Pin xe điện cháy cực kỳ nguy hiểm
Ngay sau vụ cháu chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, trên các mạng xã hội đồng loạt chia sẻ một video mô tả việc cháy xe điện không thể dập tắt được bằng bình cứu hóa mini thông thường, dù đám cháy được phát hiện sớm. Video này được cho là do Đài truyền hình Việt Nam sản xuất và phát trên kênh VTV1. Theo đó, phóng viên đã thực hiện một thí nghiệm tự đốt cháy pin của một chiếc xe đạp để khẳng định không thể dập tắt được đám cháy.
Khi có cháy, lửa bùng phát làm phá vỡ lớp vỏ nhựa chứa pin. Phóng viên dùng bình chữa cháy bằng bột loại 4kg để dập lửa, nhưng ngọn lửa vẫn bốc cháy dữ dội. Chuyển sang sử dụng bình khí CO2, phóng viên phun hết bình này, ngọn lửa vẫn bùng phát.
Ông Nguyễn Huy Công, chuyên gia nghiên cứu về chất chữa cháy, Công ty Dịch vụ tổng hợp dầu khí Sông Lam cho biết, khi cháy, pin xe điện có thể tạo ra ngọn lửa có nhiệt độ cao đến 600-700 độ C. Loại bột chữa cháy để làm loãng nồng độ oxy để dập tắt đám cháy thường không có tác dụng trong trường hợp này. Bình CO2 phun vào để làm lạnh, mục đích dập tắt đám cháy nhưng độ lạnh này là không đủ để dập tắt đám cháy.
Đám cháy của xe điện không cần oxy mà là cháy xuất phát từ các phản ứng hóa học bên trong pin xe điện. Thậm chí nếu dùng nước để chữa cháy, nước gặp nhiệt độ cao sản sinh ra Hydro gây nổ, rất nguy hiểm. Hiện Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn cháy nổ cho pin xe điện và xe điện.
TS vật lý Nguyễn Văn Khải cho biết, pin xe điện cháy không dập được là do một số nguyên nhân. Pin xe điện thường sử dụng pin lithium-ion, là loại pin có khả năng cháy nổ cao. Pin lithium-ion có cấu tạo gồm các tế bào, mỗi tế bào chứa một số lượng lớn các điện cực lithium và carbon. Khi các điện cực này tiếp xúc với nhau, chúng sẽ phản ứng hóa học và tạo ra nhiệt. Nếu nhiệt độ tăng cao, pin có thể bắt lửa hoặc phát nổ.
Các đám cháy pin xe điện không cần oxy để duy trì. Nguyên lý của các bình chữa cháy thông thường là làm cách ly chất cháy với oxy để ngăn phản ứng cháy. Tuy nhiên, đám cháy pin xe điện là do các phản ứng hóa học bên trong pin, không cần oxy để duy trì. Chính vì vậy, việc dùng bình chữa cháy để dập tắt đám lửa khi cháy pin xe điện là không hiệu quả.
Khi pin bắt lửa, nó sẽ tạo ra một lượng nhiệt rất lớn. Nhiệt độ này có thể khiến pin tiếp tục cháy hoặc phát nổ. Ngoài ra, đám cháy pin xe điện cũng có thể sản sinh ra các chất độc hại, gây nguy hiểm cho người và vật nuôi.
Không ít các vụ cháy nổ đã xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ xe điện. Thậm chí, gần đây, những vụ cháy xe điện còn gây ra những thiệt hại cả về tính mạng con người. Trong tháng 7, một vụ cháy cửa hàng xe đạp điện ở Hoài Đức, Hà Nội khiến 3 người tử vong. Vụ cháy xe điện khi đang sạc ở TP Sầm Sơn, Thanh Hóa cũng khiến 2 bà cháu tử vong.
Xử lý đúng cách khi cháy xe điện
Các chuyên gia cho biết, trong các vụ cháy nổ liên quan tới pin xe điện, chỉ có những loại bình chữa cháy gốc nước sở hữu công nghệ bọc phân tử mới dập tắt ngọn lửa của pin xe điện một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đây là những loại bình hoàn toàn chưa phổ biến bởi vì giá thành cao hơn gấp nhiều lần so với các loại bình chuyên dụng.
