Hà Nội

Cháy bỏng sáng tạo trong NSND Vương Duy Biên

22-05-2024 15:23 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Công chúng biết đến tên tuổi Nhà điêu khắc - NSND Vương Duy Biên không hẳn chỉ bởi ông từng là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hay PCT Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam hiện nay vẫn xuất hiện trên báo chí, truyền hinh.

Công chúng biết ông, yêu ông qua các tác phẩm nghệ thuật đi vào đời sống nhiều hơn. Hạnh phúc thực sự của người nghệ sĩ là đây.

Hiếm có tượng đài nào như tượng đài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đặt ở quảng trường 3-2 thành phố Nam Định mà Vương Duy Biên là tác giả được nhân bản, sao chép lan truyền trong đời sống xã hội nhiều như thế. Tượng lớn nhỏ ở nhiều thành phố, cả trên bàn làm việc, rồi bị bắt chước đổ thạch cao, để đồng, đẽo đá theo mẫu được bán tràn lan trong không ít cửa hàng mỹ phẩm, lưu niệm. Chưa nói đến tác quyền bị xâm phạm nhưng phải nói là tượng có giá trị mới bị sao chép và sự sáng tạo đã đi được vào lòng người đến thế nào.

Có thể nói, trước hết Vương Duy Biên là một trong những nhà điêu khắc hàng đầu về tượng danh nhân. Từ tượng đài Trần quốc Tuấn rồi tượng đài Trường Chinh, gần đây nhất là tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh mới khánh thành trên đảo Ngọc TP Phú Quốc, tượng nào của ông cũng mang chiều sâu hồn cốt nhân vật.

Cháy bỏng sáng tạo trong NSND Vương Duy Biên- Ảnh 1.

NSND Vương Duy Biên chụp cùng Tượng đài Bác Hồ tại TP Phú Quốc trong ngày khánh thành.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh mới khánh thành với bàn tay phải đặt lên ngực trái gợi đến câu nói bất hủ "Miền Nam luôn trong trái tim tôi" của Người khi nước nhà chưa thống nhất. 

Nay nước nhà đã thống nhất, Bắc Nam liền một dải, khối tượng đài với tổng chiều cao 20,7m; trong đó tượng Bác, đổ đồng cao 18m nhìn ra phía biển còn có ý nghĩ về chủ quyền đất nước và Bác là hình ảnh của nhân dân, như ý nguyện của Người: Tổ quốc mãi trường tồn luôn trong trái tim mỗi con dân nước Việt. Sừng sững trước đảo đầy nắng và gió, tác giả tượng đài khéo léo từng chi tiết từ nếp quần, tà áo như mây gió quẩn quanh bên Người. Tượng đài cao nhưng đôi mắt nhân vật vẫn làm cho người chiêm ngưỡng nhận ra Bác trong cảm xúc trào dâng và lan tỏa. 

Hôm khánh thành tượng đài ngày 19/5 vừa qua, nhiều người nói với tác giả thay lời khen: "Chắc ít lâu nữa, bản quyền tác giả tượng đài lại bị "xâm phạm" thành vô khối tượng nhỏ đặt bàn như tượng Trần Quốc Tuấn thôi !". Tác giả cười:" Chưa nói luật bản quyền, Bác của tôi vào với nhà dân, công sở là hạnh phúc lắm rồi!".

Mọi thành công đều bắt đầu từ niềm đam mê và cả năng khiếu bẩm sinh như số phận chọn nghề cho người. Ngày bé, dạo chơi trong công viên, NSND Vương Duy Biên thích những con tò he dưới bàn tay nhào nặn của mấy bác đang ngồi dưới tán cây lắm. Về nhà là lọ mọ tìm đất sét để bắt chước và nhào được đất dẻo như bột gạo không phải dễ . Nhưng cậu bé Biên ngày đó không nặn Quan Công, Trương Phi như các bác nghệ nhân mà nặn các chú bộ đội rồi nặn hình tượng Bác Hồ. Lớn lên, anh thi vào trường Mỹ thuật Việt nam, chọn khoa điêu khắc và thuộc luôn nhóm sinh viên hiếm hoi giật hạng đỗ đầu.

