Kỳ vọng mới
Sau hơn 1 năm hạn chế vì đại dịch COVID-19, lục địa già hy vọng sẽ hút khách du lịch và dòng đô la của du khách trở lại. Nhiều quốc gia từng là điểm nóng của COVID-19 ở châu Âu đang mở cửa trở lại như Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italia.
Mới đây, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu với tỉ lệ ủng hộ áp đảo tán thành "Chứng chỉ COVID-19 kỹ thuật số EU" – một chứng nhận thông hành giúp cho khách du lịch có thể tự do đi lại qua biên giới trong nội khối kể từ đầu tháng 7.
Người dân châu Âu vui mừng được tham gia các chuyến du lịch dù dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn biến mất
Tuy nhiên, mặc dù trong nội bộ EU, mỗi quốc gia lại lựa chọn con đường riêng để mở cửa biên giới. Như ở Pháp, nếu du khách đã tiêm phòng một trong 4 loại vắc xin được EU chấp thuận gồm Pfizer, AstraZeneca, Moderna hoặc Johnson & Johnson sẽ được đón chào tại Pháp. Như vậy, với người Mỹ, dễ dàng nhập cảnh vào Pháp bằng chứng nhận đã tiêm vắc xin, nhưng nếu du khách đến từ Nga hay Trung Quốc – những nơi việc sử dụng 4 loại vắc xin nói trên không được phổ biến thì rõ ràng “khó có cửa” vào nước Pháp.
Bên cạnh đó, Pháp có thể yêu cầu những du khách đã được tiêm chủng từ bên ngoài châu Âu và một vài quốc gia có xét nghiệm PCR âm tính không quá 72 giờ hoặc xét nghiệm kháng nguyên âm tính không quá 48 giờ. Trẻ em chưa được tiêm chủng sẽ được phép đi cùng người lớn đã được tiêm chủng, nhưng trẻ từ 11 tuổi trở lên sẽ phải có kết quả xét nghiệm âm tính.
Ngoài ra, khách du lịch đến từ 16 quốc gia đang có dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất là các nước đang có các biến thể nguy hiểm thuộc danh sách đỏ bao gồm Ấn Độ, Nam Phi và Brazil sẽ bị cấm vào Pháp.
Mỗi quốc gia có quy định riêng với khách du lịch nước ngoài
Trong khi đó tại Italia, người Mỹ - nhóm khách du lịch nước ngoài lớn thứ hai ở Italia - đã được chào đón từ giữa tháng 5. Tuy nhiên, nếu tới Italia, công dân Mỹ phải tự cách ly trong 10 ngày trừ trường hợp họ đến trên “chuyến bay được kiểm tra COVID-19”. Theo đó, hành khách được kiểm tra trước và sau chuyến bay và phải cung cấp thông tin về nơi ở của họ để thuận tiện cho việc truy vết nếu cần thiết.
Italia cũng bắt đầu cho phép khách du lịch từ Anh và Israel vào nước này từ tháng trước. Hành khách không phải tự cách ly, miễn là họ xuất trình bằng chứng về xét nghiệm COVID-19 âm tính được thực hiện không quá 48 giờ.
Hy Lạp – quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch cũng đã bắt đầu mở cửa cho du khách Mỹ từ tháng 4 và giờ đây là các du khách từ Trung Quốc, Anh và 20 quốc gia khác. Tất cả du khách phải cung cấp giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm PCR âm tính và điền vào mẫu thông báo địa điểm mà họ ở trong thời gian ở Hy Lạp. Quy định này sẽ hết hạn vào ngày 14/6 tới nhưng có thể được gia hạn thêm.
27 quốc gia thành viên EU không có chính sách du lịch hoặc mở cửa biên giới thống nhất trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên đến nay vấn đề này có vẻ sẽ được giải quyết bằng chứng nhận tiêm chủng. Các chứng nhận này sẽ chứa mã QR với các tính năng bảo mật cao, sẽ cho phép mọi người di chuyển giữa các quốc gia châu Âu mà không phải thực hiện quy trình kiểm dịch hoặc trải qua các bài xét nghiệm khi đến nơi.
Chứng nhận tiêm chủng vắc xin- giải pháp mở cửa biên giới, khôi phục ngành du lịch
Một số nước EU đã bắt đầu sử dụng hệ thống này, bao gồm Tây Ban Nha, Đức, Hy Lạp, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch và Ba Lan. Phần còn lại dự kiến sẽ bắt đầu sử dụng vào ngày 1/7.
Tuy nhiên chứng chỉ kỹ thuật số này chủ yếu dành cho công dân EU nhưng người Mỹ và những người từ các quốc gia khác cũng có thể có chứng chỉ - nếu họ chứng minh cho cơ quan chức năng ở một quốc gia EU mà họ nhập cảnh rằng họ đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ.
Chuyên gia y tế kêu gọi EU nên thận trọng
Trong bối cảnh các nước châu Âu dần khôi phục việc đi lại cũng như ngành du lịch vốn đã bị “chết lâm sàng” trong suốt một thời gian dài, các chuyên gia y tế cho rằng, châu Âu vẫn chưa qua cơn nguy hiểm của đại dịch COVID-19, nhất là khi các biến thể mới đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới.
Mặc dù số ca nhiễm mới và tử vong mới đang giảm trên toàn châu Âu trong những tuần gần đây, nhưng tới thời điểm này, số người dân châu Âu được tiêm mũi vắc xin đầu tiên chỉ mới đạt khoảng 30%, con số quá nhỏ để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới.
Người phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Hans Kluge
Người phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Hans Kluge cảnh báo, biến thể Delta xuất hiện lần đầu tại Ấn Độ rất đáng lo ngại, các nước cần rút ra bài học từ đợt bùng phát số ca trong mùa hè năm ngoái ngay cả khi các chiến lược tiêm phòng được đẩy nhanh ở khắp khu vực.
“Với việc ngày càng gia tăng các cuộc tụ họp đông người, sự di chuyển của người dân ngày càng nhiều, các lễ hội và giải đấu thể thao lớn diễn ra trong những ngày sắp tới, WHO kêu gọi các quốc gia nên thận trọng”, ông Hans Kluge nói và nhắc nhở: "Nếu bạn chọn đi du lịch, hãy làm điều đó một cách có trách nhiệm. Hãy ý thức về những rủi ro có thể gặp phải. Hãy nâng cao ý thức và đừng gây ảnh hưởng tới những thành quả khó khăn lắm mới có được".
Trong 2 tháng qua, số ca nhiễm COVID-19 mới, số ca tử vong và số ca nhập viện đã giảm, 36 trong số 53 quốc gia châu Âu bắt đầu nới lỏng các hạn chế. "Tất cả chúng ta nên ghi nhận những tiến bộ đạt được ở hầu hết các quốc gia trong khu vực, nhưng cũng phải thừa nhận rằng mọi người hoàn toàn chưa thoát khỏi nguy hiểm", ông Kluge cảnh báo.