Sau bữa ăn thì…nhập viện cấp cứu
Theo Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, 3 bệnh nhân là N.V.S; N.G.H; N.P.Q (đều trú ở Ninh Hòa, Khánh Hòa) được đưa đến bệnh viện cấp cứu với các biểu hiện ngộ độc thực phẩm.
Trước đó, 3 người này vào một quán ăn trên địa bàn Ninh Hòa gọi 2 con sam biển ra hấp để ăn. Ăn xong khoảng gần 30 phút thì có cảm giác choáng váng, tê đầu lưỡi, các đầu ngón tay cũng mất cảm giác, đau bụng, nôn…
Các biểu hiện sức khỏe ngày càng xấu đi nên các bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa để cấp cứu và được chuyển tiếp lên Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa.
Ngày 7/2, TS-BS Nguyễn Lương Kỷ -Trưởng Khoa hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa) cho biết, xác định đây là những ca ngộ độc đã chuyển biến nặng nên ngay khi tiếp nhận các bệnh nhân, y bác sĩ đã tập trung cao độ, chạy đua với thời gian để cấp cứu. Cho đến ngày 6/2 thì có 2 bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Đến ngày 7/2 thì bệnh nhân thứ 3 (người nặng nhất) cũng đã cho rút ống thở, tự thở tốt, qua theo dõi sát sao thì sinh hiệu ổn định. Tuy đã vượt qua được giai đoạn nặng nhưng hiện các bệnh nhân vẫn đang tiếp tục được chăm sóc, hồi sức chu đáo tại bệnh viện.
Từ sự việc trên, bác sĩ Kỷ cũng đưa ra khuyến cáo, nếu không chắc chắn vật mình ăn là con gì thì không ăn, các loại hải sản ôi thiu cũng không nên ăn. Bên cạnh đó, để tránh bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu thì cần nâng cao kỹ năng nhận diện các loại con có độc như: Con so biển; ốc bùn bóng; cá nóc; cua mặt quỷ…
Nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng bệnh nhân N.V.S; N.G.H; N.P.Q ngộ độc phải cấp cứu hiện đang được các lực lượng chức năng liên quan ở Khánh Hòa làm rõ.
Phân biệt con sam và con so
Có kinh nghiệm nhiều năm đi biển và nghiên cứu về biển, TS KH Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang chỉ cách phân biệt hiệu quả nhất giữa con sam và con so đó là, sam lúc nào cũng đi hai con, còn nếu đi 1 con thì đó là con so. Bao giờ cũng thế, bắt được cả hai con đi với nhau thì đó là con sam và mới ăn thịt được, nếu chỉ có một con thì đó là con so, là con độc, không được ăn. Bên cạnh đó, còn phân biệt sự khác biệt giữa đuôi của con sam và so, đuôi sam có gờ mặt lưng rất rõ, con so đuôi không có gờ mặt lưng.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ thêm cách phân biệt con sam với con so biển là: Con sam có tên khoa học Tachypleustridentatus, có hình thù lạ mắt, vỏ cứng như mai cua, mình tròn vẹt, đường kính khoảng một gang tay, dưới bụng có 8 chân càng nhỏ, bơi rất chậm và bò như cua, sam trưởng thành nặng khoảng 2kg.
Con so biển có tên khoa học Carcinoscorpiusrotunicauda có hình dáng rất giống sam, nhưng là một loài có độc, khi ăn so biển, trúng độc nặng có thể gây tử vong. Loài này sống ở ven biển, chúng có hình dạng giống sam biển nhưng kích thước nhỏ hơn, trọng lượng thường dưới 1 kg.