Trao đổi với báo chí ngày 2/6, bác sĩ Huỳnh Bá Long - khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, bệnh nhân Đoàn Văn Hùng (45 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM) đang trong tình trạng rất xấu, khó tiên lượng do bị bỏng tia lửa điện.
Theo bác sĩ Long, ông Hùng nhập viện lúc 15g45 ngày 31/5 trong tình trạng bỏng đen, sưng phồng gần như toàn thân, chỉ trừ chân phải là chưa bị cháy. Tuy chỉ số tim mạch và huyết áp của bệnh nhân không có dấu hiệu bất thường, nhưng các chấn thương gây ra do tia lửa điện có chuyển biến rất khó lường. Kể từ khi nhập viện đến nay, ông Hùng đã có 2 lần ngưng thở nhưng các bác sĩ đã kịp hồi sức giúp bệnh nhân tiếp tục thở lại.
Em Dũng và mẹ đang ngồi chờ thông tin về tình trạng sức khỏe của ông Hùng tại khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Quốc Ngọc.
Em Đoàn Anh Dũng (14 tuổi) - con trai của ông Hùng - kể lại sự việc vào trưa ngày 31/5, hai cha con rủ nhau đi câu cá ở tận thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đến khoảng 15 giờ chiều cùng ngày, khi trời vừa tạnh cơn mưa, ông Hùng cầm cần đang thả câu bằng tay phải, vừa nghe điện thoại di động bằng tay trái. Theo em Dũng, hai cha con đứng cách một cột điện trung thế chừng 5m.
Khi cha vừa câu vừa nói chuyện điện thoại, em Dũng thấy một tia chớp lóe lên từ trên cao, sau đó là một tiếng nổ lớn. Em Dũng tức thì quay sang nhìn cha thì thấy ông Hùng đã nằm bất tỉnh, toàn thân cháy đen. Em vội cởi áo cha ra, nhúng xuống hồ để cho cha tỉnh, rồi tri hô để mọi người hỗ trợ đưa ông Hùng vào Bệnh viện thị xã Thuận An cấp cứu. Sau đó, ông được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo em Dũng, khi tai nạn xảy ra, chiếc điện thoại của ông Hùng cũng bị cháy đen, hư hỏng, hiện đã bàn giao cho công an. “Sau khi nghe tiếng nổ, quay lại thì thấy cha đã nằm đó rồi. Tóc bị cháy, da cũng bị cháy, quần áo cũng cháy. Mùi khét từ da và quần áo tỏa ra, Điện thoại của cha bị nổ, cháy đen. Giày bên trái bị đánh bạc màu, còn bên khi thì không sao. Được đưa lên xe cấp cứu mà cha cứ hỏi sao nóng vậy, sao lại bị bỏng như vậy”, Dũng nức nở.
Bác sĩ Long cho biết thêm, tại khoa bỏng rất ít khi tiếp nhận bệnh nhân bị sét đánh vì phần lớn người bị sét đánh đã tử vong tại chỗ do dòng điện của sét rất lớn lên đến hàng nghìn KV. “Chúng tôi nghĩ nhiều đến khả năng sét đánh trúng vào lưới điện trung thế làm phóng ra tia lửa điện trúng người bệnh nhân”, bác sĩ Long nói.
Theo bác sĩ Long, đây là cảnh báo cho tất cả người dân tránh những tai nạn do điện. Nên tránh những khu vực gần đường dây, trạm điện cao, trung thế, dưới gốc cây cao, những vị trí trống trải khi trời mưa, và hết sức chú ý tránh sử dụng điện thoại vào những thời điểm này.