Châu Âu “quay cuồng” khi dịch COVID-19 trở lại

02-11-2020 05:49 | Quốc tế
google news

SKĐS - Cuộc khủng hoảng mang tên “dịch bệnh COVID-19” đã quay trở lại châu Âu, hàng loạt quốc gia phải áp dụng các biện pháp đóng cửa hoặc hạn chế một phần...

Châu Âu trở lại là tâm điểm của đại dịch

Mỹ vừa trải qua ngày có số ca mắc kỷ lục: hơn 99.000 trường hợp trong 1 ngày - số ca mắc theo ngày cao nhất so với bất cứ một quốc gia nào khác. Theo các chuyên gia y tế, số ca tử vong ở Mỹ sẽ leo thang trong vòng từ 2-3 tuần nữa, có những bang đã lên phương án bổ sung nhà xác di động để phòng trừ trường hợp số ca tử vong gia tăng. Trong khi đó, tại châu Âu, tình hình dịch cũng “nóng” lên từng ngày, thậm chí nhiều nước cho biết dịch đã vượt quá tầm kiểm soát. Số ca nhiễm trong 1 ngày ở châu Âu chiếm hơn 50% tổng số ca nhiễm mới toàn cầu. Pháp là quốc gia có số ca nhiễm mới cao nhất khu vực với hàng chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Số ca nhiễm mới tại Đức gấp 3 lần làn sóng dịch hồi tháng 3, Tây Ban Nha có số ca nhiễm mới gấp 5 lần giai đoạn tháng 3-4.

Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Han Kluge cho biết: “Một lần nữa, châu Âu lại là tâm điểm của đại dịch”, số ca nhập viện đạt mức cao nhất kể từ mùa xuân, số tử vong theo ngày tăng hơn 30% so với  tuần trước. Chỉ trong 1 tuần có tới 1,5 triệu ca nhiễm mới tại khu vực có 53 quốc gia này. Lời cảnh báo trước đây của người đứng đầu WHO khu vực châu Âu - ông Kluge đã trở thành hiện thực, dịch COVID-19 ở châu Âu lây lan nhanh hơn so với hồi tháng 3.

Vương quốc Anh sẽ bước vào đợt phong tỏa trên toàn quốc lần thứ 2, quyết định này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Anh công bố vượt 1 triệu ca nhiễm COVID-19. Việc đóng cửa nghiêm ngặt ở xứ sở sương mù sẽ kéo dài 1 tháng từ ngày 5/11 đến đầu tháng 12, người dân chỉ có thể rời khỏi nhà  để mua thực phẩm, khám bệnh, học tập  hoặc đi làm nếu công việc của họ không thể làm tại nhà... Hy Lạp cũng ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng có, hơn 2.000 ca trong 1 ngày, Chính phủ Hy Lạp đã gia hạn lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc, trước đây lệnh này chỉ áp dụng cho một số khu vực. Đức, Ireland và Pháp đã ban hành biện pháp phong tỏa để hạn chế COVID-19 lây lan. Nguy cơ châu Âu “vỡ trận” vì dịch bệnh ngày càng rõ ràng. Các chuyên gia kêu gọi chính phủ các nước ở “lục địa già” thực hiện những biện pháp cấp bách ngăn chặn sự lây lan của virus.

Ireland- quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố đóng cửa 6 tuần phòng dịch COVID-19.

Ireland- quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố đóng cửa 6 tuần phòng dịch COVID-19.

Vì đâu số ca lây nhiễm COVID-19 ở châu Âu tăng kỷ lục?

Sau khi tạm lắng vào mùa hè, dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại châu Âu. GS. Edgar Jones - Đại học King College (London) nhận xét, cả Chính phủ và người dân châu Âu  dường như đánh giá thấp nguy cơ dịch bệnh nên nó đã quay trở lại. GS. Robert West của Đại học London thì cho rằng: “Kịch bản tồi tệ nhất đang xảy ra, các biện pháp nửa vời của châu Âu đã không có hiệu quả”.

Ví dụ tại Pháp, sau khi áp dụng các biện pháp đóng cửa phòng dịch hồi mùa xuân, nước này đã nhanh chóng mở cửa trở lại, thậm chí quốc gia này đã thay đổi hướng dẫn phòng bệnh, giảm thời gian cách ly bắt buộc từ 14 ngày xuống chỉ còn 7 ngày.

Còn ở Anh, việc kiểm soát, truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh không được thực hiện triệt để. Mặc dù hồi đầu năm, Anh đã phong tỏa toàn quốc ngăn dịch bệnh nhưng sau đó, hệ thống truy vết của Anh hầu như không thể theo dõi được liên hệ của những người tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, nhiều người còn từ chối kiểm dịch.

“Đối phó với đợt dịch này, dù không còn gặp tình trạng thiếu đơn vị chăm sóc đặc biệt, máy thở, thiết bị bảo hộ cá nhân mà vấn đề y tế châu Âu gặp phải hiện nay là thiếu nhân lực y tế bởi các nhân viên y tế đã “kiệt sức” trước làn sóng dịch đầu tiên và kéo dài dai dẳng đến nay”, ông Kluge nhấn mạnh.

Giám đốc khu vực châu Âu của WHO cho rằng, đóng cửa toàn bộ đang là lựa chọn cuối cùng của châu Âu trước “cơn sóng” dịch COVID-19. Nhưng liệu biện pháp này có phát huy tác dụng thì lại là một câu chuyện khác bởi hiện nay, người dân đã quá mệt mỏi trước các lệnh phong tỏa, thêm vào đó, mùa đông lạnh khiến virus gây bệnh tồn tại lâu hơn trong môi trường, các khuyến cáo về mở cửa thông thoáng hầu như không thể thực hiện được vì thời tiết giá lạnh ở châu Âu...


Hải Yến
Ý kiến của bạn