IMF nhận định là giá dầu ở mức từ 110 - 120 đô la một thùng sẽ tác động đến đã tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là châu Á, khu vực tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.
Châu Á khát dầu
Ấn Độ, Trung Quốc cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác, đang trong tình trạng khát dầu, lo ngại tình trạng bất ổn tại các nước Ả Rập hiện nay gây trở ngại cho đà tăng trưởng của khu vực này. Bởi lẽ, châu Á chủ yếu nhập khẩu dầu từ các nước Trung Đông. Một báo cáo gần đây của tập đoàn dầu khí Anh BP cho thấy khu vực Trung Cận Đông cung cấp đến 1/3 khối lượng dầu hỏa cần thiết của châu Á. Hai nền công nghiệp phát triển nhất tại Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc lệ thuộc đến 80% vào dầu thô của Trung Đông (90% trong trường hợp của Nhật Bản, Hàn Quốc là 82%). Tại Ấn Độ, từ năm 1990 - 2006, đã nâng tỷ lệ dầu nhập từ 30% lên thành 70% và hiện nay, Ấn Độ hút đến 5% sản lượng dầu thô của thế giới.
Theo một chuyên gia thuộc Công ty tư vấn Capital Economics, Ấn Độ có nguy cơ gặp khó khăn hơn cả trong cơn sốt vàng đen lần này, do ba yếu tố: một là, Ấn Độ đã ở trong tình trạng "thâm hụt" dầu thô; hai là, cỗ xe kinh tế và sản xuất tại quốc gia Nam Á này hút rất nhiều dầu và thứ ba là, chính quyền đang dồn hết sức lực vào việc trợ giá xăng dầu, tránh để xảy ra bạo động và bất ổn trong xã hội.
Riêng Trung Quốc, cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới, thì năm ngoái quốc gia này đã nhập 239 triệu tấn dầu thô, một khối lượng lớn hơn so với năm 2009 đến 17% và trung bình theo thẩm định của cơ quan năng lượng quốc tế AIE, thì nhu cầu về dầu hỏa của Trung Quốc tăng đều đặn ở mức hai con số (từ 10 cho đến 15% hàng năm). Trung Quốc đã trở thành quốc gia hút dầu thô đứng hàng thứ hai trên thế giới, chỉ thua có Hoa Kỳ. Vấn đề đặt ra là ngành sản xuất tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc hiện bị xếp vào hạng hao dầu vào bậc nhất. Tại một nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, 1kg dầu thô cho phép sản xuất ra đến 8 đô la GDP, trong khi đó tỷ lệ này tại Trung Quốc là 3,75 đô la. Sự so sánh trên cho thấy, là khi giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng 20% thì thiệt hại đối với một nước đang phát triển có thể cao gấp đôi so với một nền kinh tế tiên tiến.
Một trong những yếu tố đáng lo ngại khác liên quan đến nguồn dự trữ chiến lược còn yếu kém của khu vực. Cơ quan IAEA cho rằng để bảo đảm một mức độ độc lập về năng lượng, dự trữ chiến lược dầu hỏa của một quốc gia phải đủ sức cung ứng cho cỗ máy sản xuất và nhu cầu của tư nhân trong vòng 90 ngày. Hiện tại khoản dự trữ chiến lược của Trung Quốc mới chỉ là 40 ngày. Và nếu như Trung Quốc đã xây dựng được một khoản dự trữ dầu hỏa chiến lược, thì ngược lại nhiều nước Đông Nam Á chưa có được lối thoát hiểm đó.
Khủng hoảng tại khu vực rốn dầu
Trước mắt, chưa có dấu hiệu cho thấy tình hình tại khu vực Trung Cận Đông và Bắc Phi lắng dịu: Libya bước sang ngày thứ 14 của cuộc nổi dậy. Tại Oman, xung đột tiếp diễn tại thành phố cảng Sohar và cũng là nơi có nhà máy lọc dầu, nơi người biểu tình bắt đầu đòi Quốc vương từ chức sau 40 năm liên tục trị vì. Tại Ả Rập Xê út, nhiều gương mặt đối lập hàng đầu lên tiếng đòi chính quyền Riyad đẩy mạnh công cuộc cải tổ và thiết lập một chế độ quân chủ lập hiến. Tại Bahrain, cho dù tình hình đã bắt đầu lắng dịu, nhưng phong trào phản kháng của cộng đồng người Hồi giáo theo hệ phái Shia tiếp tục kêu gọi quần chúng xuống đường. Nhìn sang Yemen, tình hình cũng không khả quan hơn.
Cơn sốt dầu mỏ hiện tại càng đẩy vật giá leo thang. Lạm phát gia tăng trong một năm qua: Khu vực đồng euro: 2,4%; Brazil và Trung Quốc: 5%; Nga và Ấn Ðộ: 10 %. |
Mạnh Hà