Chạy thận nhân tạo, mổ cấp cứu bệnh nhân bị biến chứng sỏi niệu quản

10-07-2018 16:20 | Camera bệnh viện

SKĐS - Sỏi niệu quản là bệnh của đường tiết niệu (đường tiểu) gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao hơn cả là người trưởng thành. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Hồng T. (sinh năm 1978, trú tại Gia Lâm – Hà Nội), bệnh nhân nhập viện do đau hố thắt lưng trái nhiều. Bệnh nhân ấn đau hố thắt lưng 2 bên, bên trái đau nhiều hơn bên phải, bệnh nhân không tiểu được, bụng chướng.

Kết quả chụp CT Scanner và siêu âm cho thấy, bệnh nhân bị sỏi thận 1 bên, ứ nước thận hai bên do sỏi niệu quản 2 bên, sỏi niệu quản to gây tắc nghẽn hoàn toàn 2 thận, kích thước mỗi viên sỏi 14x17mm. Xét nghiệm máu thấy các chỉ số ure và Creatinin tăng rất cao.

Sau khi nhập viện và làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán suy thận cấp/sỏi niệu quản 2 bên. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định chạy thận nhân tạo trước, sau đó tiến hành mổ cấp cứu.

Kíp mổ do các bác sĩ Khoa Ngoại Thận - tiết niệu, BVĐK Đức Giang thực hiện. Sau 2h, ca mổ đã diễn ra thành công. Sau 1 tuần điều trị bệnh nhân hoàn toàn ổn định, chức năng thận đã trở về bình thường.

Các bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân.

Bác sĩ Bùi Trường Giang - Khoa Ngoại thận tiết niệu cho biết, đau mỏi vùng lưng là dấu hiệu, triệu chứng nổi bật nhất của bệnh sỏi niệu quản. Người bệnh thường xuyên phải chịu những cơn đau quặn thận, đau nhiều hơn khi sỏi di chuyển. Đau thường xuất hiện khi người bệnh vừa gắng sức làm việc gì đó. Cơn đau bắt đầu từ thắt lưng rồi lan xuống vị trí niệu quản, qua bộ phận sinh dục và mặt trong đùi. Cơn đau ở hố thắt lưng dưới xương sườn rồi lan về phía rốn, thường báo hiệu bể thận và đài thận đã bị tắc. Ngoài đau người bệnh có thể bị sốt, rét run, buồn nôn và nôn...

Qua trường hợp này, BS. Giang khuyến cáo người dân khi bị sỏi tiết niệu, người bệnh cần tích cực điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tránh để biến chứng nguy hiểm như bệnh nhân trên.

Để phòng bệnh, mỗi người cần uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày (khoảng 1,5 – 2 lít) bao gồm cả nước canh trong bữa ăn. Đặc biệt trong những ngày nắng nóng, cơ thể càng cần được bù nước đầy đủ vì mất nhiều mồ hôi. Chú ý thực hiện việc tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ hoặc khi có dấu hiệu bất thường.

Gia tăng bệnh nhân mắc sỏi tiết niệu

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng trong mùa hè 2018, các bác sĩ khoa Ngoại Thận Tiết niệu, BVĐK Đức Giang đã tiến hành tán sỏi hơn 40 trường hợp mắc sỏi đường tiết niệu có chỉ định nhập viện điều trị, chưa kể số lượng những bệnh nhân tới khám, có cơn đau quặn thận và bệnh nhân mắc sỏi bàng quang.

Các bác sĩ cho biết, sỏi tiết niệu do nhiều nguyên nhân và nhiều yếu tố phức tạp gây nên. Trong đó, sỏi tiết niệu có liên quan khá mật thiết đến tình trạng khí hậu và thời tiết nơi sinh sống: Vào mùa hè, khi khí hậu trở nên nóng bức, nhiệt độ tăng cao, mồ hôi ra nhiều, nước tiểu bị cô đặc làm cho các tinh thể muối trong nước tiểu bị bão hòa và dễ bị kết tủa tạo sỏi.

Để chủ động phòng tránh nguy cơ mắc sỏi tiết niệu, bác sĩ khuyến cáo nên uống thật nhiều nước để bổ sung lượng nước bị mất nhất là khi thời tiết quá nóng bức hoặc làm việc nặng trong môi trường có nhiệt độ cao. Lưu ý nên tăng cường uống nước lọc, không nên uống các loại nước tăng lực, nước giải khát…

Có một chế độ ăn hợp lý không quá nhiều các sản phẩm có canxi và các chất có thể gây sỏi…

Không nhịn tiểu: Nên đi vệ sinh thường xuyên để tránh tích tụ nước tiểu trong bụng khiến các vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh như viêm đường tiết niệu hay viêm niệu đạo.

Nếu có dấu hiệu tiểu buốt, tiểu dắt thì nên dùng các loại lợi tiểu sẵn có như râu ngô, mã đề...và đi khám ngay nếu tình trạng trên kéo dài không dứt.


D.Hải
Ý kiến của bạn