Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Duy Bình (VPLS Duy-Trinh) cho hay, đây là vụ cháy gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng và tài sản. Theo thông tin báo chí nêu, nguyên nhân xảy ra vụ hỏa hoạn có liên quan đến hệ thống phòng chống cháy nổ như hệ thống cửa ngăn cháy, đèn thoát hiểm, chuông báo cháy không phát huy tác dụng dẫn đến việc người dân ở chung cư này không thể phát hiện kịp thời để tìm lối thoát nạn.
Lỗi của chủ đầu tư nặng hay nhẹ trước hết chưa nói nhưng không thể thoát được trách nhiệm trong vụ việc này, bởi trước đó việc hệ thống phòng cháy chữa cháy có vấn đề và người dân đã nêu ý kiến, đề nghị khắc phục.
Còn luật gia Đặng Đình Thịnh đưa ra quan điểm: Theo tôi cần khởi tố vụ án; khởi tố để sớm tìm ra nguyên nhân xảy ra vụ cháy. Tiếp theo đó là quy trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nào; qua đây cũng cần cảnh báo như một hồi chuông báo động, chung cư cao cấp mà để xảy ra cháy, thiệt hại bao nhiêu sinh mạng, gây hoang mang lo lắng.
Trước mắt công tác kiểm tra, giám sát và quản lý của chính quyền về công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn của quận 8 nói riêng và TP.HCM nói chung...cần được xem xét và cấp thiết được rà soát lại.
Trong quá trình triển khai thi công các dự án nói chung và chung cư nói riêng, quy chuẩn PCCC là rất khắt khe theo các quy định của pháp luật hiện hành. Bởi trước khi tiến hành xây dựng một dự án chung cư thì phải có thiết kế, bản vẽ riêng về phòng cháy chữa cháy và được đơn vị phòng cháy chữa cháy kiểm duyệt, nghiệm thu rồi mới đưa vào vận hành. Khi đã đưa vào vận hành thì chủ đầu tư phải là người chịu trách nhiệm, phải có Ban quản lý của chung cư đó theo dõi, giám sát, bảo trì, bảo dưỡng để khắc phục ngay những cái hư hỏng.
Khởi tố vụ án để khi xem lúc trong thiết kế và cấp phép xây dựng đã đúng quy trình hay chưa, trong quá trình vận hành của chung cư xảy ra hỏng hóc là do khách quan hay chủ quan từ đâu.
Theo thông tin tôi được biết dưới tầng hầm có hỏng hóc về điện và người dân họ báo và chính quyền quận 8 cũng có công văn đề nghị chủ đầu tư khắc phục nhưng họ không làm. Trước mắt chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm, thứ 2 là quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm.
"Khi dân phản ánh anh phải xuống có biện pháp, chế tài, phải đề nghị người ta làm, cúp điện hay là mời chủ đầu tư lên cam kết. Nhưng các cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý, gây ra hậu quả đáng tiếc" - lời ông Đặng Đình Thịnh.
Về phía mình, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng) cho rằng cần phải chờ kết luận điều tra mới có thể biết được trách nhiệm của chủ đầu tư đến đâu.
“Trách nhiệm của họ là việc lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, nhưng muốn biết được trách nhiệm của họ phải chờ kết quả điều tra để xác định họ có lắp đặt đúng yêu cầu của pháp luật quy định hay không, thiết bị đó có đảm bảo an toàn, có tác dụng hay không và có đúng quy trình hay không? Chúng ta phải chờ kết quả điều tra mới biết được”, luật sư Hưng cho hay.