Chảy máu hậu môn, bệnh gì?

04-12-2017 07:18 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Chảy máu hậu môn do bất kỳ bệnh gì đều có thể làm nhiều người lo sợ và hoang mang. Chảy máu từ hậu môn có thể là chảy máu trực tiếp từ hậu môn, trực tràng, hoặc từ ruột già.

Nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này ngay cả lúc không phải đi đại tiện.

Nguyên nhân chảy máu từ hậu môn

Bệnh trĩ: Chảy máu hậu môn không phải lúc đi đại tiện có thể là do bệnh trĩ. Bản chất của trĩ là những tĩnh mạch trong trực tràng sưng lên chứa nhiều máu. Thậm chí chúng ta có thể nhìn thấy các búi trĩ bên ngoài hậu môn và cảm nhận chúng bằng ngón tay khi sờ vào quanh vùng hậu môn. Đôi khi các búi trĩ có thể vỡ và chảy máu mà không cần đại tiện. Máu từ búi trĩ có màu đỏ tươi. Các triệu chứng khác bao gồm ngứa xung quanh hậu môn, đau và tức quanh hậu môn và khó khăn khi ngồi.

Loét trực tràng: Loét trực tràng thường ít gặp, nhưng có thể xảy ra nếu bị táo bón dài ngày hoặc bị chấn thương vùng trực tràng hậu môn. Các thương tổn trực tràng cho phép vi khuẩn xâm nhập các tổn thương hở và hình thành vết loét. Nếu nhiễm khuẩn trở nên trầm trọng, có thể có chảy máu trực tràng. Các triệu chứng khác bao gồm đau trực tràng, cảm giác căng đầy gần trực tràng và gây cảm giác mót rặn.

Nguyên nhân gây loét trực tràng có thể do: chấn thương; cào bằng móng tay gây xước tại chỗ vùng hậu môn trực tràng; táo bón; rặn nhiều khi đại tiện; sa trực tràng.

Viêm trực tràng: Khi trực tràng bị viêm sẽ được gọi là viêm trực tràng. Đây là một tình trạng bệnh gây đau đớn và có thể gây chảy máu từ trực tràng không phải lúc đi đại tiện. Các triệu chứng khác bao gồm cảm giác mót rặn bắt đi đại tiện, chảy máu kèm chất nhầy, đau bụng và chảy máu trực tràng liên tục có màu đỏ tươi.

Chảy máu hậu môn, bệnh gì?Nội soi phát hiện polyp đại tràng.

Polyp đại tràng: Polyp đại tràng thường lành tính và có thể chảy máu bất cứ lúc nào. Bạn sẽ thấy máu có màu sẫm, màu đỏ hoặc màu nâu. Một số polyp có thể biến chứng ung thư đại tràng, nhưng không phải tất cả. Polyp đại tràng nên được điều trị và loại bỏ để tránh biến chứng. Khuyến cáo nên nội soi đại tràng để sàng lọc đối với bất cứ ai trên 50 tuổi. Các triệu chứng khác bao gồm thiếu máu, đau, buồn nôn.

Nguyên nhân polyp đại tràng do có các tế bào bất thường trong đại tràng; đột biến gene; có tiền sử gia đình mắc polyp đại tràng; bệnh đường ruột...

Viêm nứt kẽ hậu môn: Viêm nứt kẽ hậu môn có thể gây ra chảy máu từ hậu môn không kèm đại tiện, nhưng viêm nứt kẽ hậu môn thường có tiền sử chấn thương liên quan đến vùng hậu môn hoặc trực tràng. Các triệu chứng khác bao gồm đau, ngứa, sót phân do đau, nhiễm khuẩn có thể xảy ra do tiếp xúc phân lúc  đại tiện.

Ung thư đại tràng: Chảy máu từ hậu môn mà không có đại tiện có thể báo hiệu ung thư đại tràng. Đây là dạng ung thư phát triển chậm và phổ biến, nhưng có thể điều trị thành công cao nếu phát hiện sớm bệnh. Các triệu chứng khác bao gồm suy nhược cơ thể, giảm cân, không dung nạp thức ăn và thiếu máu.

Các biện pháp phòng ngừa chảy máu hậu môn

Giữ cho khu vực hậu môn sạch sẽ và khô ráo. Cố gắng tránh các loại xà phòng hoặc bất cứ thứ gì kích thích nếu bạn đang bị chảy máu hậu môn. Chỉ cần rửa hậu môn bằng nước sạch và vỗ nhẹ vài lần mỗi ngày.

Sử dụng giấy vệ sinh loại mềm. Giấy vệ sinh thô ráp có thể gây khó chịu cho khu vực hậu môn.

Chỉ mặc đồ lót bằng chất liệu cotton để tránh ra mồ hôi và hạn chế nhiễm khuẩn. Đồ lót bằng chất liệu cotton cho phép vùng hậu môn sinh dục thông khí giúp ngăn ngừa mồ hôi và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.

Không gây xước hoặc chạm vào thương tổn vùng hậu môn bằng tay trần. Móng và bàn tay của bạn chứa vi khuẩn có thể lây lan sang các vết thương hở vùng hậu môn trực tràng. Ngoài ra, đừng bao giờ cố gắng lấy phân bằng tay nếu bạn bị táo bón, vì động tác này có thể gây ra xây xước vùng hậu môn trực tràng.

Tránh dùng aspirin hoặc ibuprofen khi có chảy máu hậu môn, do thuốc có thể làm tăng chảy máu. Aspirin và ibuprofen đều có đặc tính làm loãng máu.

Không ngồi hoặc đứng ở một vị trí quá lâu: Ngồi hoặc đứng ở một chỗ quá lâu có thể gây áp lực lên hậu môn và trực tràng. Điều này có thể làm nặng thêm bệnh trĩ và dẫn đến xuất huyết.

Điều trị dứt điểm tiêu chảy và táo bón: Tiêu chảy và táo bón có thể gây kích ứng niêm mạc vùng hậu môn trực tràng. Các rối loạn này có thể dẫn đến chảy máu từ hậu môn mà không cần đi đại tiện, đôi khi chảy máu xuất hiện chỉ vài giờ sau khi bạn rời nhà vệ sinh. Trong trường hợp này, bạn có thể thấy máu có màu đỏ sẫm hơn.

Ăn một chế độ ăn nhiều chất xơ: Táo bón là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chảy máu từ hậu môn. Cân bằng chế độ ăn uống, bổ sung thực đơn cho các bữa ăn nhiều rau quả, tránh sử dụng quá nhiều những đồ cay nóng. Ăn uống lành mạnh, khoa học và đủ dinh dưỡng. Hãy chắc chắn rằng bạn ăn nhiều chất xơ và cân bằng dinh dưỡng để giúp ngăn ngừa bất kỳ tổn thương nào cho hậu môn.

Nếu xảy ra hiện tượng viêm nhiễm vùng hậu môn trực tràng, cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, đồng thời áp dụng các biện pháp chống viêm hiệu quả, bao gồm điều trị toàn thân và tại chỗ, tránh viêm nhiễm kéo dài và lan rộng.

Thường xuyên tăng cường vận động và tập thể dục nhằm nâng cao tuần hoàn chung cơ thể và tuần hoàn vùng hậu môn trực tràng, nâng cao khả năng đề kháng cơ thể nhằm tránh xảy ra viêm nhiễm hậu môn trực tràng.


BS. Nguyễn Hải Lê
Ý kiến của bạn