ChatGPT có là một công cụ hữu ích cho sinh viên ngành Y?

13-03-2023 09:36 | Thời sự
google news

SKĐS - Trước làn sóng mang tên ChatGPT đang càn quét thế giới công nghệ, thu hút sự chú ý của hàng triệu người... thì cũng đã xuất hiện những lo ngại, cảnh báo về tính rủi ro mà nó có thể mang lại. Với sinh viên ngành Y thì sao? Làm sao để sinh viên không trở thành "nô lệ" của công cụ này?

Xung quanh vấn đề trên, PGS.TS. Phạm Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ - Y tế số, Trường Đại học Y tế công cộng đã có những trao đổi trên báo Suckhoedoisong.vn

Thay đổi cách dạy học, hướng tới xây dựng kỹ năng cho người học sẽ là rất cần thiết

- Là người đã trực tiếp trải nghiệm ChatGPT, TS có nghĩ công nghệ này thú vị không?

- PGS.TS. Phạm Việt Cường: Công nghệ Chat GPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot - phần mềm siêu trí tuệ nhân tạo do công ty OpenAI của Hoa Kỳ phát triển và cho ra mắt vào ngày 30/11/2022. Chatbot này có chức năng hỗ trợ người dùng bằng cách trả lời câu hỏi và có thể nói ChatGPT hoạt động khá tốt dù mức độ câu hỏi có thể phức tạp.

Tôi thấy đây là một sản phẩm rất tuyệt của công nghệ, nó cho thấy sự tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, giúp chúng ta có thêm hiểu biết về cách mà máy tính có thể học và sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, mở ra những triển vọng mới cho việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống hằng ngày.

ChatGPT có là một công cụ hữu ích cho sinh viên ngành Y? - Ảnh 1.

PGS.TS. Phạm Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ - Y tế số, Trường Đại học Y tế công cộng.

- Liệu sự ra đời của ChatGPT có là thách thức lớn đặt ra cho ngành giáo dục? Và với ngành Y và Khoa học sức khỏe thì sao, thưa ông?

PGS.TS. Phạm Việt Cường: ChatGPT đang đặt ra một thách thức lớn cho ngành giáo dục, đặc biệt là trong việc giảng dạy kiến thức lý thuyết. Với khả năng tiếp cận thông tin rộng lớn và khả năng phân tích dữ liệu nhanh của ChatGPT, nó có thể cung cấp lượng thông tin cập nhật cho người học một cách nhanh chóng và tương đối chính xác, do vậy việc giảng dạy lý thuyết đơn thuần có thể không đem lại sự thích thú cho người học.

Với ngành Y và Khoa học sức khỏe, ChatGPT có thể hỗ trợ nhiều trong việc cung cấp thông tin và hướng dẫn về các khái niệm và thuật ngữ y khoa. Tuy nhiên, ChatGPT không thể thay thế được việc học và thực hành kỹ năng, cho tới nay thì công nghệ trí tuệ nhân tạo vẫn chưa thể thay thế được con người trong việc phát triển các kỹ năng cần thiết.

- Theo TS, vai trò và vị trí của người thầy trong ngành Y và Khoa học sức khỏe có đang bị "đe dọa" bởi ChatGPT?

PGS.TS. Phạm Việt Cường: Theo tôi là không, nhưng ChatGPT đặt ra nhiều thách thức cho sự đổi mới trong cách dạy và học.

Với các công nghệ tốt và có sẵn thì người học sẽ có nhiều sự lựa chọn để nâng cao hiểu biết của mình trong bất kể lĩnh vực nào. Nếu người thầy không thay đổi và chỉ dừng ở mức độ cung cấp các kiến thức có sẵn thì người học sẽ tìm kiếm các "nguồn" kiến thức đa dạng và cập nhật hơn. Việc thay đổi cách dạy học, hướng tới xây dựng kỹ năng cho người học sẽ là rất cần thiết trong bối cảnh phát triển của công nghệ hiện nay.

Nên học tập và nắm vững kiến thức cơ bản trong lĩnh vực y tế trước khi sử dụng công cụ ChatGPT

- Theo ông, ChatGPT có thể hỗ trợ sinh viên ngành Y và Khoa học sức khỏe trong quá trình nghiên cứu hay phân tích dữ liệu... như thế nào?

PGS.TS. Phạm Việt Cường: Theo tôi, ChatGPT là một công cụ hữu ích cho sinh viên ngành Y và Khoa học sức khỏe, đặc biệt là trong việc tìm kiếm và truy xuất thông tin.

Với khả năng phân tích và tổng hợp dữ liệu, ChatGPT có thể giúp sinh viên tìm kiếm các bài báo, tài liệu và thông tin y khoa mới nhất và chính xác nhất, từ đó giúp cho việc nghiên cứu và phân tích dữ liệu của sinh viên được hiệu quả hơn.

