Hà Nội

Chảy nước mắt sống là bệnh gì?

22-04-2020 11:35 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bình thường, nước mắt được thoát xuống mũi, miệng, không chảy ra ngoài.

Khi nước mắt không thoát được sẽ trào ra ngoài từ góc trong của mắt, gây ra triệu chứng chảy nước mắt mà dân gian thường gọi là chảy nước mắt sống. Nếu tình trạng này kéo dài, nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ có thể gây ra nhiễm khuẩn lệ đạo rất nguy hiểm.

Nguyên nhân gây chảy nước mắt sống

Tắc lệ đạo: Lệ đạo là ống thoát nước mắt dẫn từ góc trong của mi mắt dưới đến khe mũi dưới gồm lỗ lệ, lệ quản, túi lệ, ống lệ mũi (ống lệ tỵ). Nước mắt sau khi làm “nhiệm vụ” bôi trơn và làm sạch bề mặt nhãn cầu sẽ được dồn về góc trong mắt rồi được dẫn vào lệ đạo, xuống mũi. Do đó, bạn sẽ thấy ở những người khóc nhiều, nước mắt qua lệ đạo tăng lên làm chảy cả ra mũi. Tắc lệ đạo có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào nhưng hay tắc nhất là ống lệ mũi. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi: từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng chảy nước mắt sống.

Tắc lệ đạo, viêm bờ mi là hai trong nhiều nguyên nhân gây chảy nước mắt sống.

Tắc lệ đạo, viêm bờ mi là hai trong nhiều nguyên nhân gây chảy nước mắt sống.

Nhiễm trùng mắt: Viêm kết mạc và viêm bờ mi là hai loại nhiễm trùng thường gặp và thường gây chảy nước mắt. Nguyên nhân có thể là do nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm và phổ biến hơn là nhiễm virus.

Dị ứng: Phản ứng với các tác nhân gây dị ứng có thể khiến mắt bị đỏ và kích thích dẫn đến chảy nước mắt, nóng rát và ngứa mắt. Nguyên nhân phổ biến nhất gây dị ứng khi ở ngoài trời là cỏ, cây, phấn hoa và cỏ dại. Các tác nhân gây dị ứng phổ biến nhất khi ở trong nhà là lông súc vật, mạt bụi nhà và nấm mốc.

Khô mắt: Việc sản xuất nước mắt sẽ giảm dần theo tuổi, do vậy, hội chứng khô mắt thường gặp ở người cao tuổi. Một biện pháp có thể làm giảm các trường hợp bị khô mắt nhẹ là sử dụng nước mắt nhân tạo.

Kính áp tròng đã cũ, bẩn: Ký sinh trùng Acanthamoeba là kẻ thù tiềm ẩn đối với mọi người sử dụng kính áp tròng. Acanthamoeba bắt đầu ăn mòn giác mạc - lớp ngoài cùng của nhãn cầu và sinh sôi, nảy nở. Hậu quả từ cuộc tấn công của loại vi khuẩn này sẽ là các triệu chứng mắt ngứa rát, chảy nước mắt sống, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, sưng phồng mí và đau mắt.

Một số nguyên nhân khác: Do thần kinh: Lệ đạo được chi phối bởi nhánh thần kinh VII, khi bệnh nhân bị liệt dây VII sẽ gây ra chảy nước mắt và hở mi; Da mi thừa nhiều, sẹo mi, mỡ quanh hốc mắt làm cho điểm lệ không nằm trong hồ lệ nên không hút được nước mắt: Phẫu thuật mi, lấy mỡ thừa có thể sẽ là phương án cần thiết đối với những bệnh nhân có tình trạng này; Giảm trương lực của túi lệ: Đây là nguyên nhân do tuổi già gây ra. Bình thường, túi lệ có khả năng co bóp tạo lực hút nước mắt. Về già, trương lực này giảm đi, vì vậy, nước mắt không được dẫn lưu tốt.

Điều trị cách nào?

Căn cứ vào các triệu chứng của bệnh nói trên, khi phát hiện các triệu chứng tắc lệ đạo, người bệnh cần đến khám ở chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị đúng. Điều trị cần dựa vào tổn thương bệnh mà người ta sử dụng các biện pháp điều trị thích hợp.

Đối với trường hợp tắc lệ đạo bẩm sinh, ngoài việc chẩn đoán đúng bệnh, các bác sĩ chuyên khoa còn phải xác định chính xác nguyên nhân chảy nước mắt để loại trừ các bệnh nguy hiểm khác ở mắt như glôcôm bẩm sinh, viêm nhiễm khác trong mắt. Phương pháp điều trị có thể dùng là day ấn vùng góc trong mắt - nơi có túi lệ kết hợp với dùng kháng sinh nhỏ mắt và kháng sinh uống. Đa số các trường hợp viêm tắc lệ đạo sẽ được phục hồi thông hoàn toàn khi được điều trị bằng biện pháp này. Đến khi trẻ được 2-3 tháng tuổi, nếu vẫn không hết chảy nước mắt thì người ta có thể bơm rửa và thông lệ đạo giúp cho nước mắt lưu thông xuống mũi. Về mặt thời gian, các nhà chuyên môn cho biết: trẻ được 4-6 tháng tuổi mới là thời gian để thông lệ đạo tốt nhất vì để đến trên 1 tuổi thì kết quả thông lệ đạo sẽ rất thấp.

Những trường hợp bị tắc lệ đạo mắc phải: người ta thấy rằng chỉ dùng phương pháp bơm thông lệ đạo hầu như không có kết quả. Do đó, để phục hồi chức năng dẫn nước mắt, cần phải phẫu thuật để tạo nên đường dẫn nước mắt mới từ mắt xuống mũi cho bệnh nhân. Đây là một phẫu thuật có thể điều trị dứt điểm triệu chứng chảy nước mắt, khỏi viêm nhiễm, mủ nhầy ở túi lệ. Tuy nhiên, đối với các ca bệnh không thể mổ tạo đường thông nước mắt thì phải mổ cắt túi lệ để loại trừ ổ viêm tại mắt, tránh các biến chứng gây áp-xe túi lệ.

Muốn phòng các trường hợp tắc lệ đạo mắc phải do chấn thương hoặc do phẫu thuật, biện pháp tốt nhất là tránh bị các tổn thương này. Đồng thời, cần khám, điều trị sớm và triệt để những bệnh viêm nhiễm mạn tính ở mắt như bệnh mắt hột, viêm kết mạc là nguyên nhân gây tắc lệ đạo.


BS. Phạm Thắng
Ý kiến của bạn