1. Chạy bộ hay đạp xe giúp đốt cháy nhiều calo hơn?
Thực tế cho thấy không dễ để xác định chạy bộ hay đạp xe giúp giảm cân nhanh hơn bởi điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm cường độ, thời gian tập luyện, cân nặng, giới tính, độ tuổi…
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chạy bộ có thể giúp đốt cháy nhiều calo hơn, tuy nhiên đạp xe là hình thức vận động nhẹ nhàng hơn cho các khớp của bạn. Thêm vào đó, đạp xe trong thời gian dài hơn có thể đốt cháy lượng calo tương đương hoặc thậm chí nhiều hơn so với khoảng thời gian chạy bộ ngắn. Mặt khác, bạn có thể lựa chọn các dạng địa hình dốc, không bằng phẳng… để đốt cháy calo hiệu quả hơn khi đạp xe hoặc chạy bộ.
Do đó, để giảm cân nhanh, điều quan trọng không nằm ở việc lựa chọn hình thức tập luyện nào. Thay vào đó, bạn nên đưa ra kế hoạch tập luyện phù hợp với sức khỏe cũng như thể trạng của mình. So với chạy bộ, đạp xe sẽ phù hợp hơn với những người có vấn đề liên quan đến xương khớp, ví dụ như đau khớp, đau đầu gối…
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2013 đã chứng minh cả 2 bài tập đều mang lại lợi ích đối với quá trình giảm cân. Theo đó, những người tham gia nghiên cứu (nam giới, trẻ tuổi) đều thừa nhận cả chạy bộ và đạp xe có thể ngăn chặn sự thèm ăn. Nhờ vậy, họ có thể giảm cân và duy trì cân nặng bằng việc kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể.
Chạy bộ có thể giúp đốt cháy nhiều calo hơn, nhưng đạp xe là hình thức vận động nhẹ nhàng hơn cho các khớp của bạn.
2. So sánh lợi ích của chạy bộ và đạp xe
Để đánh giá hình thức vận động nào phù hợp với bản thân mình, bạn có thể dựa theo một số tiêu chí sau đây:
2.1 Khả năng đốt cháy mỡ và xây dựng cơ bắp
Chạy bộ có thể tác động đến toàn bộ cơ thể và đốt cháy nhiều calo, từ đó giúp xây dựng cơ bắp hiệu quả hơn so với đạp xe. Trong khi đó, đạp xe chủ yếu tập trung vào phần thân dưới, giúp bạn xây dựng cơ bắp ở hông, đùi, bắp chân…
2.2 Sức khỏe xương khớp
Đạp xe là bài tập có lực tác động thấp hơn chạy bộ và không tác động quá nhiều lực lên các khớp. Đạp xe có thể giúp giảm các triệu chứng viêm khớp, bôi trơn các khớp, giảm đau và cứng khớp.
Tuy nhiên, đối với người khỏe mạnh, không gặp vấn đề về xương khớp, chạy bộ có thể hỗ trợ sức khỏe xương nhiều hơn.
2.3 Sức khỏe tim mạch
Chạy bộ và đạp xe đều là những hình thức tập luyện cardio giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người trưởng thành nên tập luyện cardio cường độ trung bình từ 150 - 300 phút mỗi tuần hoặc 75 - 150 phút đối với cường độ mạnh.
2.4 Tính linh hoạt
Chạy bộ được đánh giá cao hơn đạp xe vì không cần đầu tư quá nhiều. Bạn có thể chạy bộ ở bất kỳ đâu mà chỉ cần một đôi giày đủ tốt. Trong khi đó, đạp xe cần đầu tư xe đạp, chi phí sửa chữa…
Đạp xe có lực tác động thấp hơn chạy bộ và không tác động quá nhiều lực lên các khớp.
3. Lưu ý khi tập luyện
Dù chạy bộ hay đạp xe, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây để đảm bảo hiệu quả cũng như hạn chế chấn thương khi tập luyện:
- Chú ý khởi động toàn thân trước khi tập luyện để tránh chấn thương trong quá trình tập luyện.
- Nên ăn nhẹ trước khi tập khoảng 2 tiếng, tránh ăn quá no hoặc ăn sát giờ tập.
- Bổ sung nước uống và muối khoáng để cơ thể không bị mất nước.
- Nên kết hợp các bài tập khác cùng với chạy bộ hoặc đạp xe để tăng hiệu quả giảm cân.
- Người có các vấn đề sức khỏe như đau khớp, bệnh tim… cần cân nhắc lựa chọn hình thức phù hợp.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Sởi: Một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất được phát hiện thế nào? | SKĐS