Serbia cho biết tình hình nước này cực kỳ "nguy kịch" do nguồn khí đốt từ Nga bị cắt đứt hoàn toàn. Công ty Srbijagas của Serbia, nhập khẩu 92% khí tự nhiên từ Nga, cho biết chỉ còn khí dự trữ trong 10 ngày. Các quốc gia Tây Âu như Italia, Áo cho biết chỉ nhận được 10% nguồn khí đốt họ mong đợi.
Một công nhân kiểm tra van và áp suất khí tại một nhà máy ở Bulgaria (Ảnh: AFP) |
Slovakia cho biết sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về việc giảm nguồn cung cấp khí đốt. Bulgaria, nước gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga chỉ còn đủ khí đốt cho vài ngày tới. Tình hình cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, Macedonia và Hy Lạp cũng không sáng sủa gì hơn. Tổng thống Bulgaria tuyên bố nếu tình hình này tiếp tục, Bulgaria sẽ cho tái khởi động một lò phản ứng hạt nhân đã bị đóng cửa khi Bulgaria gia nhập EU.
Khí đốt Nga cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ qua Ukraine đã bị cắt đứt hoàn toàn. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đang bù đắp cho nguồn khí thiếu hụt này bằng cách gia tăng lượng cung cấp qua một tuyến ống chạy dưới Biển Đen. Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu khoảng 65% khí đốt từ Nga và khoảng 1/3 lượng cung hàng ngày đã bị cắt đứt.
Lượng khí đốt cho CH Séc cũng giảm mạnh. Croatia, nước nhập khẩu 40% khí đốt, cho biết nguồn cung cấp từ Nga qua Ukraine cho nước này đã bị đình trệ hoàn toàn.
Trong bối cảnh băng tuyết bao phủ khắp châu Âu, Ủy ban châu Âu tuyên bố việc ngừng cung cấp khí đốt là "hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nguồn khí đốt cung cấp cho một số nước thành viên EU đã bị giảm mạnh mà không có cảnh báo trước và hoàn toàn trái ngược với những đảm bảo của chính phủ Nga, Ukraine đối với EU".
Phụ thuộc 100% vào khí đốt Nga: Latvia, Slovakia, Phần Lan, Estonia Hơn 80% phụ thuộc: Bulgaria, Lithuania, CH Séc Hơn 60% phụ thuộc: Hy Lạp, Áo, Hungary |
40% khí đốt EU tiêu thụ do Nga cung cấp và khoảng 80% trong số này được bơm qua các tuyến đường ống nằm trên lãnh thổ Ukraine.
Công ty Naftogaz của Ukrain nói rằng các cuộc đàm phán với công ty khí Gazprom của Nga nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này sẽ được nối lại tại Moscow vào ngày mai (7/1). Chủ tịch của Naftogaz đã ra tuyên bố trên song vẫn chưa có thông tin gì từ phía Gazprom.
Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine kể từ ngày 1/1 do Ukraine chưa trả tiền cho khí đốt mà Nga đã cung cấp trước đây. Tranh chấp này diễn ra giữa lúc thời tiết lạnh giá ở châu Âu chắc chắn sẽ đẩy nhu cầu khí đốt tăng vọt.
Gazprom đã cáo buộc Ukraine đóng các tuyến đường ống trung chuyển khí đốt sang châu Âu. Hiện chỉ có 40 triệu mét khối khí đốt đang được cung cấp cho châu Âu, so với mức bình thường là 225 triệu mét khối. Gazprom đã hứa bơm thêm khí đốt qua các tuyến đường ống khác, chẳng hạn như tuyến ống Yamal từ Nga qua Belarus sang Đức và tuyến Blue Stream qua Biển Đen sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Gazprom đã quyết định giảm 1/5 lượng khí xuất khẩu qua Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine cho biết Nga đã giảm hơn 2/3 lượng khí xuất khẩu. Các quốc gia khác bị ảnh hưởng bao gồm Đức, Ba Lan và Hungary.
Một tranh chấp tương tự giữa Gazprom và Ukraine vào đầu năm 2006 đã dẫn tới sự thiếu hụt khí đốt ở nhiều quốc gia EU. Các quan chức EU đang họp ở Brussels để thảo luận tranh chấp này và đã cử một phái đoàn gặp gỡ các quan chức Ukraine và Gazprom.