Từ Berlin, Thủ tướng Đức Merken đã chúc mừng ông Macron “những điều tốt đẹp nhất" tại cuộc chạy đua vòng hai vào điện Elysee. Còn Cựu chủ tịch Hội đồng châu Âu Martin Schulz cho rằng, việc ứng cử viên Macron với đường lối ủng hộ một Liên minh châu Âu (EU) và nền kinh tế thị trường tiếp tục được chọn vào vòng 2 bầu cử tổng thống Pháp là điều tốt đẹp. “ Châu Âu đã có một người chiến thắng trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Đó là ông Macron, người muốn duy trì nước Pháp trong Liên minh châu Âu. Đó là tin tốt lành cho nước Pháp và châu Âu”.
Tại Hà Lan, Chủ tịch đảng Vì tự do (PVV) chủ trương bài Hồi giáo, ông Geert Wilders đã gửi lời chúc mừng tới bà Le Pen đồng thời gọi kết quả sơ bộ này là “ngày tươi sáng” đối với những người yêu nước Pháp và những ai “muốn có chủ quyền quốc gia nhiều hơn EU và người di cư”.
Ngay sau khi có kết quả vòng 1 của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, trong phiên mở cửa đầu tuần, giá trị đồng euro đã vọt tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng qua tại thị trường châu Âu. Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản) đồng euro so với đồng USD và đồng Yen ( Nhật) tăng lên mức tương ứng là 1,940 USD đổi 1 USD- mức cao nhất kể từ cuối năm 2016 trong khi 1 Euro đổi được 119 yên. Thị trường chứng khoán châu Á cũng tràn ngập sắc xanh chỉ ít phút sau khi bắt đầu phiên giao dịch.
Có thể loại trừ được cực hữu?
Tỷ lệ phiếu sít sao giữa bà Le Pen và ông Emmanuel Macron đang đặt ra nhiều kịch bản khác nhau cho vòng 2 cuộc bỏ phiếu Tổng thống Pháp sắp tới. Ngay sau khi ông Emmanuel Macron “nhỉnh hơn” bà Le Pen với tỷ lệ suýt soát hơn 2%, tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu và các ứng cử viên Tổng thống Pháp đều lên tiếng ủng hộ và kêu gọi cử tri Pháp bỏ phiếu cho ông Macron.
Ông Macron tuy “nhỉnh hơn” số phiếu nhưng việc giành thắng lợi trước bà le Pen ngày 7/5 tới sẽ không phải là điều dễ dàng.
Đảng Xã hội cầm quyền, trong đó có Bộ trưởng Nông nghiệp Stephan Le Foll, Bộ trưởng Y tế Marisol Touraine, Bộ trưởng Văn hóa Azoulay… và trước đó, các gương mặt nặng ký khác như cựu Thủ tướng Bernard Cazeneuve hay Bộ trưởng Quốc phòng Jean Yves Le Drian hay Thị trưởng thành phố Lille là bà Martine Aubry cũng đã công khai khẳng định sẽ bỏ phiếu cho ông Macron ở vòng 2. Nhiều chính trị gia lớn phía cánh hữu như cựu Thủ tướng Alain Juppé hay cựu Bộ trưởng Kinh tế thời ông Sarkozy là ông Francois Baroin cũng kêu gọi cử tri cánh hữu bỏ phiếu cho ông Macron vào ngày 7/5.
Hôm 24/4, Tổng thống Francois Hollande cũng đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên trung dung Emanuel Macron. Theo ông Hollande, nước Pháp sẽ rơi vào nguy cơ "trở nên cô lập và bị phá vỡ khỏi Liên minh châu Âu (EU)" nếu ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen trở thành Tổng thống.
Giới phân tích cho rằng việc các chính trị gia ở nhiều đảng phái khác nhau đồng loạt kêu gọi bỏ phiếu cho ông Macron không phải xuất phát từ sự ủng hộ chính trị với ứng cử viên tự do này mà nhằm ngăn chặn bà Marine Le Pen của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia trở thành Tổng thống Pháp. Trên thực tế, tất cả các đảng phái ở Pháp đều coi đảng Mặt trận quốc gia và cá nhân bà Le Pen là mối đe dọa đối với sự ổn định và phát triển của nước Pháp và châu Âu. Nhìn lại lịch sử, năm 2002, khi cha của bà Marine Le Pen là ông Jean-Marie Le Pen lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống, mọi lực lượng chính trị ở Pháp cũng đã kêu gọi đoàn kết chặn đứng ông này và đã giúp ông Jacques Chirac chiến thắng áp đảo với trên 83% số phiếu bầu.
Tuy nhiên, liệu ông Macron có thể giành thắng lợi trước bà Le Pen trong cuộc bầu cử ngày 7/5 tới? Hiện lợi thế có vẻ nghiêng về phía ông Macron, nhưng chưa ai có thể khẳng định kết quả chung cuộc ngày mùng 7/5 tới sẽ ra sao.
Phát biểu trước báo giới tại xã Henin-Beaumont, tỉnh Pas-de-Calais, ngày 24/4, ứng cử viên Le Pen thể hiện mục tiêu muốn hướng cử tri đến những vấn đề trọng yếu như chống khủng bố mà bà thẳng thừng cho rằng đây là yếu điểm của đối thủ Macron. Trong 2 năm qua, Pháp liên tục hứng chịu các vụ tấn công khủng bố và ít nhất 230 người đã thiệt mạng trong các vụ khủng bố này. Chỉ 3 ngày trước khi diễn ra vòng 1 bầu cử tổng thống, một cảnh sát cũng đã bị bắn chết và 2 người khách bị thương trong một vụ tấn công xảy ra tại trung tâm thủ đô Paris mà tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng nhận là thủ phạm.
Truyền thông châu Âu và Mỹ nhận định việc ông Macron dẫn đầu trong cuộc bỏ phiếu vòng một là kết quả đáng mừng cho EU, song cũng không ngừng cảnh báo về khả năng lội ngược dòng của bà Le Pen, người theo chủ nghĩa hoài nghi về EU, có tư tưởng bài ngoại và chống nhập cư. Với tiêu đề bài báo mang tên “Nước Pháp chia rẽ ”, nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung cho biết, có hơn 40% cử tri Pháp đã bỏ lá phiếu cho cực hữu thay cho cực tả đồng thời cho rằng chiến thắng của ông Ma-crông chưa đủ lớn để giúp ông giành chiến thắng trong vòng 2.