Chảy máu cam khi dùng thuốc xịt mũi có nguy hiểm?

22-07-2021 12:08 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Con gái tôi năm nay 11 tuổi. Cháu bị viêm mũi xoang, viêm họng dị ứng. Đi khám bác sĩ cho cháu dùng thuốc xịt mũi fluticasone. Tuy nhiên khi dùng thuốc này tôi thấy cháu thỉnh thoảng bị chảy máu cam nhẹ. Xin hỏi con tôi bị chảy máu cam có phải do thuốc xịt mũi? Nên làm gì để hết bị chảy máu cam? Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Vũ Mai Hoa (Đồng Tháp)

Chảy máu cam hay còn gọi là chảy máu mũi là một tình trạng gặp ở gần 60% dân số, tuy nhiên chỉ 20% trong số này cần có sự hỗ trợ y tế. Chảy máu mũi do nhiều nguyên nhân gây ra từ các nguyên nhân tại chỗ (viêm nhiễm, chấn thương, khối u…), toàn thân: Bệnh máu, sử dụng thuốc… thậm chí không tìm thấy nguyên nhân. Như bạn mô tả, con bạn sau khi dùng thuốc xịt mũi fluticasone mà xuất hiện chảy máu mũi thì thường liên quan tới thuốc đang dùng.

Thuốc xịt fluticasone là loại thuốc để làm giảm các triệu chứng ở mũi do dị ứng hoặc không do dị ứng, ví dụ như nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa và hắt hơi. Thuốc fluticasone cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng dị ứng ở mắt như ngứa mắt, chảy nước mắt. Thuốc fluticasone thuộc nhóm thuốc chống viêm nhóm corticosteroid. Việc sử dụng loại thuốc xịt mũi này có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như chảy máu mũi, khô mũi, khô họng, ngứa mũi, ngứa họng, đau đầu, cảm giác mùi vị khó chịu,…

chảy máu cam

Chảy máu cam có thể là do tác dụng phụ của thuốc xịt mũi.

Nếu xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng như: Chảy máu mũi nặng hoặc đang bị chảy máu mũi; thở khò khè, chảy nước mũi, hoặc có vảy xung quanh mũi; mẩn đỏ, đau nhức hoặc có vết đốm trắng ở miệng hoặc cổ họng; sốt, ớn lạnh, suy nhược, buồn nôn, nôn mửa, các triệu chứng cảm cúm; vết thương không lành lặn; thị lực mờ, đau mắt hoặc nhìn thấy vầng hào quang xung quanh ánh sáng… người bệnh cần ngừng thuốc ngay và liên hệ với bác sĩ điều trị để có hướng xử trí.

Tạm thời bạn cho con dừng thuốc xịt mũi, đưa cháu đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng để xác định nguyên nhân thực sự gây chảy máu cam của cháu là gì, từ đó có hướng điều trị phù hợp.


PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào
Ý kiến của bạn