Nghiên cứu được tiến hành với hơn 18.000 người Đài Loan từ 30 - 70 tuổi. Những người này được yêu cầu cung cấp mẫu máu khi tham gia đồng thời hoàn thành bảng hỏi về chế độ thể thao hàng ngày. Sau đó, các nhà khoa học quét bộ gene của những người tham gia, tìm kiếm các gene liên quan đến việc tăng nguy cơ béo phì và các chỉ số khác như BMI, tỷ lệ mỡ cơ thể, vòng eo và hông.
Kết quả cho thấy những người tham gia bất cứ môn thể thao thường xuyên nào cũng có chỉ số BMI thấp hơn so với những người không tham gia tập thể dục thường xuyên. Điều này đúng với cả những người có gene dễ béo phì. Đặc biệt, những người có gene béo phì chạy bộ có chỉ số BMI thấp hơn và chu vi vòng bụng thấp hơn những người có gene béo phì không chạy bộ hàng ngày.
Phát hiện này chỉ ra rằng, mặc dù yếu tố di truyền rất quan trọng với bệnh béo phì nhưng tham gia thể dục thường xuyên, đặc biệt là chạy bộ sẽ làm giảm nguy cơ này. Điều thú vị là một số loại thể dục khác như đạp xe đạp, bơi lội không có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ béo phì bằng chạy bộ. Theo các nhà nghiên cứu, việc đạp xe đạp đòi hỏi ít năng lượng tiêu hao hơn, đồng thời bơi lội là loại hình tập thể dục trong nước khiến cơ thể dễ lạnh và kích thích sự thèm ăn, do đó tăng yêu cầu tiêu thụ thực phẩm.