Hà Nội

Châu Âu: Nhiều nước tiếp tục bị phong tỏa, các nhà lãnh đạo bàn biện pháp đối phó với biến thể mới của virus

25-02-2021 17:04 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong 2 ngày 25-26/2 diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến của Liên minh châu Âu (EU) mà chủ đề chính của hội nghị tập trung vào việc xử lý đại dịch COVID-19. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước châu Âu tiếp tục gia hạn hoặc duy trì các biện pháp hạn chế để phòng, chống dịch.

Trong bối cảnh châu Âu đã trở thành khu vực có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, vượt qua cả Bắc Mỹ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã gặp nhau để bàn biện pháp ứng phó với dịch bệnh. Hiện châu Á chỉ  đứng vị trí thứ ba về dịch bệnh trong các khu vực trên thế giới.

Rất nhiều nội dung sẽ được các nhà lãnh đạo EU bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh EU lần này như những chậm trễ trong việc phân phối vắc xin COVID-19, xuất hiện các biến thể COVID-19 có nguồn gốc từ Anh, Nam Phi và Brazil, đặc biệt các biến thể này  đang lan rộng khắp EU. Một số thủ đô đã đơn phương đóng cửa biên giới của họ, gây ra những khó khăn không nhỏ cho giao thương. .. 

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen

Phát ngôn viên của Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết, mức độ lây nhiễm đang ở mức đáng lo ngại tại một số khu vực của nước Pháp, nên quốc gia này cần áp đặt biện pháp hạn chế mới tại các địa phương nhằm tránh một đợt phong tỏa mới trên toàn quốc. Tại Italia, do tình hình dịch bệnh hiện nay chưa cho phép Italy nới lỏng các biện pháp hạn chế. Bộ trưởng Y tế Italia Roberto Speranza tuyên bố, nước này vẫn chưa sẵn sàng nới lỏng hạn chế đối với hoạt động kinh doanh và đi lại do số ca mắc COVID-19 vẫn có nguy cơ tăng. Italia  đang lên kế hoạch đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng vắc xin COVID-19. Bỉ đã cấm các hoạt động đi lại ở trong và ngoài nước. Trong khi đó, Áo và CH Séc phản đối việc Đức kiểm soát chặt biên giới để khống chế dịch.

Các nước thành viên EU dự kiến sẽ nhất trí duy trì các biện pháp hạn chế đối với hoạt động đi lại vì mục đích nghỉ dưỡng. Các nước phía nam EU đang thúc đẩy việc ban hành hộ chiếu vắc xin để khởi động du lịch mùa hè. Tuy nhiên, Đức và Pháp lo ngại rằng, việc mở cửa đi lại cho những người đã tiêm phòng sẽ dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử với nhóm người còn lại.

Các nhà lãnh đạo EU còn tập trung vào nội dung liệu khi nào vắc xin sẽ được cung cấp trên diện rộng. Tuy nhiên Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho biết,  chỉ có một số tin về tình trạng thiếu hụt sản xuất vắc xin, tuy nhiên việc phân phối vắc xin đang được tăng đều đặn và trong tương lai, mục tiêu của EU về  tiêm chủng cho 70% người dân trong khối vào cuối mùa hè này sẽ trở thành hiện thực.

EU khẳng định sẽ đẩy nhanh tốc độ phê duyệt đối với thế hệ vắc xin thứ hai có thể ra đời vào mùa thu tới, đặc biệt loại vắc xin sẽ  nhắm vào các biến thể mới. Bên cạnh đó,  Ủy ban châu Âu vẫn đang trong giai đoạn triển khai hướng tới xây dựng tiêu chuẩn hóa cái gọi là “hộ chiếu vắc xin” - một hồ sơ y tế mà Hy Lạp và các nước ở  Nam Âu   muốn sử dụng để thông quan cho hành khách đi du lịch, sẽ là cứu cánh cho ngành du lịch đang lâm vào tình trạng “chết lâm sàng”.

Hiện nay, một số quốc gia như Cộng hòa Séc đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm  thứ hai mạnh hơn làn sóng trước, quốc gia này gặp phải  tình trạng thiếu giường bệnh và  rất ít khả năng nhận được sự cứu trợ sớm.

Các nhà lãnh đạo EU đang gặp sức ép lớn khi mọi quốc gia đều muốn có vắc xin sớm hơn. Đây không chỉ là vấn đề của châu Âu mà là của mọi quốc gia trên thế giới. Nó đang  trở thành mối quan tâm hàng đầu trên toàn cầu. Nhà ngoại giao cấp cao kêu gọi các nước thành viên cần xem xét kỹ lưỡng trước quyết định đóng cửa biên giới, vì có nguy cơ gây gián đoạn thị trường của EU. Nhà ngoại giao cấp cao cho rằng: “Chúng ta phải đảm bảo rằng quyền tự do di chuyển của hàng hóa không bị cản trở và ngay cả khi quốc gia   thực hiện các biện pháp phong tỏa phòng dịch ở một số địa phương”.

 Trong các cuộc tham vấn trước hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, ông Michel đã nói rõ rằng các nhà lãnh đạo muốn đảm bảo rằng Ủy ban châu Âu duy trì áp lực tối đa đối với các nhà sản xuất vắc xin để thực hiện các cam kết theo hợp đồng mà họ đã ký. 

Dự kiến tại Hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo EU, bất chấp tình trạng thiếu vắc xin tiếp tục diễn ra, quan chức cấp cao cho biết các nhà lãnh đạo EU sẽ ra một tuyên bố nhắc lại cam kết hỗ trợ các quốc gia đang phát triển mua vắc xin. “Chúng tôi đang ở giai đoạn đầu khi nói đến tiêm chủng ở các quốc gia thành viên,” quan chức này nói. "Nhưng nhiều nhà lãnh đạo đã bày tỏ ý chí mạnh mẽ trong đoàn kết quốc tế, hỗ trợ các nước đang phát triển." 


Hải Yến
Ý kiến của bạn