Chảy máu ồ ạt khi đánh răng, người bệnh nhập viện cấp cứu

15-10-2022 17:13 | Y tế
google news

SKĐS - Biến chứng giảm tiểu cầu ở bệnh nhân sốt xuất huyết là điều bình thường, tuy nhiên mức tiểu cầu về không là trường hợp hiếm gặp.

Bệnh nhân là N.Đ.T, 57 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội. Người bệnh cho biết, cách đây một tuần, đột nhiên thấy người gai rét, mệt nhiều, sốt cao 39oC.

Sau uống thuốc hạ sốt, người bệnh đã hết sốt, tuy nhiên người còn đau ê ẩm nhiều.

Được biết, tại khu vực người bệnh sinh sống đang có dịch sốt xuất huyết, nhưng do chỉ sốt cao một ngày nên bệnh nhân chủ quan không đi thăm khám.

Đến ngày thứ 3 sau sốt, trong lúc đi đánh răng thấy máu tươi chảy ra ồ ạt. Ngay lập tức bệnh nhân được đưa vào BVĐK huyện Thanh Oai thăm khám, tại đây kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết Dengue, kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số tiểu cầu 0 G/L, ngay lập tức bệnh nhân được chuyển lên BVĐK Đống Đa điều trị.

Bệnh nhân không có tiểu cầu do biến chứng sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Bệnh nhân bị xuất huyết tại các nốt sùi do biến chứng của bệnh Gout.

ThS. BS. Hà Huy Tình - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK Đống Đa cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng người mệt mỏi nhiều, chảy máu chân răng, chảy máu tại các khối u sùi do biến chứng của Gout, (bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, bệnh Gout mạn tính đã có biến chứng), chỉ số sau xét nghiệm tiểu cầu bằng 2 G/L.

Ngay lập tức bệnh nhân được truyền dịch để tăng cô đặc máu, cầm máu, truyền khối tiểu cầu. Sau 3 ngày nhập viện, tiểu cầu bệnh nhân tăng lên 28 G/L, không còn sốt, không còn chảy máu miệng, chảy máu tại các nốt sùi do biến chứng của bệnh Gout, tuy nhiên cần theo dõi dịch bụng.

Theo BS Tình, biến chứng giảm tiểu cầu ở bệnh nhân sốt xuất huyết là điều bình thường, tuy nhiên mức tiểu cầu về 0 là trường hợp hiếm gặp.

Số lượng tiểu cầu trung bình trong máu của một người khỏe mạnh ở khoảng 150.000 - 450.000 tiểu cầu /micro lít máu. Mức nguy hiểm khi bị giảm tiểu cầu là chỉ số xuống tới 50.000 tế bào/micro lít máu. Mức nghiêm trọng là 10.000 - 20.000 tiểu cầu/micro lít máu.

Bệnh nhân không có tiểu cầu do biến chứng sốt xuất huyết - Ảnh 2.

ThS. BS Hà Huy Tình thăm khám lại cho bệnh nhân.

Khi bị sốt xuất huyết, virus gây bệnh sẽ ức chế khu vực sản xuất tiểu cầu (tủy xương) làm giảm khả năng sản xuất tiểu cầu, các tế bào máu bị ảnh hưởng bởi virus khiến số lượng tiểu cầu trong máu giảm, cộng thêm các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn sốt xuất huyết cũng phá hủy một lượng lớn tiểu cầu… gây nên tình trạng giảm tiểu cầu ở bệnh nhân sốt xuất huyết.

Số lượng tiểu cầu trong máu giảm sẽ gây tình trạng xuất huyết, máu khó đông, khả năng chống nhiễm trùng của người bệnh cũng giảm đi. Nếu không được truyền tiểu cầu kịp thời, bệnh nhân có thể bị xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu mắt…), xuất huyết dưới da, xuất huyết nội tạng (chảy máu dạ dày, lách…) hoặc thậm chí là có biến chứng xuất huyết não dẫn tới tử vong.

Do vậy, BS Tình khuyến cáo, khi có sốt cao, lại đang trong vùng dịch sốt xuất huyết, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám ngay để được chẩn đoán chính xác và có chỉ định điều trị phù hợp. Đặc biệt là đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền… khả năng miễn dịch yếu hơn, khi mắc thêm một căn bệnh khác dễ có biến chứng nặng hơn, do vậy những đối tượng này cần thăm khám khi có bất cứ vấn đề nào về sức khỏe, và duy trì thuốc điều trị bệnh nền đều đặn, tránh bỏ thuốc.

Áo ngực có phải là nguyên nhân gây ung thư vú?Áo ngực có phải là nguyên nhân gây ung thư vú?

SKĐS - Mặc áo ngực hoặc phẫu thuật nâng ngực có phải là nguyên nhân gây ung thư vú hay không? Chuyên gia của Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai giải thích.


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn