Hiện chưa có trường hợp nào ở châu Á bị xác nhận là nhiễm virus Ebola nhưng nhà chức trách ngành y tế ở khu vực này đang nỗ lực ngăn dịch bệnh xâm nhập và lây lan. Các biện pháp được tăng cường là sử dụng các camera đo thân nhiệt và bác sĩ để kiểm tra những hành khách ở sân bay có dấu hiệu sốt. Hầu hết các nước khuyến cáo công dân cân nhắc hoãn đi tới các khu vực bị nhiễm dịch, theo Reuters.
"Các biện pháp mà các nước ở châu Á đang thực hiện là thích đáng. Người nào được xác định không bị ốm thì chúng tôi cho rằng họ có thể tiếp xúc với cộng đồng. Chúng tôi cho rằng rủi ro lan truyền dịch ra khắp thế giới khá thấp", Tarik Jasarevic, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ, nói.
Các quan chức ngành y tế ở Thái Lan, nơi tiếp nhận đến hơn 26 triệu khách du lịch năm ngoái, đang theo dõi 21 du khách đến từ Sierra Leone, Liberia và Guinea, nhưng chưa có kế hoạch cách ly những người này. Họ sẽ được theo dõi trong 21 ngày, bằng thời gian ủ bệnh của Ebola.
"Họ được tự do đi lại nhưng chúng tôi kiểm tra thường xuyên", Opart Karnkawinpong, một cán bộ kiểm soát dịch thuộc Bộ Y tế Công của Thái Lan nói. Nước này cũng triển khai các máy quay giám sát ở những điểm nhập cảnh chính và bố trí bác sỹ tại các sân bay quốc tế.
Tại Trung Quốc, các bệnh viện được yêu cầu phải báo cáo cho nhà chức trách bất cứ trường hợp nào nghi nhiễm dịch Ebola.
Ấn Độ, nước có gần 45.000 công dân đang sống và làm việc ở bốn nước có dịch, cho biết sẽ kiểm tra những người quá cảnh hoặc khởi hành từ các ổ dịch khi họ về Ấn Độ. Bộ trưởng Y tế Ấn Harsh Vardhan nói với Quốc hội rằng hệ thống giám sát sẽ được tăng cường để theo dõi những người trở về từ các nước có dịch Ebola trong bốn tuần và phát hiện sớm nếu có các triệu chứng của bệnh.
Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh do virus Ebola với ba kịch bản có thể xảy ra gồm khi chưa ghi nhận ca bệnh, khi xuất hiện ca bệnh xâm nhập và khi dịch lây lan trong cộng đồng. Bộ Y tế đề nghị các cửa khẩu giám sát chặt người nhập cảnh trước tình hình dịch Ebola diễn biến xấu.
Nhật Bản cũng sẵn sàng đưa các bệnh nhân nhiễm Ebola đến các bệnh viện đặc biệt được cách ly, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết.
Các quan chức ở Singapore cho hay nguy cơ virus Ebola tràn vào là thấp, nước này tự hào vì những biện pháp nghiêm khắc đã giúp kiểm soát Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) không bùng phát hơn mười năm trước. Bộ Y tế Singapore cho hay các biện pháp ngăn ngừa đã sẵn sàng để thực hiện việc phát hiện và cách ly tiếp xúc nếu có ca nhiễm.
Bốn nước Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone đang phải vật lộn với sự bùng phát dịch Ebola tồi tệ nhất thế giới, với nguy cơ thiệt mạng lên đến 90% do không có thuốc chữa hay vắc xin phòng ngừa. Hôm qua WHO tuyên bố bệnh dịch ở Tây Phi này là sự kiện bất thường và ban hành tình trạng khẩn cấp. Ngày 6/8, WHO cho biết tổng số người chết ở Tây Phi đã tăng lên 932 người.
Hồi năm 2003, châu Á từng phải đương đầu với dịch cúm và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Trên toàn thế giới SARS lây lan ra 32 quốc gia, hơn 8.000 người mắc và 916 người tử vong.
Theo VnExpress