Bởi vì các loại bình chữa cháy gốc nước hoàn toàn không phổ biến, nên các đám cháy từ pin xe điện thực tế sẽ hoàn toàn 'vô phương cứu chữa'. Trong việc sản xuất và nhập khẩu pin xe điện tại nước ta, vẫn chưa xuất hiện tiêu chuẩn an toàn cháy nổ nào khiến người sử dụng có thể gặp rủi ro cao trong quá trình vận hành của xe điện.
Khi thấy xe điện bị cháy, đừng cố sử dụng nước, bình cứu hỏa hay chăn thông thường để tập tắt ngọn lửa. Bởi những cách này chỉ khiến pin phát nổ, bắt lửa lớn hơn. Do không có cách dập tắt nguồn cháy là các hóa chất bên trong ắc quy điện, nên ở một số nước đã dùng chăn chống lửa để trùm lên xe nhằm chặn nguồn oxy không cho lửa tiếp cận và lan ra nhanh hơn. Khi thấy xe điện bị cháy nếu không có chăn chống lửa, hãy gọi cho cứu hỏa và nhanh chóng truy hô người dân chạy thoát để tránh bị bỏng và ngạt khí độc.
Để tránh cháy nổ pin, người dân nên lưu ý và cẩn trọng trong quá trình sạc pin cho xe điện. Tuyệt đối phải cắm sạc ở vị trí có người trông coi, không sạc pin qua đêm và không dùng những phụ kiện sạc trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Người dùng cần rất thận trọng khi sử dụng xe điện, đặc biệt sạc pin xe điện. Mua sắm xe điện chính hãng, đầy đủ chứng chỉ an toàn, nguồn gốc. Khi thay thế pin cần lựa chọn loại chính hãng, chất lượng cao. Không sạc pin trong thời gian quá lâu hoặc quá mức cho phép. Không để pin xe điện tiếp với nguồn nhiệt cao trong thời gian dài. Trong trường hợp va chạm té ngã cần mang đi kiểm tra về phần pin. Tiến hành kiểm tra bảo trì pin định kỳ để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Cần có quy chuẩn kỹ thuật cho pin xe điện
Ông Trần Thành Vinh, Trưởng Ban Khoa học kỹ thuật, Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Việt Nam chỉ ra một nghịch lý: dù tốc độ phát triển phương tiện xe điện cao nhưng hiện chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng để đảm bảo an toàn cháy nổ cho pin lithium ion và xe điện. Đây là cả quá trình từ khâu sản xuất, vận chuyển, lưu kho đến sử dụng, bảo trì, với trách nhiệm thuộc về nhiều cơ quan, ban, ngành.
Cụ thể, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ KH&CN ban hành các quy chuẩn đảm bảo an toàn cháy nổ cho pin lithium ion và xe điện. Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT là cơ quan quản lý, có những quy chuẩn kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện, điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn.
Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường. Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an có trách nhiệm giáo dục khiến thức PCCC cho người dân, Cục CSGT hạn chế tai nạn khi phương tiện lưu thông trên đường.
Chuyên gia cho rằng, tới đây cần sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng liên quan đảm bảo an toàn cháy cho pin lithium ion và xe điện. Thứ hai, cần có sự vào cuộc nhanh chóng liên quan việc kiểm soát chất lượng sản phẩm. Thứ ba, cần có sự quản lý chặt chẽ với các nhà sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh. Hơn ai hết, người sử dụng sản phẩm này phải được trang bị kiến thức, kỹ năng để trở thành người thông thái, từ lúc mua sản phẩm, lựa chọn thương hiệu, nhà cung cấp uy tín; đến bảo trì thiết bị và sử dụng về sau.
Cục Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy khuyến cáo, người dân nên hạn chế sạc pin xe điện qua đêm, nếu có cắm sạc thì phải ở vị trí có người trông coi. Tránh dùng các loại pin, dây sạc kém chất lượng, hàng trôi nổi. Các chung cư cũng phải quy hoạch khu vực sạc xe điện ở nơi thường xuyên có người quan sát trông coi, chủ động rút sạc xe điện trước 22h.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chính Thức Mở Lại Phiên Đấu Giá Biển Số Siêu Đẹp Vào Ngày 15/9 | SKĐS