Cháy nổ liên tiếp, Hà Nội yêu cầu 100% khu dân cư thực tập PCCC

04-05-2019 18:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ cháy, nguyên nhân chủ yếu là do chập điện. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng kéo dài, hệ thống phòng cháy chữa cháy ở các khu chung cư còn hạn chế, cộng thêm địa bàn Hà Nội nhiều ngõ ngách nhỏ... khiến cho xuất hiện nhiều vụ cháy, khi cháy xảy ra lực lượng PCCC khó khăn khi tiếp cận hiện trường .

Nhiều vụ cháy thương tâm gây thiệt hại về người và của

Thống kê của cảnh sát PCCC Hà Nội, tháng 4/2019, thành phố xảy ra 45 vụ cháy, trong đó có 3 vụ cháy nghiêm trọng, 16 vụ cháy trung bình, 26 vụ cháy nhỏ, làm 10 người chết, 14 người bị thương. Đối với loại hình nhà chung cư, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã xảy ra 10 vụ cháy tại các chung cư, nhà cao tầng, mặc dù giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng nguy cơ cháy nổ vẫn tiềm ẩn phức tạp, bởi ý thức thiếu trách nhiệm của người dân và chủ đầu tư.

Thành phố Hà Nội hiện có 1.109/1.407 chung cư, nhà cao tầng đang hoạt động thuộc diện quản lý của Nhà nước nhưng không bảo đảm điều kiện, vi phạm quy định, không duy trì phương án PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Mới đây, ngày 2/5, vào khoảng 11 giờ, một chiếc tàu bị bỏ hoang tại bãi tập kết du thuyền, nhà hàng nổi ở hồ Tây (Hà Nội) bất ngờ bốc cháy. Địa điểm cháy là khu vực Đầm Bảy, nơi các du thuyền, nhà hàng từng kinh doanh trên hồ Tây phải dừng hoạt động chờ thanh thải. Đám cháy khiến nhiều người đi đường lo sợ sẽ lan sang các du thuyền bỏ hoang xung quanh.

Cháy căn hộ trên tầng 32 ở chung cư Linh Đàm hồi giữa tháng 4

Vào tháng 12 năm ngoái, vụ cháy chung cư cũ  Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, Hà Nội dù không gây thiệt hại về người nhưng thiêu rụi toàn bộ đồ đạc trong phòng.  Nguyên nhân cháy  là do chập điện. Tuy nhiên, điều đáng lo  là công tác PCCC tại đây từ lâu Ban quản lý chung cư và chính người dân không được quan tâm đúng mức.

Mới đây, ngày 12/4, vụ cháy xưởng nhựa tại ngõ 1 Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm làm 8 người chết cũng là do chập điện. Ngay sau khi xảy ra hoả hoạn, lực lượng cảnh sát PCCC đã điều động hàng chục xe chữa cháy đến hiện trường. Tuy nhiên do khu vực kho xưởng bị cháy nằm sâu trong khu dân cư dài hàng trăm mét, có nhiều vật liệu dễ cháy như đồ nhựa, đồ gỗ, nên đã cháy lan và nhanh chóng thiêu rụi cả 4 khu nhà xưởng.

Hay vụ cháy ngày 16/4 tại một căn hộ trên tầng 32 chung cư HH2C Linh Đàm (Khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) mới đây cũng là do việc sử dụng điện bất cẩn của người dân, may mắn sau đó, ngọn lửa đã được khống chế kịp thời...

Tăng cường PCCC tại các khu dân cư

Trước tình hình đó, mới đây UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND, triển khai tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố về tăng cường, đảm bảo công tác an toàn PCCC trên địa bàn thành phố; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và cứu hộ cứu nạn cho người dân; gắn phong trào toàn dân PCCC với phong trào xây dựng khu dân cư; gia đình văn hóa; nhân rộng điển hình tiên tiến, kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn; hướng dẫn các phường, xã, thị trấn, khu phố, tổ, cụm dân cư xây dựng các quy ước, quy chế, quy định về công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn đảm bảo theo đúng pháp luật, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng địa phương.

Tổ chức cho  khu dân cư thực tập phương án chữa cháy, cứu hộ cứu nạn

Nghiên cứu ban hành  Quy định, biện pháp xử lý đối với các nhà chuyển đổi công năng vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh, làm kho tàng, thu mua phế liệu,... không đảm bảo các điều kiện về kinh doanh, ô nhiễm môi trường và an toàn PCCC và cứu hộ cứu nạn; Quy định về chế độ phụ cấp, trang bị phương tiện chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cho lực lượng dân phòng theo quy định của pháp luật; Quy định về công tác phối hợp giữa lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, dân phòng,... trong đảm bảo an toàn về PCCC và cứu hộ cứu nạn tại địa bàn.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và cứu hộ cứu nạn của các cấp chính quyền; duy trì và thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ lớn, nhất là ở các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp giải quyết, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ trong khu dân cư.

Rà soát công tác quy hoạch khu dân cư, quy hoạch chỉnh trang đô thị, quy hoạch giải tỏa để có biện pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ; phát triển hệ thống hạ tầng, các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. Tích cực vận động nhân dân tự nguyện di rời các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ có nguy hiểm cháy, nổ cao ra khỏi khu dân cư và đầu tư, mua sắm thiêt bị, phương tiện chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tại chỗ.

Rà soát quy hoạch đối với các làng nghề truyền thống hướng tới mục tiêu mỗi làng nghề, mỗi gia đình, hộ kinh doanh sản xuất đạt tiêu chuẩn về PCCC, bảo vệ môi trường. Tổ chức cho 100% khu dân cư thực tập phương án chữa cháy, cứu hộ cứu nạn có sử dụng lực lượng chữa cháy tại chỗ định kỳ hằng năm. Đối với những khu dân cư có nguy hiểm cháy, nổ cao phải tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu hộ cứu nạn có huy động nhiều lực lượng, phương tiện ít nhất 1 lần/năm.

 


Hải Yến
Ý kiến của bạn