Hà Nội

Chảy máu mũi

01-01-2012 10:04 | Bệnh thường gặp
google news

Chảy máu mũi là một triệu chứng của rất nhiều bệnh, biểu hiện bằng chảy máu ra cửa mũi trước hoặc chảy xuống dưới họng miệng qua cửa mũi sau.

Chảy máu mũi là một triệu chứng của rất nhiều bệnh, biểu hiện bằng chảy máu ra cửa mũi trước hoặc chảy xuống dưới họng miệng qua cửa mũi sau. 60% trên tổng số người trưởng thành có ít nhất là một lần chảy máu mũi, nhưng chỉ khoảng 6% cần can thiệp y tế.

Chảy máu mũi (CMM) hay gặp trong mùa khô (do độ ẩm không khí giảm, có ảnh hưởng đến sinh lý niêm mạc mũi). Thường gặp ở người cao tuổi một nửa số bệnh nhân trên 60 tuổi, nam giới bị nhiều gấp đôi phụ nữ.

Để hiểu thêm chúng ta cùng nhìn qua hệ thống mạch máu nuôi dưỡng mũi:

Mạch máu chủ yếu cho hốc mũi là động mạch bướm - khẩu cái (một nhánh cuối của động mạch hàm trong thuộc về hệ tuần hoàn của động mạch cảnh ngoài).

Động mạch bướm khẩu cái: đi qua rãnh bướm khẩu cái chui qua lỗ bướm khẩu cái  vào hốc mũi và chia thành động mạch mũi sau giữa đi đến vách ngăn mũi sau bên đi đến mũi bên.

Các nhánh của động mạch cảnh trong tưới máu cho phần trên của hốc mũi gồm: động mạch sàng trước và sàng sau (xuất phát từ động mạch mắt và đi qua các rãnh nhỏ xương sàng vào hốc mũi).

Vùng nối giữa các nhánh của động mạch cảnh trong và cảnh ngoài, nằm ở 2 bên vách ngăn - Điểm mạch Kisselback: điểm mạch này rất dễ chảy máu.

Nguyên nhân 

Nguyên  nhân tại chỗ có thể do viêm nhiễm: viêm mũi cấp, viêm xoang cấp, viêm loét mũi hoặc do khối u: U lành tính: u máu, polip chảy máu, u xơ vòm mũi họng,

U ác tính: ung thư mũi, ung thư sàng hàm, ung thư vòm mũi họng (PC).

Ngoài ra còn do chấn thương:

Ngoáy mũi, chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt.

- Nguyên nhân toàn thân:

Bệnh về máu và thành mạch: Bệnh bạch cầu cấp, mạn tính. Bệnh giảm tiểu cầu. Bệnh ưa chảy máu. Suy tủy. Rối loạn các yếu tố đông máu. Tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu.

Các bệnh toàn thân khác

Sốt xuất huyết, bệnh Denker, các bệnh suy gan, thận mạn tính

- Chảy máu mũi vô căn: Theo tài liệu nghiên cứu tại Việt Nam, khoảng 70% số bệnh nhân chảy máu mũi là vô căn (không tìm thấy nguyên nhân).

 Điểm mạch Kisselbach.

Phân loại mức độ

Điều trị chảy máu mũi thường phải dựa vào phân loại mức độ:

 - Chảy máu mũi nhẹ: Lượng chảy thường ít, chảy nhỏ giọt và có xu hướng tự cầm. Thường là chảy máu ở điểm mạch.

 - Chảy máu mũi vừa: Thành dòng đỏ tươi, tràn ra mũi trước hay xuống họng, có xu hướng kéo dài. Thể trạng toàn thân ít ảnh hưởng.

 - Chảy máu mũi nặng: Thường do vỡ các mạch lớn, mức độ mất máu nhiều hoặc chảy kéo dài, tái diễn nhiều lần. Toàn trạng ảnh hưởng rõ: mạch nhanh, huyết áp hạ, vã mồ hôi, mặt tái nhợt.

Hoặc dựa vào vị trí chảy máu:

- Chảy máu qua mũi trước:

Chảy máu ở điểm mạch Kisselback: dễ thấy nhất, hay gặp.

Chảy ở cuốn dưới.

Chảy ở khe giữa.

- Chảy máu mũi sau: cũng để bệnh nhân ở tư thế trên và quan sát thấy máu không chảy qua lỗ mũi trước mà lại nhổ ra máu.

Ðiều trị

- Chảy máu nhẹ: Cách thường sử dụng là dùng 2 ngón tay bóp nhẹ cánh mũi trong 5 phút.

