Hà Nội

Châu Âu sẽ thay đổi thế nào với bộ máy lãnh đạo mới?

04-07-2019 10:06 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sau nhiều ngày đàm phán, 5 vị trí chủ chốt là 5 lãnh đạo mới của Liên minh châu Âu đã lộ diện. Họ sẽ là người cầm cương, điều hành chính sách của Liên minh 28 quốc gia trong suốt thời gian sắp tới. Đây được coi là bộ máy lãnh đạo lý tưởng, hài hòa chính trị, địa lý và quan trọng nhất khiến châu Âu không bị phân chia.

Căng thẳng đến phút chót

Chưa bao giờ có một hội nghị thượng đỉnh châu Âu lại căng thẳng và kéo dài như vậy. Sau 4 ngày đàm phán, có lúc tưởng chừng như không thể đi đến hồi kết, danh sách các  ứng viên vào những vị trí lãnh đạo các nước châu Âu đến năm 2024 cuối cùng đã có kết quả.  Các vị trí lãnh đạo chủ chốt được thông qua đúng vào ngày cuối cùng theo kế hoạch.

Đó là các vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu và Chủ tịch Nghị viện châu Âu.   Các vị trí này có vai trò rất quan trọng  định hình các chính sách của EU  trên nhiều  lĩnh vực từ thương mại, di cư cho tới khí hậu của khối kinh tế lớn nhất thế giới với 500 triệu dân.

Bộ máy lãnh đạo mới của châu Âu - những người sẽ hoạch định chính sách châu Âu trong những năm sắp tới

Kết quả, có 2 phụ nữ và 3 người đàn ông được lựa chọn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng: "Quyết định này khẳng định sự thống nhất của châu Âu, cả về chính trị và địa lý."  Cuối cùng nguyên tắc nam nữ ngang bằng đã được thực thi, lần đầu tiên 2 chức vụ then chốt của EU là Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu  thuộc về 2 người phụ nữ. Đây được coi là một lựa chọn chưa từng có trong lịch sử châu Âu.   Tất cả các đề cử sẽ cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào khoảng giữa tháng 7.

Những gương mặt mới

Chức vụ Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC)  là quan trọng nhất đã thuộc về bà Ursula von der Leyen. Bà Ursula von der Leyen, 60 tuổi,  là một nhân vật cứng rắn, từng được coi là ứng viên tiềm năng kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel, bà hiện giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Đức.  Trong vòng đề cử này, bà  Von der Leyen nhận được sự ủng hộ  của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhóm các nước Hungary, Ba Lan, CH Czech và Slovakia.  Nếu được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, bà Von der Leyen sẽ chính thức trở thành nữ Chủ tịch của EC vào ngày 1/11/2019.

Bà Von der Leyen sinh ra tại Bỉ, năm 13 tuổi gia đình bà chuyển về Đức. Bà từng học ngành kinh tế, sau đó học y  tại Trường Y Hanover, năm 2001, bà nhận thêm bằng Thạc sĩ y tế công cộng. Chồng bà Leyen  cũng là một bác sĩ, hai ông bà có tới 7 người con.

Bước chân vào chính trường từ năm 1999, đến năm 2009, bà Leyen đã đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Lao động và xã hội, sau đó là Bộ trưởng Gia đình, Phụ nữ và thanh thiếu niên. Gần đây, bà được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức và là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Đức giữ chức vụ này.

Lần đầu tiên 2 vị trí chủ chốt của EU thuộc về hai người phụ nữ là bà  Christine Lagarde (trái) và bà Ursula von der Leyen (phải)

Ở vị trí người đứng đầu cơ quan điều hành EU, chắc chắn bà Leyen sẽ tiếp tục giám sát ngân sách của các nước EU, sự cạnh tranh của khối, đồng thời tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với những quốc gia bên ngoài EU. Về vấn đề Anh rời khỏi EU (Brexit), cả bà Leyen và ông Charles Michel – người vừa được đề cử chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu đều thống nhất  cho rằng, mặc dù cả Anh và EU  đều không muốn có Brexit nhưng tiến trình này không nên có sự chậm trễ nào.

Vị trí quan trọng số 2 trong ban lãnh đạo EU là chức vụ Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).  Nó đã được tin tưởng gửi gắm vào Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Bà Lagarde năm nay 63 tuổi, là nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Pháp, trở thành người đứng đầu IMF từ năm 2011. Bà ủng hộ mạnh mẽ quan điểm trao quyền cho phụ nữ. Nhiệm vụ lớn nhất của bà khi trở thành Chủ tịch ECB là khôi phục nền kinh tế khu vực đồng euro (eurozone).

Chủ tịch Hội đồng châu Âu,  Thủ tướng Bỉ Charles Michel, sẽ có  nhiệm vụ thúc đẩy các mục tiêu chính trị của Liên minh đồng thời tạo ra sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên. Chức vụ Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại thuộc về  Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell, 72 tuổi có vai trò điều phối chính sách đối ngoại và quốc phòng của EU, ông này thường xuyên chỉ trích chính sách của Chính quyền Tổng thống Mỹ. Chủ tịch Nghị viện châu Âu nhiệm kỳ mới được tin tưởng trao cho ông David Sassoli, 63 tuổi, người Italy, một cựu nhà báo và là một trong 14 Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu sắp mãn nhiệm.

Thách thức được đặt ra cho dàn lãnh đạo châu Âu mới này không nhỏ, các nhà lãnh đạo cần  tiếp tục đảm bảo sự liên kết chính trị, địa lý và quy mô dân số của cả khối trong bối cảnh nhiều vấn đề chung của cả EU, trong đó có vấn đề Brexit.


Hải Yến
Ý kiến của bạn