Khoảng 17h40 ngày 5/6 xảy ra vụ cháy gara ô tô tại 318 đường Nguyễn Văn Giáp, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Theo báo cáo ban đầu, đám cháy xảy ra tại Trung tâm chăm sóc xe hơi Carplus - Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Carplus Việt Nam do ông Nguyễn Ngọc Việt (sinh năm 1987 là giám đốc; địa chỉ số 318 đường Nguyễn Văn Giáp, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Quy mô xưởng rộng khoảng hơn 300m2, cao 1 tầng, với tường gạch lửng, phía trên quây tôn, vì kèo, mái lợp tôn diện tích cháy khoảng hơn 200m2 và lan sang nhà trọ bên cạnh khoảng 150m2.
Rất may đám cháy không gây thiệt hại về người. Về tài sản sơ bộ có 8 xe ô tô cháy hoàn toàn, 1 xe cháy 1 phần, chưa rõ nhãn hiệu và một số vật dụng tại khu vực cháy.
Khi xảy ra trường hợp này, nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu những người chủ ô tô có được bồi thường thiệt hại do vụ cháy gây ra? Ai sẽ là bên chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Bùi Xuân Lai (Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) cho biết, để có thể xác định trách nhiệm bồi thường cho chủ xe, việc đầu tiên cơ quan chức năng sẽ làm là xác định nguyên nhân cháy.
Việc gara ô tô để xảy ra hỏa hoạn gây thiệt hại đến tài sản của người khác (9 chiếc ô tô của khách hàng) không phát sinh từ các điều khoản trong hợp đồng giữa hai bên nên đương nhiên phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của chủ gara đối với chủ xe theo quy định tại chương XX Bộ luật dân sự 2015.
Khoản 1 Điều 584 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là: "Người nào có hành vi xâm phạm tài sản hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".
Theo nguyên tắc chung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có các điều kiện: Có thiệt hại xảy ra, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra, có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Như vậy, theo luật sư Lai, trong vụ việc này, chủ gara có lỗi vô ý trong việc để xảy ra hỏa hoạn đã gây thiệt hại cho các chủ xe là khách hàng của mình nên chủ gara có nghĩa vụ bồi thường theo quy định nêu trên.
Ngoài ra, trong vụ hỏa hoạn này, bên chủ gara và bên bị thiệt hại có thể tự thỏa thuận về việc không phải bồi thường cho nhau hoặc có bồi thường cho nhau thì mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường như thế nào cho có tình, có lý…
Nếu không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có thể gửi đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền yêu cầu giải quyết. "Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm" (Điều 588 Bộ luật dân sự 2015).
Việc gửi đơn khởi kiện tại Tòa án phải kèm theo các tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của người khởi kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Chủ xe bị cháy có thể nộp kèm theo đơn khởi kiện các giấy tờ xe, hình chụp xe bị cháy, các hóa đơn, chứng từ ghi nhận chi phí cho việc khắc phục thiệt hại, biên bản ghi nhận sự việc ban đầu của cơ quan công an… Trong quá trình giải quyết, nếu việc hòa giải tại Tòa án không thành và xét thấy cần thiết, Tòa án có thể trưng cầu giám định để xác định mức độ thiệt hại của xe, xác định lỗi và các yếu tố khác để quyết định mức bồi thường hợp lý và thỏa đáng.
Xem thêm video được quan tâm:
Danh tính 2 nạn nhân tử vong trong vụ cháy rừng rạng sáng ở Quảng Ninh