cho người ăn. Trong trường hợp không may ăn phải mà có dấu hiệu ngộ độc, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, không nên chủ quan hay chậm trễ sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh có nên nhịn ăn?