Theo lời kể của bà M, bà có tiền sử tăng huyết áp và chấn thương sọ não cũ do tai nạn giao thông không có di chứng.
Trước khi vào viện 5 ngày, bà M. bị đau tay nên đã tự uống 1 loại thuốc giảm đau của nước ngoài được con mua gửi về (bệnh nhân thấy chồng cũng uống thuốc này đỡ đau nên đã tự uống), mỗi ngày uống 4 viên chia 2 lần.
Sau uống thuốc 3 ngày, xuất hiện tình trạng đau bụng, ợ chua, ợ hơi và mệt mỏi. Người bệnh tự theo dõi ở nhà 2 ngày nhưng không đỡ, kèm theo có đại tiện phân màu đen, nên đã đến BVĐK tỉnh Phú Thọ khám.
Lúc vào viện, người bệnh tỉnh, đau bụng thượng vị, mệt nhiều, hoa mắt, chóng mặt, nôn ít dịch đen, đại tiện phân đen, huyết áp 100/60mmHg.
Kết quả nội soi tiêu hóa cho thấy có loét dạ dày FORREST-III, loét hành tá tràng FORREST-IIb; xét nghiệm công thức máu: Hồng cầu 2,9T/L (trung bình 4,5T/L), hemoglobin(Hb) 82g/l (bình thường135g/l-145g/l), hematocrit(Hct) 25% (bình thường 35-50%).
Người bệnh được chẩn đoán: Xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do loét dạ dày Forrest III, loét hành tá tràng Forest Iib.
Bệnh nhân được điều trị thở oxy, truyền dịch, truyền máu, giảm tiết niêm mạc dạ dày.
Sau điều trị 2 ngày người bệnh đỡ đau bụng, không sốt, không nôn, còn đại tiện phân đen, huyết động ổn định.
Hết 6 ngày điều trị, người bệnh không còn đau bụng, hoa mắt, chóng mặt, đại tiện phân vàng, các chỉ số xét nghiệm máu trở về bình thường. Bà M. được ra viện, tiếp tục dùng thuốc tại nhà theo đơn của bác sĩ và được tư vấn chế độ sinh hoạt sau điều trị xuất huyết tiêu hóa.
BSCKII Bùi Mạnh Cường – Trưởng khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa, BVĐK tỉnh Phú Thọ cho biết: Xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày, hành tá tràng là một cấp cứu nội ngoại khoa.
Đây là tình trạng máu chảy từ lòng mạch vào trong ống tiêu hoá, người bệnh có biểu hiện nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen. Tình trạng này rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm.
Nhiều bệnh nhân chỉ có biểu hiện mệt mỏi, đại tiện phân đen số lượng ít nên chủ quan không đến bệnh viện thăm khám ngay mà theo dõi tại nhà, đến khi mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, ngất mới đến bệnh viện, thậm chí có nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng shock mất máu ảnh hưởng tới tính mạng.
Theo các nghiên cứu, tỷ lệ tử vong của bệnh lý này 10-20%. Vì vậy cần phải chẩn đoán càng sớm càng tốt, để có biện pháp xử trí, cấp cứu kịp thời.
Nhiều loại thuốc xương khớp của nước ngoài mà người dân hay mua trong thành phần có các hoạt chất chống viêm giảm đau không steorid, ngoài tác dụng chống viêm, giảm đau sẽ ảnh hưởng tới dạ dày gây ra viêm loét thậm chí có thể biến chứng xuất huyết tiêu hóa. Do đó, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc này.
Mời các bạn xem tiếp bài liên quan: