Nhiều nước châu Âu bị nhấn chìm trong đại dịch
Theo Bộ Y tế CH Séc, nước này đang phải điều trị cho khoảng 9.000 bệnh nhân COVID-19 với gần 2.000 trường hợp phải chăm sóc đặc biệt. Hệ thống y tế của nước này gặp tình trạng quá tải, các bệnh viện trên cả nước cũng đã vận hành hết công suất. Thậm chí, không phải tất cả bệnh nhân đều được chăm sóc theo tiêu chuẩn thông thường. Cộng hòa Séc đã phải gửi những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên sang quốc gia láng giềng Ba Lan để điều trị. Trước đó, Séc cũng đã nhờ Đức và Thụy Sỹ giúp đỡ. Nước này cũng đang trở thành điểm nóng COVID-19 với tỷ lệ lây nhiễm trong ngày đứng đầu tại châu Âu. Trong những tuần gần đây, quốc gia có 10,7 triệu dân này là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19. Hiện, Cộng hòa Séc ghi nhận hơn 1,3 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 22.000 ca tử vong.
Hungary - quốc gia hiện đứng đầu châu Âu về tỷ lệ tử vong do CODID-19, tiếp theo đó là Cộng hòa Séc. Chính phủ Hungary cho biết nước này đang trong làn sóng lây nhiễm thứ 3, số ca nhiễm tăng trở lại từ giữa tháng 2. Ukraine cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca phải nhập viện trong vòng 24 giờ qua. Số liệu của Bộ Y tế Ukraine cho thấy, 4.250 người đã phải nhập viện vì mắc COVID-19 trong ngày 10/3, tăng gần 22% so với con số 3.486 ca nhập viện hôm 3/3. Trước đó, vào thời điểm đỉnh dịch cuối năm 2020, số ca nhập viện vì COVID-19 ở Ukraine chưa lần nào vượt quá con số 2.000 mỗi ngày.
Cũng lâm vào tình cảnh tương tự, số ca mắc mới ở Ba Lan đang gia tăng nhanh chóng, chính phủ nước này đã ghi nhận số ca mắc hàng ngày cao nhất kể từ cuối tháng 11 tới nay với hơn 17.200 ca mắc mới. Phát ngôn viên của Bộ Y tế Ba Lan cho biết một lý do quan trọng khiến cho tỷ lệ lây nhiễm đang tăng nhanh là do ý thức của người dân đối với các biện pháp chống COVID-19 chưa cao.
Châu Âu lâm vào làn sóng dịch COVId-19 thứ 3.
Châu Âu tăng tốc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 để ngăn chặn làn sóng dịch mới
Dường như dịch bệnh đã làm thay đổi phản ứng của một số nước. Họ không còn chờ đợi vào sự cung cấp vắc xin của khối mà một số quốc gia đã tự vận động tìm nguồn vắc xin cho chính quốc gia của mình bởi theo các quan chức châu Âu, Liên minh châu Âu quá chậm chạm trong việc phê duyệt vắc xin.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho biết, chỉ có một số nơi tình trạng thiếu hụt sản xuất vắc xin, tuy nhiên việc phân phối vắc xin đang được tăng đều đặn và trong tương lai, mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU) về tiêm chủng cho 70% người dân trong khối vào cuối mùa hè này sẽ trở thành hiện thực.
Theo các quan chức EU việc thực hiện chương trình tiêm chủng ở một số khu vực châu Âu, nhất là ở phía Đông diễn ra chậm chạp hơn ở các khu vực khác ở lục địa già này. Hiện tại, chỉ có Slovakia và Hungary đã tăng cường số lượng vắc xin phục vụ cho công tác tiêm chủng sau khi tiếp nhận các lô vắc xin Sputnik V từ Nga mặc dù chưa được sự chấp thuận của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu. Hungary sử dụng vắc xin Sputnik V của Nga và cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Âu sử dụng vắc xin của Trung Quốc để khởi động chiến dịch tiêm chủng của mình. Tới nay, khoảng 10,5% người dân Hungary đã được tiêm chủng.
Thủ tướng Slovakia Igor Matovic đã thúc giục cơ quan dược phẩm EU tăng tốc phê duyệt vắc xin Sputnik V của Nga, đồng thời cảnh báo rằng tính mạng công dân EU đang bị đe dọa trước làn sóng lây nhiễm lần thứ 3. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã bị nhiều quốc gia thành viên chỉ trích vì tốc độ triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 chậm chạp. Tại cuộc họp mới đây, các quan chức EU khẳng định sẽ đẩy nhanh tốc độ phê duyệt đối với thế hệ vắc xin thứ 2 có thể ra đời vào mùa thu tới, đặc biệt loại vắc xin sẽ nhắm vào các biến thể mới - “thủ phạm” tấn công châu Âu và đang tạo ra làn sóng dịch mới ở châu Âu.