- Chảy vừa và nhiều thì nhét bấc mũi trước, mũi sau.

Kết hợp với thuốc

Tiêm Transamin cho bệnh nhân 6 giờ một ống.

Tiêm Vitamin K cho bệnh nhân.

Tuỳ theo lượng mất máu mà đặt ra chỉ định truyền máu hay không.

Hiện nay trên thế  giới, người ta có thể dùng dụng cụ cầm máu bằng bóng nước (Ballon) bằng chất  dẻo có 2 van khác nhau. Dụng cụ này được đưa vào mũi qua cửa mũi trước qua hốc mũi đến cửa mũi sau. Bóng nước số 1 được bơm căng và kéo ra trước chèn kín cửa mũi sau. Sau đó bóng nước số 2 được bơm đầy chèn kín hốc mũi trước.

 Nếu không cầm có thể thắt các động mạch:

- Động mạch cảnh ngoài.

- Động mạch hàm trong. 

- Động mạch sàng trước.

Ngày nay dùng đông điện dưới sự hướng dẫn của nội soi để cầm máu đã được áp dụng rộng rãi.

Các động mạch có thể gây tắc mạch qua thông mạch chọn lọc đem lại kết quả tốt.

 Ảnh minh họa (nguồn Internet).
Hiện nay, tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, phần lớn các bệnh nhân được điều trị CMM bằng phương pháp nội soi do bệnh nhân đã được xử trí nhét meche ở tuyến dưới nhưng không cầm máu, cứ rút ra là CMM và mỗi lần nhét meche làm tổn thương niêm mạc và gây chấn thương hốc mũi. Do đó càng gây CMM tái phát nên chỉ định nội soi đông điện là tối ưu. Nếu bệnh nhân CMM mà được xử trí đông điện cầm máu ngay hoặc ở bệnh nhân đã xử trí nhét meche 1 tới 2 lần thì thời gian nằm viện được rút ngắn và điều trị hậu phẫu cũng rất đơn giản.
 
Do vậy hiện nay đã ứng dụng rộng rãi phương pháp nội soi mũi xoang vào cấp cứu và điều trị CMM. Nếu đông điện cầm máu không thành công, người ta thường phải chuyển sang  điều trị bằng phương pháp thắt động mạch cảnh trong. Thắt động mạch cảnh trong là phương pháp cuối cùng khi các biện pháp khác thất bại. Thắt động mạch cảnh trong là phương pháp cầm máu thường dẫn tới tai biến liệt nửa người, do đó trước khi sử dụng, bác sĩ phải giải thích rõ với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
 
Hiện nay, với sự phát triển của chuyên ngành can thiệp mạch máu của Trung tâm tim mạch can thiệp, Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đã có thể áp dụng phương pháp nút mạch có chọn lọc đối với những bệnh nhân chảy máu mũi nặng khó cầm. Đây là phương pháp mới có hiệu quả cao, do các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh thực hiện. Tỉ lệ thành công đã được nghiên cứu trên thế giới là 96-100%.  Thông qua chụp mạnh não có hệ thống, các nhà can thiệp điện quang có thể đánh giá được động mạch cấp máu, đường đi đến vị trí chảy máu để tìm ra vị trí thích hợp nhất gây tắc mạch cũng như lựa chọn những chất liệu để tiến hành quá trình can thiệp. Trên nguyên tắc, người ta phải gây tắc ở chỗ gần nhất để tránh làm tắc các mạch không liên quan.
 
Hiện nay chúng tôi sử dụng chủ yếu vật liệu là những hạt PVA (Polyvinyl alcohol particles). Các hạt này được bơm vào đoạn mạch đích qua A 3-French microcatheter, sẽ bám vào thành mạch, kích thích tạo thành cục đông máu nội mạc, làm giảm tốc độ dòng chảy, giảm khẩu kính thành mạch dẫn đến tắc mạch. Phương pháp này được thực hiện bởi những nhà điện quang có kinh nghiệm, đưa đến kết quả an toàn và hiệu quả cho các bệnh nhân chảy máu mũi nặng khó cầm. 

Phòng bệnh

Muốn xử trí cầm máu đúng phải biết đánh giá mức độ chảy máu.

Nhét bấc đúng kỹ thuật là biện pháp hữu hiệu có thể kiểm soát hầu hết mọi trường hợp chảy máu mũi.

Cần tuyên truyền giáo dục mọi người biết phương pháp sơ cứu đơn giản để cấp cứu các trường hợp chảy máu mũi nhẹ (và vừa) có hiệu quả.

PGS.TS. Phạm Trần Anh - TS. Phạm Thị Bích Ðào


Ý kiến của bạn