1. Loét dạ dày do tự ý dùng thuốc giảm đau trị gout
Nam bệnh nhân 65 tuổi tại Hà Nội đã mắc bệnh gout nhiều năm nay và thường xuyên tự ý mua và dùng thuốc giảm đau. Gần đây, bệnh nhân thấy tình trạng sưng đau các khớp không thuyên giảm, còn bị thêm đau vùng thượng vị, đi ngoài phân đen, hoa mắt chóng mặt, đi lại không vững nên được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện 19-8.
Qua thăm khám, ThS. BSCKII. Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng khoa Nội Thận Khớp, Bệnh viện 19-8 cho biết, đây là một trường hợp chảy máu tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng. Nguyên nhân được xác định là do bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau trị bệnh gout không đúng chỉ định, liều lượng, nên gặp biến chứng.
Theo ThS. BSCKII. Nguyễn Thị Thu Trang, đây không phải trường hợp hiếm gặp. Trong đầu tháng 7 vừa qua, bác sĩ cũng tiếp nhận ca cấp cứu với các biểu hiện đau đầu âm ỉ, chóng mặt, buồn nôn, nôn khan, do chảy máu tiêu hóa, do tự ý dùng thuốc trị gout mạn tính nhiều năm.
Có thể thấy, việc bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc điều trị gout tại nhà diễn ra rất phổ biến. Nhiều người bệnh còn tự ý dùng các loại thuốc nam, thuốc lá không rõ nguồn gốc được người quen mách bảo, đến khi có các biểu hiện nghiêm trọng mới đến bệnh viện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như khả năng hồi phục.
1. Bệnh gout là gì?
ThS. BSCKII. Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, bệnh gout (gút) là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa các nhân purines, gây tăng acid uric trong máu và hậu quả lắng đọng các tinh thể monosodium urate tại các mô của cơ thể.
Triệu chứng điển hình của bệnh gout là cơn đau dữ dội, ngoài ra, có thể kèm theo các biểu hiện sưng đỏ tại các khớp.
Bệnh gout gây ra cơn đau dữ dội kèm theo các biểu hiện sưng đỏ tại các khớp.
2. Các thuốc điều trị bệnh gout
Thuốc điều trị gout được phân thành hai loại, cấp tính và mạn tính.
2.1. Thuốc điều trị gout cấp tính
Trong điều trị cấp tính, thuốc được dùng nhằm giảm đau cấp tính, giảm sưng để khớp vận động bình thường.
Các thuốc phổ biến bao gồm NSAID, corticosteroid và colchicine.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Thuốc có tác dụng giảm đau và giảm viêm do acid uric gây ra. Một số ví dụ cụ thể cho nhóm thuốc này như naproxen, indomethacin và sulindac.
Thuốc có tác dụng ngắn hạn và có thể gây tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy. Người bệnh sử dụng thuốc không đúng chỉ định và liều lượng thậm chí có thể gặp tác dụng phụ nghiêm trọng là viêm loét dạ dày. Ngoài ra, thuốc có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận và tim mạch.
- Colchicine: Colchicine là thuốc chống viêm được sử dụng trong điều trị gout và có thể sử dụng liều thấp để dự phòng các cơn gout cấp bùng phát trong tương lai. Colchicine cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ như tổn thương gan, thận…
Sử dụng thuốc không đúng liều lượng cũng sẽ không mang lại tác dụng điều trị như kỳ vọng. Ngoài ra, thuốc cũng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như tiêu chảy nặng
, buồn nôn, nôn, đau quặn bụng…
- Corticosteroid: Được chỉ định trong trường hợp sử dụng thuốc NSAID và colchicine không hiệu quả. Prednisone là một loại corticosteroid phổ biến thường dùng trong điều trị gout cấp tính. Thuốc có tác dụng nhanh giúp cơn đau thuyên giảm hiệu quả nhưng có thể gây rất nhiều tác dụng phụ. Do đó, thuốc không được ưu tiên so với hai nhóm trên.
ThS. BSCKII. Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng khoa Nội Thận Khớp, Bệnh viện 19-8 cảnh báo về việc tự ý sử dụng thuốc điều trị gout.
2.2. Thuốc điều trị gout mạn tính
Điều trị gout mạn tính cần sử dụng thuốc giúp ngăn chặn cơn gout tấn công bằng cách đẩy nhanh quá trình đào thải acid uric và cân bằng mức acid uric trong máu. Mục tiêu trong điều trị gout mạn tính là đạt nồng độ acid uric máu ở dưới ngưỡng 300 umol/l (5mg/dl) đối với những người bệnh đã có hạt tophi và dưới 360 umol/l (6mg/dl) với những người bệnh chưa có hạt tophi.
Các nhóm thuốc điều trị gout mạn tính bao gồm:
- Thuốc ức chế tổng hợp acid uric máu bao gồm thuốc allopurinol, febuxostat.
- Thuốc giúp tăng thải acid uric như probenecid.
- Thuốc tiêu acid uric như pegloticase.
- Thuốc ức chế tái hấp thu acid uric có chọn lọc như lesinurad…
3. Một số lưu ý trong dùng thuốc điều trị gout
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc. Nên dùng thuốc trong một thời gian cố định.
- Thuốc điều trị gout cấp tính có thể gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày, nên cần uống sau khi ăn no hoặc kết hợp với thuốc kháng axit theo chỉ định của bác sĩ.
- Trong quá trình điều trị, nếu gặp phải các tác dụng phụ của thuốc, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để có phương án xử trí kịp thời. Một số trường hợp có thể xuất hiện các phản ứng dị ứng như phát ban trên da, ngứa ngáy, buồn nôn, nhức đầu, đau bụng và mệt mỏi sau khi sử dụng thuốc.
Ngoài việc tuân thủ sử dụng thuốc, người bệnh gout cần thực hành thay đổi lối sống để ngăn chặn cơn đau bùng phát:
- Uống nhiều nước;
- Hạn chế ăn nhiều đạm, đặc biệt là các thực phẩm chứa nhiều purin như thịt chó, nội tạng động vật…
- Tăng cường vận động phù hợp với thể trạng, giảm cân từ từ;
- Nghỉ ngơi, không nên tập thể dục cường độ cao trong đợt cấp tính;
- Tái khám định kỳ với bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Cảnh Giác Với Chủng Vi Rút Nguy Hiểm Của Bệnh Tay Chân Miệng | SKĐS