Cháy chợ - Lỗi từ ý thức

02-04-2018 07:27 | Pháp luật
google news

SKĐS - Thời gian qua, liên tiếp các vụ cháy chợ đã xảy ra trên toàn quốc do công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) còn sơ sài, thiếu chuyên nghiệp, không đáp ứng được năng lực chữa cháy khi xảy ra sự cố.

Đó chính là những nguyên nhân khiến đám cháy bùng phát và gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vụ việc cháy chợ Quang tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội) mới đây đã thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các tiểu thương, các ban quản lý về công tác PCCC.

Thiệt hại lớn từ sơ ý nhỏ

Theo phân tích của các chuyên gia cháy nổ thuộc Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội, sự tuân thủ an toàn PCCC tại chợ là nghiêm ngặt trong mọi lúc, mọi nơi. Bởi nơi đây luôn tập trung đông người, sự quá tải, kèm theo ý thức chưa cao của cá nhân người đi chợ, tiểu thương sẽ khiến cho hỏa hoạn rình rập và cháy bất kỳ lúc nào. Cụ thể, vụ cháy chợ Quang xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, chiều 31/3, mặc dù nguyên nhân đang được cơ quan công an khám nghiệm, điều tra, song ban đầu những vật chứng cho thấy xuất phát cháy từ kiot bán vải vóc và trong tàn dư hiện trường thấy dấu hiệu của việc thắp hương (khi xảy cháy là ngày rằm tháng 2 âm lịch). Theo thống kê sơ bộ ban đầu, vụ cháy chợ Quang đã thiêu rụi khoảng 10 ki-ốt và 40 sạp hàng, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Chợ Quang tan hoang sau đám cháy khiến nhiều tiểu thương trắng tay.

Chợ Quang tan hoang sau đám cháy khiến nhiều tiểu thương trắng tay.

Lực lượng Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội cũng cho biết luôn có kế hoạch tuyên truyền, tập huấn định kỳ và kiểm tra đột xuất các chợ hàng năm. Riêng đối với chợ Quang và các chợ trên địa bàn huyện Thanh Trì, Phòng Cảnh sát PCCC số 7 - đơn vị phụ trách địa bàn đã nhiều lần kiểm tra, xử lý, lập bản cam kết PCCC đối với từng tiểu thương, đặc biệt nhấn mạnh việc thắp hương, đốt nến của các tiểu thương. Bởi đây là nguồn lửa trần nguy hiểm nhất, dễ tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Chỉ một sơ ý nhỏ là toàn bộ tài sản thành tro tàn. Hỏa hoạn xảy ra đều không mong muốn trong bất cứ ai, nhưng cung cách sinh hoạt, không tuân thủ, thậm chí là thờ ơ với an toàn PCCC là rất đáng lên án, cần phải bị xử lý nghiêm.

Trước đó, vào khoảng 2h ngày 6/2, tại chợ Chà Là (ấp Chà Là, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cũng xảy ra một vụ cháy lớn, khiến 2 người tử vong. Bà Lê Thu Phượng, Chủ tịch UBND xã Trần Phán cho biết: Vào khoảng thời gian trên, đám cháy xuất phát từ các ki-ốt bán quần áo trong trung tâm chợ rồi nhanh chóng lan rộng. Ngay sau khi nhận thông tin, lực lượng chức năng xã đến hiện trường cùng người dân nhanh chóng dập lửa. Sau đó lực lượng PCCC của huyện và tỉnh cũng xuống hỗ trợ và đến khoảng gần 4h cùng ngày đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, do bị kẹt trong đám cháy, vợ chồng tiểu thương Trà Thái Hoàng và chị Dương Ngọc Trân đã tử vong. Ngoài ra, vụ cháy còn thiêu rụi gần như toàn bộ đồ đạc trong 5 cửa hàng của các tiểu thương.  Ước tính thiệt hại do vụ cháy gây ra hơn 3,5 tỷ đồng. Theo đánh giá bước đầu, nguyên nhân xảy ra vụ cháy có thể là do chập điện.

Vi phạm luôn tiềm ẩn

Theo Đại tá Trần Văn Vụ - Trưởng phòng Kiểm tra hướng dẫn về phòng cháy thuộc Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng trên 411 chợ, trong đó có 3 chợ đầu mối, 380 chợ đã được phân hạng, bao gồm 12 chợ hạng 1, 69 chợ hạng 2, 299 chợ hạng 3. Xác định tiềm ần nguy cơ cháy, nổ cao thời gian qua, Cảnh sát PCCC đã triển khai nhiều giải pháp PCCC đối với chợ, cũng như trung tâm thương mại bằng các biện pháp như: tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; mở rộng hình thức tuyên tuyền, tập huấn, phổ biến kiến thức đến tiểu thương, người dân… Đến nay, ý thức của tiểu thương, ban quản lý chợ, người dân có nâng lên, tuy nhiên tại các chợ vẫn còn tồn tại nhiều lỗi vi phạm về PCCC. Nếu cả chợ hàng trăm người tuân thủ PCCC mà một người ý thức kém thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Chính vì thế mà nhiệm vụ PCCC là của toàn dân chứ không của riêng ai. Mỗi người dân là một người lính cứu hỏa, vì thế khi tập huấn, tuyên truyền phải lấy đây là nhiệm vụ cần thiết để phục vụ chính mình và mua bình chữa cháy là tự cứu mình. Ý thức được như vậy thì sẽ hạn chế được cháy lan, cháy lớn bởi khi phát hiện cháy, người dân dùng bình chữa cháy dập tắt ngay, chứ đợi lực lượng cứu hỏa đến thì lửa đã bùng phát và lúc đó không chỉ thiệt hại lớn mà còn nguy cơ chết người.

Để công tác PCCC tại các chợ được tốt, hiện Cảnh sát PCCC thành phố đang phối hợp cùng UBND các quận, huyện, sở - ngành tập trung kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các vi phạm, nhất là các trung tâm thương mại quy mô lớn, chợ đầu mối. Trong đó, lực lượng chức năng sẽ cương quyết xử lý nghiêm các lỗi vi phạm có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ, hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến điều kiện thoát nạn như: tự ý câu mắc điện không đúng kỹ thuật, lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất cao, sử dụng lửa trần trong chợ (đốt vàng mã, nhang đèn, hút thuốc), sắp xếp bố trí hàng hóa trên lối thoát hiểm… Thậm chí sẽ tạm đình chỉ hoạt động nếu vi phạm tái diễn, tồn tại kéo dài.

Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong ngày 31/3, ngoài vụ cháy chợ Quang tại Thanh Liệt, Thanh Trì, tại Hà Nội đã xảy ra 3 vụ cháy khác gây thiệt hại nhiều tài sản có giá trị của người dân, gồm: vụ cháy xảy ra vào lúc 3 giờ 30 phút tại nhà xưởng sản xuất chổi chít rộng khoảng 70m2 (tổ dân phố 17, phường Phú Lương, quận Hà Đông); vụ cháy xảy ra vào 14h tại bãi trông giữ xe, ngõ 85, phố Vũ Đức Thận, phường Việt Hưng, quận Long Biên làm hư hại 3 xe ôtô con; vụ cháy xảy ra lúc 15h30, tại nhà số 69, phố Thanh Nhàn, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng. Rất may, cả 4 vụ cháy nêu trên đều không gây thiệt hại về người. Nguyên nhân các vụ cháy đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.


Hà Đăng
Ý kiến của bạn