Thành công của Vương Duy Biên không phải là kết quả của những cuộc "phát động cuộc thi" hay đấu đó "đặt hàng". Đó là thời điểm của sự thăng hoa khi những ý tưởng đau đáu, trăn trở trong lòng. Ngay tượng đài Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được công chúng yêu thích nói trên hoặc tượng đài Bác Hồ vừa khánh thành không phải chuyện "nghĩ cái ra ngay" mà khi đang ngồi trên ghế nhà trường anh đã làm tượng Đức Thánh Trần, bài thi vẽ và làm tượng của anh là hình tượng Bác đã đạt diểm xuất sắc.

Năm 1997 có cuộc thi mẫu tượng Trần Hưng Đạo như ngọn lửa đốt lên bắt vào "kho xăng", như sự đánh thức tiềm năng trong anh để giải tỏa ấp ủ trong chính mình từ lâu chứ thi thì đâu dám khi mà bao nhà điêu khắc có tên tuổi trước nhà điêu khắc trẻ. Mẫu tượng Vương Duy Biên thấy "tạm được" nhất cứ liều gửi đi ai ngờ được giải Nhất và được chọn dựng trên quảng trường 3-2 thành phố Nam Định. Khiêm tốn, luôn không bằng lòng với mình để tiếp tục sáng tạo là phẩm chất của tài năng. Tượng đài Bác Hồ khi hình thành dạng thạch cao không dưới chục lần thay đổi, lần nào cũng được bạn bè trầm trồ, lãnh đạo đánh giá cao nhưng ông vẫn tiếp tục "ngắm nghía" và sửa chữa.

Cháy bỏng sáng tạo trong NSND Vương Duy Biên- Ảnh 2.

NSND Vương Duy Biên say sưa bên một tác phẩm điêu khắc.

Ngày ra trường, nhà điêu khắc trẻ Vương Duy Biên về công tác tại Nhà hát Múa Rối trung ương. Công việc là tạo hình con rối nhưng ông luôn trăn trở tìm cách cho rối thích ứng với hoàn cảnh mới. Như chú Tễu trong Rối nước chẳng hạn. Xưa chú ở ao làng, khán giả ngồi sát bờ ao, nay ở nhà hát, khán giả đông hơn, ngồi xa hơn nên cần cao to hơn. Nhưng thêm được sự "cao to hơn" là cả vấn đề kỹ thuật liên quan đến sào và người điều khiển cũng như không gian sau tấm mành. Mày mò, nghiên cứu trong tìm tòi sáng tạo đến mất ăn mất ngủ chú Tễu mới cao to được như hiện nay.

Chất điêu khắc tài hoa có trong máu thịt Vương Duy Biên dù là xưởng trưởng, Phó giám đốc rồi Giám đốc nhà hát cũng luôn khiến ông đưa vào nghệ thuật Rối chứ không hẳn chỉ là chuyện tạo hinh. "Hồn quê" của ông là sáng tạo bất ngờ khi kết hợp rối nước và rối cạn với nghệ thuật sắp đặt hợp lý, nhẫn nhuyễn được coi là thử nghiệm, cách tân hiệu quả. Đó là sáng tạo mới về trình thức biểu diễn trong sân khấu múa rối. Tác phẩm đã được trình bày trong một không gian mang đời sống dân gian của đồng quê, con sông, ao cá rộn ràng.

Đến "Không gian nghệ thuật Vương Duy Biên" của ông ở Bốt Tép (Sóc Sơn - Hà Nội) có thể thấy thú vị với nghệ thuật sắp đặt của chủ nhân như những ổ khóa thành đàn vịt "mẹ con" hay những vỏ bom dựng cạnh nhau trong vườn, trên có 2 chú chim đậu.

Với những cống hiến hết mình đó cho nghệ thuật và công chúng, ông Vương Duy Biên đã được Nhà nước phong danh hiệu NSND năm 2015.


Lê Quý Hiền
Ý kiến của bạn