Ca mắc tay chân miệng vượt ngưỡng cảnh báo
Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết, những ngày này, số ca mắc bệnh tay chân miệng ở địa phương đăng tăng lên vùn vụt.
Từ ngày 1 đến hết ngày 20/7 có đến 795 ca mắc tay chân miệng trên tổng số 1.205 ca bệnh từ đầu năm đến nay. Ca mắc tay chân miệng trong tháng 7 ở Khánh Hòa đã vượt ngưỡng cảnh báo dịch bệnh tay chân miệng và đáng báo động, dự báo số ca mắc mới sẽ còn tăng cao vào các tháng tiếp theo.
Hiện tại, cả 8/8 huyện, thị, thành phố ở Khánh Hòa đều có ca mắc tay chân miệng, trong đó, huyện Vạn Ninh có số ca mắc cao nhất, tiếp theo đến TP Nha Trang; Cam Ranh; huyện Diên Khánh… Trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 61 ổ dịch tay chân miệng thì huyện Vạn Ninh chiếm 28 ổ dịch.
Trong tổng số ca mắc tay chân miệng ở Khánh Hòa cho thấy, trẻ từ 3 tuổi trở xuống chiếm hơn 60%; trẻ từ 3 tuổi đến 5 tuổi chiếm hơn 20%...
Phân độ bệnh tay chân miệng chủ yếu là độ 1 và độ 2a, 2b (độ 1 người mắc tay chân miệng thường loét miệng hoặc tổn thương da; độ 2a có các triệu chứng như sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C kèm theo nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc, độ 2b thường có biểu hiện nhịp tim nhanh, sốt cao, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng). Đã ghi nhận 15 trường hợp mắc tay chân miệng độ 3 (đã có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp) và 3 trường hợp độ 4 (đã có triệu chứng sốc, phù phổi, tím tái, thở nấc, ngưng thở…). Trong số 3 ca mắc tay chân miệng độ 4 ở Khánh Hòa đã có 1 ca tử vong.
Để kịp thời cứu chữa người mắc tay chân miệng một cách tốt nhất, bệnh nhân độ 2a trở lên ở Khánh Hòa được khẩn trương đưa đi điều trị nội trú trong bệnh viện.
Tranh thủ từng phút cứu bệnh nhân tay chân miệng nặng
Hều hết các ca mắc bệnh tay chân miệng nặng ở Khánh Hòa đều được đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa cấp cứu, điều trị.
Bởi vậy, suốt nhiều ngày qua, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện này luôn trong trạng thái các nhân viên y tế hối hả chạy đua cấp cứu bệnh nhân mắc tay chân miệng nặng.
Nhiều nhân viên y tế tại đây cho biết, cả máy móc và con người đều phải làm việc với công suất tối đa, nhiều lúc mệt quá đành động viên nhau hãy cùng cố gắng vì bệnh nhân đang cần mình. Có những bệnh nhân mắc tay chân miệng nặng, quanh giường bệnh luôn phải thường trực nhiều y bác sĩ.
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, trong ngày 20/7, bệnh viện đang cấp cứu, điều trị cho gần 90 bệnh nhân tay chân miệng, trong đó phần lớn độ 2a trở lên, có 3 bệnh nhân độ 3 và 1 bệnh nhân độ 4.
Vừa khẩn trương đi xử trí một ca cấp cứu bệnh tay chân miệng xong, BS Đỗ Duy Bình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa) chia sẻ: "Trong mấy ngày qua, trung bình 1 ngày tiếp nhận 7 đến 10 bệnh nhân mắc tay chân miệng độ 2b trở lên. Chúng tôi phải căng mình nỗ lực cấp cứu, điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới. Năm ngoái chúng tôi không gặp ca tay chân miệng nặng nào, năm nay mới gặp những con số đột biến như vậy, trong đó có những ca rất nặng phải ngày đêm lọc máu, thở máy. Trung bình, 1 ca tay chân miệng nặng vào đây phải điều trị khoảng 1 tuần mới có thể ổn định. Trong 1 tuần đó, đội ngũ y bác sĩ phải tập trung cao độ, làm việc cật lực hết mình, theo dõi bệnh nhân từng phút, tuyệt đối không được phép lơ là".
Từ kinh nghiệm cứu chữa bệnh nhân tay chân miệng nặng, BS Đỗ Duy Bình cũng đưa ra khuyến cáo, các bậc phụ huynh là hãy nhớ thật kỹ 3 điều trong bệnh tay chân miệng, đó là: bệnh tay chân miệng thường chỉ chuyển biến nặng ở trẻ 3 tuổi trở xuống; các biến chứng nguy hiểm thường xảy ra ở 3 tiếng đầu tiên kể từ khi trẻ có các biểu hiện chuyển biến nặng; thời gian vàng để cứu trẻ mắc tay chân miệng là trước 72 tiếng kể từ lúc xuất hiện biến chứng. Nếu trẻ đã xuất hiện biến chứng mà sau 72 tiếng mới được đưa đến bệnh viện thì việc cứu sống rất khó khăn, nếu cứu được thì cũng sẽ để lại những di chứng nặng nề.