ChatGPT cũng có thể hỗ trợ sinh viên trong việc lên ý tưởng nghiên cứu, viết các dàn ý, lập kế hoạch xử lý, viết các đoạn mã phân tích dữ liệu y tế, từ đó giúp cho sinh viên đưa ra được các phân tích, kết quả nghiên cứu và suy luận chính xác hơn.

- TS có thể nói rõ hơn về những thách thức trong hoạt động kiểm tra đánh giá đối với sinh viên ngành Y và Khoa học sức khỏe trước sự xuất hiện của ChatGPT?

PGS.TS. Phạm Việt Cường: Có nhiều thách thức từ ChatGPT với hoạt động kiểm tra đánh giá bao gồm:

Thứ nhất, với khả năng tổng hợp thông tin nhanh chóng và chính xác, ChatGPT có thể cung cấp câu trả lời chính xác và nhanh chóng cho các câu hỏi trong bài kiểm tra. Điều này đặt ra thách thức đối với các giảng viên trong việc tạo ra các câu hỏi và bài kiểm tra có độ phức tạp hơn nhằm đánh giá sự hiểu biết và khả năng áp dụng kiến thức của sinh viên.

Thứ hai, ChatGPT có thể cung cấp cho sinh viên các thông tin cần thiết để giải quyết một câu hỏi, tuy nhiên, nó không thể đánh giá khả năng áp dụng kiến thức của sinh viên để giải quyết các vấn đề thực tế hoặc các trường hợp lâm sàng phức tạp.

Thứ ba, với khả năng truy cập vào thông tin trực tuyến và các công cụ trí tuệ nhân tạo, sinh viên có thể dễ dàng sao chép và dán các thông tin để trả lời các câu hỏi trong bài kiểm tra và có thể vi phạm tính trung thực trong hoạt động kiểm tra, đánh giá.

ChatGPT có là một công cụ hữu ích cho sinh viên ngành Y? - Ảnh 2.

Một tiết học thực hành phục hồi chức năng tại Trường Đại học Y tế Công cộng.

- Theo TS, sinh viên ngành Y nói chung và sinh viên Trường ĐH Y tế Công cộng nới riêng nên ứng dụng ChatGPT như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, để không trở thành "nô lệ" của công cụ này?

PGS.TS. Phạm Việt Cường: ChatGPT có thể cung cấp cho sinh viên rất nhiều thông tin, tuy nhiên, không phải thông tin nào cũng chính xác và đáng tin cậy. ChatGPT được lập trình để tự động tạo ra các câu trả lời dựa trên dữ liệu có sẵn thông qua quá trình huấn luyện mô hình. Tuy nhiên, mô hình này vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi các thông tin chưa chính xác, không đầy đủ hoặc không thể kiểm chứng. Do đó, trước khi sử dụng bất kỳ thông tin nào được cung cấp bởi ChatGPT, các em sinh viên cần kiểm tra, phân tích và đánh giá tính chính xác của thông tin, tránh những sai sót có thể xảy ra.

Để sử dụng có hiệu quả các em nên xác định rõ mục đích sử dụng ChatGPT để làm gì và tìm kiếm, lựa chọn các từ khóa, câu hỏi một cụ thể. Điều này giúp hệ thống tìm được thông tin chính xác và nhanh chóng hơn.

Các em sinh viên cần phải hiểu rằng, ChatGPT chỉ là một công cụ hỗ trợ chứ không thể thay thế được con người trong việc giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống, không thể thay thế được sự tư vấn và hướng dẫn của các chuyên gia và giảng viên.

Tôi khuyên em sinh viên nên học tập và nắm vững kiến thức cơ bản trong lĩnh vực y tế trước khi sử dụng công cụ ChatGPT. Điều này giúp cho việc đánh giá được tính chính xác của thông tin, kết quả một cách tốt nhất.

Ngoài ra, các em hãy học cách sử dụng công cụ này một cách hiệu quả để tìm kiếm thông tin, tránh lạm dụng và lệ thuộc vào nó trong mọi trường hợp. Hãy coi ChatGPT là một công cụ hữu ích, nên kết hợp sử dụng công cụ này với các nguồn thông tin khác như tìm kiếm trong thư viện, tham gia các hội thảo, đọc sách, tài liệu để tìm kiếm thông tin và nghiên cứu đầy đủ, chính xác nhất. Hãy coi ChatGPT là một công cụ tốt đem lại cho chúng ta thông tin, kiến thức cập nhật nhưng nó không giúp chúng ta thực thi được các kỹ năng cần thiết. Cần tập trung vào việc học tập và rèn luyện kỹ năng để trở thành những chuyên gia có năng lực và kiến thức chuyên môn cao.

Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. Phạm Việt Cường!


Đỗ Vi (thực hiện)
Ý kiến của bạn