Nhiều người dân Hà Lan tỏ ra thích thú trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Họ trượt ván trên những kênh và hồ đóng băng. Nhưng ở nhiều nơi khác, tình trạng đóng băng khiến cuộc sống thường nhật của người dân bị đảo lộn.
Phi trường quốc tế Barajas đóng cửa trong gần 5 giờ vì tuyết rơi. Ảnh: AFP. |
Tất cả 4 đường băng tại phi trường quốc tế Barajas của Madrrid, Tây Ban Nha – sân bay có lưu lượng khách lớn thứ tư ở châu Âu – đều đóng cửa trong gần 5 tiếng đồng hồ do tuyết rơi mạnh và tầm nhìn hạn chế. Hàng trăm chuyến bay bị hoãn lại, còn 52 máy bay khác phải đổi hướng.
Gần 400 km đường trong thành phố Madrid rơi vào tình trạng tắc nghẽn và vài chục vụ tai nạn đã xảy ra. Nhiều nhân viên văn phòng đứng ngoài cổng các tòa nhà hoặc cửa sổ để ngắm những bông tuyết, trong khi một số người khác ném tuyết trên hè phố.
Tại Marseille, thành phố ở miền nam nước Pháp, khoảng 1.000 ngôi nhà không có điện do tuyết rơi. Đây là tình huống chưa từng xảy ra trong 20 năm gần đây. Mạng lưới giao thông trong thành phố cũng tê liệt vì tuyết.
Roselyne Bachelot, Bộ trưởng Y tế Pháp, cho biết số lượng người già nhập viện vì giá lạnh tăng đột biến trong mấy ngày qua. Bà kêu gọi người dân quan tâm tới những đối tượng dễ bị tổn thương.
Đức đang đối mặt với một trong những mùa đông khắc nghiệt nhất trong 100 năm qua. Tại các dãy núi ở phía nam nước này, nhiệt độ giảm xuống âm 34,6 độ C. 3 người đã chết cóng. Nhiều dòng sông đóng băng khiến tàu thuyền không thể đi lại. Các tảng băng trôi bao phủ 80-90% bề mặt sông Elbe.
Tại Ba Lan, một người đã chết vào tối qua, nâng tổng số người chết vì lạnh từ ngày 1/11 lên con số 83. Phần lớn nạn nhân là người vô gia cư.
Giới chức thành phố Porto (Bồ Đào Nha) đã phân phát lều cho những người lang thang. 4 người trong thành phố chết tối qua do hỏa hoạn liên quan tới máy sưởi.
Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết, sự gia tăng lượng nước lạnh trên bề mặt Thái Bình Dương (gọi là La Nina) là một trong những nguyên nhân khiến nhiệt độ tại châu Âu xuống thấp.
Cuộc sống của người dân tại hàng chục nước châu Âu càng trở nên khó khăn hơn trong mùa đông khắc nghiệt sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt sang châu Âu do tranh cãi với Ukraina.
Nhiều trường học tại Bulgaria vẫn đóng cửa do không có khí đốt để sưởi ấm trong điều kiện nhiệt độ xuống tới âm 17 độ C, còn người dân phải mua khí đốt theo chế độ phân phối. Khoảng một phần tư trong số 7,6 triệu người Bulgaria sưởi ấm bằng khí đốt.
Czech, nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, thừa nhận rằng 27 quốc gia trong khối không hề chuẩn bị đối phó với cuộc khủng hoảng khí đốt.